Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người phụ nữ Việt sở hữu những bộ sưu tập hàng tỉ đôla

Cho đến hiện nay, bà Imelda Marcos phu nhân của Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines bị lật đổ vào năm 1986) vẫn được giới truyền thông đánh giá là người có bộ sưu tập phụ kiện phụ nữ khủng nhất thế giới với 1.220 đôi giày, 508 chiếc váy dạ hội, 888 túi xách (bóp đầm), 65 chiếc dù tay và 15 chiếc áo lông thú.

Tuy nhiên, có vẻ như bộ sưu tập của bà Imelda Marcos vẫn kém xa bộ sưu tập của một quý bà ở TP Hồ Chí Minh, về nhiều khía cạnh?

Bí ẩn trong biệt thự Hoàng Gia Trang

Biệt thự Hoàng Gia Trang nằm khiêm tốn trong con đường nhỏ thuộc phường 2, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh. Suốt nhiều năm nay, những người hàng xóm thường trông thấy một phụ nữ trạc 70 tuổi, ăn mặc bình dân, mang dép lê, đội nón lá, len người qua cánh cổng biệt thự, xách giỏ đi về, chợ búa cơm nước. Trong suy nghĩ của mình, họ phỏng đoán đó chỉ là bà quản gia của Hoàng Gia Trang. Ít ai biết, đó chính là bà Nam Hương - chủ nhân chính thức của ngôi biệt thự - và cũng là người sở hữu những bộ sưu tập có giá trị ước tính hàng tỉ đôla.

Tuy bà Nam Hương ẩn danh từ nhiều năm nay nhưng hầu hết dân sưu tầm cổ vật từ Nam chí Bắc đều nhắc đến tên bà mỗi khi có dịp tề tựu. Nhiều người biết bà sở hữu rất nhiều bộ sưu tập quý giá nhưng số lượng và quy mô vẫn là con số bí ẩn. Đúng nửa thế kỷ miệt mài sưu tầm, ngày 4-1-2016 bà Nam Hương tuyên bố dừng "cuộc chơi" mà bà đã dành gần trọn đời.

Bà bắt đầu "cuộc chơi" của mình từ năm 1965. Khi đó, bà vừa tròn 20 tuổi và được đánh giá là 1 trong 5 tuyệt sắc giai nhân của giới thượng lưu Sài Gòn.

Chuyện rằng, thân mẫu của bà Nam Hương là "mụ đỡ đẻ" được người Pháp đào tạo chính quy. Trong một lần đỡ đẻ cho vợ của một quan chức Pháp ở Bến Tre, thân mẫu của bà được tặng chiếc túi xách hiệu Gianni Versace. Khi bà Nam Hương thi đậu vào trường trung học đã được thân mẫu tặng lại chiếc túi xách đó. Lần đầu sở hữu chiếc túi xách hàng hiệu đầu tiên đó, bà Nam Hương vẫn chưa hiểu đúng giá trị về đẳng cấp của nó. Bà chỉ biết, chiếc túi xách đó đẹp.

Bà Nam Hương và một số hiện vật cổ trong bộ sưu tập.

Khi trưởng thành, về Sài Gòn sinh sống, một lần đi ngang cửa hàng đại lý Marc Jacobs, bà ghé vào ngắm nghía. "Thấm" ngay vẻ đẹp cao sang của chiếc túi xách quý phái, bà Nam Hương mua ngay. Trả giá cho niềm vui xa xỉ đó, bà phải chi ra hơn 1.200 USD (Thời điểm này 1 lượng vàng có giá 50 USD).

Xách chiếc túi hàng hiệu đi dự dạ tiệc cùng các mệnh phụ phu nhân trong chính quyền trung ương Việt Nam Cộng hòa, chiếc túi xách hàng hiệu cùng sắc đẹp thiên phú của bà đã thu hút khá nhiều ánh mắt ngưỡng mộ của giới thượng lưu nhà giàu lúc bấy giờ. Bấy giờ bà mới nhận ra trong thế giới thượng lưu, phụ kiện thời trang cũng là thước đo sự quý phái.

Từ đó, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi bà đều la cà tại những shop thời trang để thưởng ngoạn và lùng mua những món phụ kiện thời trang, đặc biệt là túi xách. Bà mua để sử dụng, chứ không có ý niệm sưu tầm. Cứ thấy món nào đẹp là bà mua bằng được. Khi có cái mới, bà đem cái cũ cất vào kho bảo quản. Cho đến năm 1972, bà mới phát hiện mình đã "nghiện" thú vui mua sắm thời trang? Thời điểm đó, bà đã sở hữu vài trăm món hàng thời trang đắt tiền. Ý tưởng sưu tầm bắt đầu hình thành trong suy nghĩ.

Bộ sưu tập… "khủng"

Bây giờ, sau 50 năm "chơi" phụ kiện thời trang, bà sở hữu 2.000 túi xách tay, 1.000 đôi giày da, 600 mắt kính, 10.000 khăn choàng, 2.000 sợi dây nịt da (thắt lưng), 500 cái áo hiệu, 50 bộ Kimono Nhật và 700 cây dù. Điều đặc biệt của bộ sưu tập là không cái nào trùng lắp kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu. Trong đó có hàng trăm nhãn hàng quý tộc như Michel Klein, Louis Vuitton, Valentino Creations....

Một số món bà từng phải sang Campuchia, Thái Lan, Hongkong, Pháp, Nhật... để lùng mua. Chẳng hạn như chiếc túi xách Marc Jacobs 5 loại da sản xuất năm 1973 thuộc loại duy nhất (Single production), bà phải sang tận Mỹ để mua.

Cũng năm 1973, show thời trang "The Battle of Versailles" quy tụ 5 nhà thiết kế Pháp gồm Marc Bohan, Emanuel Ungaro, Yves Saint Laurent, Hubert de Givenchy và Pierre Cardin đã tạo một cơn "chấn động thời trang" ở Pháp. Bà đi Paris chỉ để mua chiếc túi xách Pierre Cardin "The Battle of Versailles".

Lại cũng có một số món bà không mua từ shop mà ở các điểm bán hàng seconhand. Thậm chí có món bà sưu tầm được từ một công ty xử lý hàng phế liệu ở Nhật. Đó phải chăng là cách chơi của người sành sỏi?

Một góc "nhà kho" túi xách đang được xử lý chống ẩm mốc.

Đầu năm 2015, thông qua một người bạn làm mẫu thời trang ở Nhật tên là Maho Suzuki, ban tổ chức một cuộc triển lãm thời trang tại Bangkok đã thuê của bà 50 chiếc túi xách với giá 50.000 USD để trưng bày suốt một tháng.

Ngày 22-12-2015, bà Nam Hương quyết định mua chiếc xách hiệu Hermès giá 12.396 USD tại một cửa hàng ở Nhật trên đường quá cảnh từ Mỹ về Việt Nam. Đó là chiếc túi xách thứ 2.000 và cũng là chiếc túi xách cuối cùng để bà tuyên bố "dừng cuộc sưu tầm" sau 50 năm miệt mài.

"Bà hoàng cổ vật”

Song song với niềm đam mê phụ kiện thời trang, bà Nam Hương còn đam mê sưu tầm cổ vật. Niềm đam mê phụ kiện thời trang xuất phát từ người mẹ, còn niềm đam mê cổ vật của bà có lẽ xuất phát từ gia đình. Tổ phụ bà là dòng dõi danh gia lâu đời ở vùng đất An Hóa, Châu Thành, Bến Tre. Trong thân tộc của bà có nhiều người là bác vật (kỹ sư) thời Pháp. Xuất thân trong một gia đình như thế nên ý thức quý trọng hiện vật cổ xưa cứ tự nhiên hình thành trong tâm thức bà từ thuở còn thơ.

Ngày còn bé, bà đã có thói quen tìm tòi, truy nguyên về những di vật, di tích, địa danh lịch sử của quê hương chôn nhau cắt rốn.

Bà không sưu tập theo chủ đề, mà chỉ "chơi" theo quan điểm: Đã là cổ vật thì cái nào cũng quý. Mỗi món cổ vật mua được bà ngắm nghía, o bế như con đẻ.

Sau khi đất nước thống nhất, tuy định cư và nhập quốc tịch Mỹ nhưng bà vẫn thường xuyên cư trú tại tp Hồ Chí Minh. Dù không tham gia kinh doanh trong nước nhưng bà có nhiều cổ phần hùn với các doanh nhân Thái Lan, Nhật, Mỹ, Pháp và một số quốc gia Trung Đông. Trong đó, bà cùng một người bạn đầu tư mở shop kinh doanh trong Trung tâm Thương mại Thế giới Manhattan, New York (Tòa tháp đôi).

Một góc nhỏ bộ sưu tập giày.

Trong những chuyến đi thương mại đến các quốc gia, bà tìm gặp, giao lưu với giới học giả bảo tàng đồng thời sưu tầm các tài liệu, kiến thức về cổ vật.

Mỗi khi về Việt Nam, khi nghe đồn nơi nào có món cổ vật quý là bà tìm đến, bất kể miền Nam hay miền Bắc. Bà chia sẻ: "Ngoài sở thích ngắm nghía cổ vật tôi còn nghĩ, mình không mua lại, lưu giữ lại cho đất nước thì người khác cũng mua rồi đưa ra nước ngoài. Tôi lưu giữ để các thế hệ sau này còn có dịp chiêm ngưỡng báu vật của tổ tiên".

Suốt nửa thế kỷ săn lùng, đến nay bà sở hữu được 9.940 món cổ vật giá trị. Từ trống đồng Đông Sơn, cổ vật văn hóa Óc Eo, cổ vật từ thời Lý - Trần, thời nhà Mạc, đồ men lam Huế triều Nguyễn cho đến hiện vật cổ Trung Quốc thời nhà Thương, Chu, Đường, Nguyên, Thanh... Trong đó, có một số hiện vật quý hiếm mà theo như giới trong nghề đánh giá thì các bảo tàng cũng chưa thể sưu tầm được. Năm 1999, bà nhờ một số cán bộ bảo tàng giám định lập hồ sơ được 3.000 hiện vật.

Từ bộ sưu tập cá nhân, bà Nam Hương được giới đồ cổ Việt Nam gọi là "bà hoàng cổ vật".

Ngoài bộ sưu tập phụ kiện thời trang, cổ vật, bà còn sở hữu nhiều "chủng loại" sưu tầm đặc biệt khác như 1.000 chai rượu các loại, bộ sưu tập đồng hồ cổ trị giá nhiều triệu USD...

Cuối năm 2000, bà chuẩn bị mọi thứ để mở một viện bảo tàng tư nhân tại tp Hồ Chí Minh. Bất ngờ xảy ra sự kiện Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York (Tòa tháp đôi) bị tấn công. Vốn đầu tư của bà ở đó cũng bị chôn vùi theo vụ tấn công khủng bố. Việc kinh doanh bị đình trệ. Bà tạm gác dự án xây bảo tàng.

Hồi năm 2011, một cô cháu ngoại của bà được Tổng thống Obama tặng bằng khen danh dự vì thành tích học tập. Từ sự kiện đó, một số trường đại học ở Mỹ tìm hiểu thông tin về gia đình và phát hiện bà sở hữu bộ sưu tập phụ kiện thời trang và cổ vật. Họ đã nhờ một mục sư gợi ý với bà về việc lập bảo tàng mang tên bà. Nhà trường hứa vận động chính quyền bỏ tiền ra xây bảo tàng, bà chỉ việc đưa hiện vật vào. Bà từ chối.

Một bộ phụ kiện thời trang "tông xuyệt tông" trong bộ sưu tập của bà Nam Hương.

Bà chia sẻ: "Tôi đã lớn tuổi. Rồi tôi cũng sẽ trở về cát bụi. Ước nguyện cuối đời của tôi là xây bảo tàng của tôi trên chính quê hương Việt Nam!".

Hiện bà đã chuẩn bị một khu đất 5.500m2 ở Bình Chánh (tp Hồ Chí Minh và tiến hành tìm hiểu các thủ tục pháp lý để xây dựng bảo tàng. Tuy nhiên, bà chưa tìm được người quản lý tin cậy.

Các con của bà đều định cư và thành đạt ở nước ngoài nên không thể quản lý dự án bảo tàng tư nhân cho bà.

Bà cũng đã đánh tiếng giao quyền thừa kế cho một cô cháu gái sinh sống ở Việt Nam nhưng đang là nghiên cứu sinh cao học tại Thụy Sỹ. Tuy nhiên, cô cháu gái này vẫn chưa nhận lời.

Bà cho biết ước nguyện mà bà ấp ủ suốt nhiều năm nay: "Suốt cuộc đời, tôi kiếm được bao nhiêu tiền đều đầu tư hết cho các bộ sưu tập. Tôi không phô trương mà âm thầm miệt mài một mình. Tôi tự xem mình là một nhân viên bảo tồn. Tôi lao động cần cù suốt 50 năm nay chỉ để tạo một công trình sưu tập, với mong muốn để thế hệ tương lai của đất nước có thể cảm thấy, nhìn thấy, sờ thấy được từng bước tiến của lịch sử thông qua những hiện vật cụ thể. Và cũng để cho thế giới hiểu rằng, ở Việt Nam cũng có người làm được điều đó! Và cuối cùng, tôi chỉ mong Nhà nước công nhận công sức đóng góp đó của tôi bằng việc cấp cho tôi một danh hiệu gì đó để tôi mãn nguyện khi về với cõi vĩnh hằng".