Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người nghèo không đơn độc

Thời gian qua, nhiều địa phương đang gấp rút triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển SXKD, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Những ngày này, đội ngũ cán bộ NHCSXH trong toàn tỉnh Lai Châu đã và đang nỗ lực không kể ngày nghỉ, gấp rút triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển SXKD, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Không chỉ tăng cường các Điểm giao dịch bổ sung, đội ngũ lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu cũng luân phiên về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, quyết tâm không để xảy ra sai sót, vi phạm. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.Anh Đèo Văn Dưng ở thôn Tây An, xã Mường So chia sẻ: “Gia đình tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Thổ giải quyết cho vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, tôi mừng lắm. Vậy là tôi đã có vốn để tái đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc. Tôi sẽ cố gắng hết sức để vượt qua thời điểm khó khăn này, sớm trả nợ ngân hàng, dành nguồn vốn vay ưu đãi của mình cho hộ khó khăn khác”. Không chỉ có gia đình anh Dưng mà nhiều hộ dân được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đều vui mừng phấn khởi, bởi họ đã có vốn để mua trâu, bò; trồng rừng và cho con cái ăn học, tập trung phát triển kinh tế.

Nhờ được vay vốn, người nghèo đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo

Nhờ được vay vốn, người nghèo đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo

Gia Lai là địa phương có tỷ lệ người đồng bào DTTS cao chiếm trên 44%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua hệ thống NHCSXH đã và đang tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa có vốn đầu tư sản xuất, tái sản xuất, xây sửa nhà ở từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Là một trong những hộ thuộc diện được thụ hưởng vay vốn ưu đãi hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, gia đình chị Săn ở làng Plei Piơm ở thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) mới có cơ hội tái canh toàn bộ diện tích cà phê già cỗi của mình. Gia đình chị hiện có 700 gốc cà phê đã già cỗi năng suất thấp, sau nhiều năm muốn tái canh nhưng không đủ vốn. Đợt này, chị Săn rất vui khi được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để tái canh toàn bộ diện tích cà phê này. “Vừa rồi, tôi đã đến Điểm giao dịch để làm thủ tục nhận tiền. Với số tiền này, gia đình tôi sẽ đầu tư cây giống, phân bón, thuê máy móc để làm lại đất để trồng mới cà phê trên diện tích hiện có”, chị Săn phấn khởi nói.

Cũng ở thị trấn Đắk Đoa (Gia Lai), gia đình anh Nguyễn Hoàng Linh ở thôn 1 được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Đoa tạo điều kiện cho vay 400 triệu đồng chương trình cho vay nhà ở xã hội. Có được nguồn vốn vay ưu đãi này cộng với số tiền tiết kiệm của hiện có, anh Linh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn cho gia đình mình sau nhiều năm mơ ước.

Tại Điểm giao dịch xã Tế Lợi, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), anh Nguyễn Thế Minh ở thôn Hữu Cần cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cơ sở sản xuất và chế biến rau của gia đình gặp nhiều khó khăn do mất nguồn thu nhập, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Được vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, gia đình anh đầu tư mở rộng mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để khôi phục sản xuất. Qua đó, gia đình anh đã mau chóng phục hồi, phát triển sản xuất cho cơ sở rau sạch của mình, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Riêng tại TP Hà Nội, trong năm 2022, UBND thành phố đã dành gần 2.000 tỷ đồng cho vay khôi phục sản xuất sau dịch. Trong đó, có hơn 921 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố bổ sung năm 2022 và hơn 1.056 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng để cho người nghèo, gia đình chính sách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn để khôi phục kinh tế. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP, Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả gói tín dụng ủy thác qua NHCSXH thành phố cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…