Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Người ta làm sao, tôi làm vậy. Người ta làm bậy, tôi làm theo”

Khi làm sai một điều gì đó, người ta thường biện minh cho mình bằng câu nói “Người ta làm sao, tôi làm vậy” rồi “người ta làm bậy, tôi làm theo ?” . Đây không hẳn là lời nói cho vui mà dường như là căn bệnh nan y của xã hội qua mọi thời đại với tâm lý chung là “số đông luôn đúng” mà mất đi lập trường, chính kiến hay sự suy xét đúng-sai, phải-trái của vấn đề.

 

Căn bệnh “hùa theo đám đông”

Điều này dễ thấy nhất khi tham gia giao thông, mỗi lần dừng trước đèn đỏ, hễ mà có một người vượt lên trước thì y như rằng sẽ có rất nhiều người vượt lên theo. Lúc này người ta không còn để ý đến đèn chỉ dẫn hay quan tâm đến quy định của pháp luật mà ồ ạt chạy theo đám đông, bất chấp là mình đang vi phạm pháp luật

Đây là căn bệnh “hùa theo đám đông”. Số đông làm mình cũng làm. Sự làm theo đôi khi bất chấp tội lỗi. Dường như người ta nghĩ rằng nhờ đám đông mà họ có thể giảm bớt tội hay giảm bớt trách nhiệm. Những bệnh “hùa theo đám đông” này không biết nên xếp vào loại bệnh gì, có những lúc nó lan tràn nhanh chóng như bệnh dịch, sau đó thì không thể lành và hủy hoại lối sống con người như một bệnh nan y chưa tìm ra phương pháp chữa.

Căn bệnh này không trừ một ai, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, từ học sinh cho đến người đi làm..Dễ thấy nhất là những việc như: nam nữ sống “góp gạo thổi cơm chung”, căn bệnh này phổ biến tại các khu tập trung công nhân và sinh viên xa nhà; Hay như chuyện buôn gian bán lận để có đồng lời trong thời buổi cạnh tranh mà nhiều người cho rằng “không gian thì làm sao có lời”; Rồi chuyện đem tiền đi  hối lộ, tham nhũng để được việc, giữ chức lâu dài…Lợi dụng đám đông, người ta có thể làm sai quy định pháp luật mà không e ngại, không xấu hổ và có khi không còn ý thức đâu là tội. Có những người hùa theo đám đông mà không còn ý thức về căn tính sự việc.

 


Nạn nhân của căn bệnh "hùa theo đám đông" thường mang tâm lý tự ti, mặc cảm, xấu hổ...

Đáng nói nhất hiện nay là thực trạng chạy theo trào lưu trên mạng xã hội một cách ồ ạt , vô thức của rất đông đảo các bạn trẻ . Gần đây nhất là việc bắt chước từng cử chỉ, hành động và lời nói của một chàng trai trẻ đang cai nghiện ma túy, thần kinh bị suy giảm do trước đây sử dụng chất kích thích mạnh dẫn đến không kiểm soát và không ý thức được lời nói và hành động của mình. Tuy nhiên, đã có rất nhiều các bạn trẻ đã tự quay clip bắt chước, coi đó là chuyện hay ho và  đăng tải đầy trên facebook. Hành động vô thức, đầy ngẫu hứng của các bạn trẻ đang vô tình chế giễu, châm biếm một người con người thần kinh không được bình thường

Hay việc cư dân mạng thỏa sức "ném đá" ( chỉ thái độ phản ứng, chỉ trích ) các nhân vật trong xã hội một cách ồ ạt. Từ chuyện anh nông dân trồng ổi Lệ Rơi "mê hát", hay chuyện "khoe mẽ" của "thánh nổ" Kenny Sang hay chuyện nam ca sĩ Sơn Tùng-MTP đạo nhạc.Cư dân mạng cũng chẳng ngại "ném đá tập thể" vào nhan sắc tân hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên khi cô gái 18 tuổi đăng quang. Không chỉ dừng lại ở đó, hầu như bất cứ hình ảnh hay lời nói nào của tân hoa hậu cũng khiến các "anh hùng bàn phím" (ám chỉ những kẻ thích ra oai, phô trương và tỏ vẻ hiểu biết trên mạng) thi nhau lôi ra bình phẩm để "dìm hàng" không thương tiếc. Đồng ý là mỗi người có một quan điểm riêng, cách nhìn riêng về cái đẹp, nhưng chê bai người khác một cách thô bạo, bới móc chuyện riêng tư để xúc phạm đến danh dự , nhân phẩm của người khác thì không thể chấp nhận được.

Đã đến lúc cần dừng lại !

 Nhiều người cho rằng đó chỉ là trò vui chơi, tiêu khiển hay những lời nói vô thưởng vô phạt nhưng chuyện "ném đá tập thể" xuyên quốc gia đã khiến người nước ngoài nhìn vào con người Việt Nam bằng ánh mắt khác.

Số đông không phải lúc nào cũng đúng. Bạn cần có chính kiến và suy xét vấn đề một cách đúng đắn nhất (ảnh internet)


Căn bệnh hùa theo đám đông đã len lỏi và sống ký sinh, lây nhiễm trong xã hội chúng ta trong khoảng thời gian quá dài. Đám đông làm bậy đã làm cho nhiều trẻ em và những người kém hiểu biết mất ý thức về việc đúng hay sai, họ làm theo đám đông mà không còn ý thức về căn tính sự việc

Chính sự buông thả của con người đã khiến cho căn bệnh phát triển và lớn lên một cách không kiểm soát. Nó đang dần  nuốt chửng những con người công chính dám kháng cự nó, biết bao người tử tế bị hạ bệ, bị lấy mất thanh danh bởi đám đông rỉ tai nhau bỏ vạ, cáo gian, nói xấu; Bao người bị tước mất danh dư lẫn vật chất vì đám đông hãm hại mà không biết nên thanh minh từ đâu; Dòng đời hôm nay còn đâu những người công chính dám đứng lên bảo vệ công lý khi mà đám đông luôn tẩy chay chủ nghĩa đồng cảm chứ không đồng thuận; Tội lỗi ngày càng lan tràn khi mà đám đông đã không đủ thức tỉnh để hồi tâm, để dừng lại. Nhưng lại hùa nhau để làm bậy đến mức độ mất ý thức về tội lỗi.

Đã đến lúc chúng ta cần đoàn kết lại để chấm dứt, tiêu diệt hiểm họa đang ngày càng lớn mạnh này. Mỗi người trong xã hội cần phải vượt lên trên dư luận, can đảm bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải, biết tôn trọng sự thật và can đảm bảo vệ sự thật. Hãy là những con người luôn có lập trường vững chắc trong cuộc sống, không vì cái lợi nhỏ nhặt mà làm ngơ trước những bất công và phải luôn can trường để bảo vệ chân lý và sự thật