Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người nước ngoài đón Tết Việt tại Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn là một trong số ít những khu phố ở Việt Nam có số đông người nước ngoài ghé thăm, lưu luyến và rồi chọn vùng đất Hội An làm nơi định cư lâu dài. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Tết Nguyên Đán đã ăn sâu vào tiềm thức người nước ngoài.

 

Đi qua những cái tết ý nghĩa

Gary Hagan, một người Úc, đang sinh sống tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Gary bắt đầu chọn Hội An để định cư khi ông sang vùng đất này hồi cuối năm 2015. Đây là cái tết đầu tiên ông đón cùng với người vợ Việt Nam khi hai người vừa mới kết hôn. Gary kể, ông cảm nhận Tết Việt khi ngoài phố người ta mang hoa về nhà. “Ở khắp các con hẻm, ngõ phố nhà nhà trưng hoa, nhà nhà ăn uống, mọi người đều mở cửa chào đón vui vẻ, ai cũng diện áo mới, đặc biệt là phụ nữ, họ mua rất nhiều” Gary vui vẻ nói về tết Việt khi ông đến Hội An, đặc biệt, ai cũng rất tốt với mọi người, họ thích chia sẻ, tặng quà và lì xì cho trẻ con. “Mọi người làm việc chăm chỉ tích góp cả năm nhưng họ lại tiêu tiền rất nhiều khi tết đến, khiến không khí tết thêm nhộn nhịp”.-Gary nói. Vợ chồng Gary vừa mới đón chào thành viên nhí, cậu con trai mới 7 tháng tuổi, tên là Hiếu. Cậu bé có đôi mắt đen, tóc vàng, gương mặt rất “tây”.


Gary cùng gia đình đón tết.ảnh:H.T

Tết cũng là lúc rất nhiều người nước ngoài tại Hội An chọn tham gia hoạt động từ thiện. Bà Reiko Usuda (Nhật Bản) đến Hội An khoảng 8 năm trước và có một quán café tại Hội An. Với bà, tết là lúc bà lên các vùng huyện Tây Giang, Đông Giang để thăm những người phụ nữ Cơ Tu đã cùng bà đưa sản phẩm dệt thổ cẩm phân phối tại thị trường Nhật Bản. Bà Reiko chia sẻ, những người phụ nữ Cơ Tu, một ngày của họ được bắt đầu bằng việc giặt đồ ngoài suối, nấu ăn ở bếp và trông con cái. Họ chủ yếu sống nhờ vào lúa rẫy, năm được mùa hoặc thất bát. Bà Reiko nói rằng: “Ngoài thời gian gia đình, người phụ nữ Cơ tu dệt vải rất đẹp  bằng cách đưa các hạt trang trí theo chiều ngang, nhưng họ không bán được ở Hội An, Đà Nẵng hay nhiều vùng khác. Trong khi đó, tại Nhật Bản các sản phẩm thủ công với họa tiết trang trí rất được yêu thích”.

Trải nghiệm ẩm thực tết

Không chỉ riêng những người nước ngoài định cư tại Việt Nam, nhiều du khách đến thăm Hội An trong dịp tết cũng rất háo hức tham gia các tour du lịch trải nghiệm ẩm thực, học các lớp nấu món bánh chưng, xôi, bánh xèo,…tại gia đình Việt.

Tham gia cùng Hoi An Food tour ( Một tour trải nghiệm ẩm thực Hội An) những du khách người Mỹ đã có chuyến đến thăm nhà bà Hoàng Thị Nở, thành phố Hội An, để hướng dẫn học các món ăn ngày tết. Bà Nở vốn là một giáo viên tiếng Anh về hưu, bà muốn dùng ngôn ngữ tiếng Anh để truyền đạt những điều thú vị về ẩm thực Việt trong ngày tết đến du khách, chính vì vậy, bà tham gia vào tour trải nghiệm này và là đầu bếp chính.

Tham gia làm món tết với gia đình Việt.ảnh:H.T

 Gia đình bà Nở vốn ăn chay trường và thờ cúng tổ tiên, chính vì thế, điều đầu tiên khi khách du lịch vào nhà, bà giới thiệu về phong tục thờ cúng người Việt,  vào ngày tết, bà thực hiện cúng vào mùng 1 âm lịch và mùng 3 âm lịch. Bà rất giỏi làm dưa món, mứt tết và gói bánh chưng. Bà Nở đã tham gia tour trải nghiệm này nhiều năm trước, bà nói: “Mỗi lần khách đến đúng vào dịp tết, chúng tôi thường lì xì cho trẻ con và rồi những du khách cũng “bắt chước” lì xì lại cho trẻ con Việt”. Bà Nở giải thích rằng, lì xì mang ý nghĩa tốt đẹp về sự hạnh phúc, vui vẻ và sung túc trong suốt năm.

Là một vùng đất có nhiều người nước ngoài định cư, làm việc và thăm quan, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết, thông qua các phong tục thờ cúng và nhiều tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam và tại phố cổ Hội An như thăm hỏi lẫn nhau, lì xì trẻ con, nấu bánh chưng, bánh tét,…giúp du khách hiểu rõ hơn nét văn hóa ngàn đời xưa của người Việt và hiểu thêm về văn hóa phi vật thể. Qua đó, quảng bá hình ảnh Việt đến khắp bạn bè trên thế giới.