Ảnh minh họa: KT
Bổ nhiệm người nhà đã thành “bệnh”.
Trong những năm gần đây, nhiều lãnh đạo (cả trung ương lẫn địa phương) đã bổ nhiệm người nhà vào những chức vụ quan trọng, những vị trí “béo bở”. Điều này gây bất bình trong xã hội, nhưng người ta cũng chỉ dám xì xầm bàn tán ở quán bia, quán rượu. Ngày 01/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà”. Câu nói này của Thủ tướng gây chú ý trong xã hội.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nói câu này. Nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói to điều này ở diễn đàn trang trọng, thiết nghĩ, cũng nên nói rõ những cái hại của việc bổ nhiệm người nhà.
Cái hại rất lớn và rất nhiều. Thứ nhất, nó làm mất uy tín của cán bộ lãnh đạo, vì đây là biểu hiện của chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa bè phái. Thứ hai, nó là giảm niềm tin, giảm nhiệt huyết trong nhân dân: “Không con ông, cháu cha thì đừng có mơ lên chức!”. Thứ ba, nó gợi lại cái xấu của chế độ cũ, ca dao đã phê phán: “Con vua nối nghiệp làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa…”. Thứ tư, nó tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế tiếp thiếu năng lực, thậm chí là thiếu phẩm chất đạo đức…
Đã có nguyên tắc, có những tấm gương
Nguyên tắc không để người địa phương làm quản lý, làm lãnh đạo ở địa bàn của mình đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ lâu. Chẳng nói đâu xa, cha ông ta cũng đã thực hiện điều này từ hàng trăm năm trước. Trước kia, hầu như không có chuyện quan đầu huyện, đầu tỉnh là người địa phương đó. Điều này giúp tránh những rắc rối, những tiêu cực của các mối quan hệ ruột rà, thân quen.
Các cán bộ lão thành cách mạng và thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam cũng đã nêu gương về vấn đề này. Con các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,Võ Nguyên Giáp… được đào tạo rất kỹ. Thậm chí, chính Bác Hồ đã lựa chọn 100 “hạt giống đỏ” là con của những cán bộ cách mạng, gửi đi đào tạo ở Liên Xô từ những năm 50 của thế kỷ XX. Những người này “vừa hồng, vừa chuyên” nhưng hầu như không ai làm cán bộ lãnh đạo. Điều này được giải thích là họ làm như vậy để giữ thanh danh của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo làm việc.
Gần đây, trong xã hội ta không tuân thủ những nguyên tắc xưa, cũng ít người nêu gương. Có thể vì vậy mà nảy sinh nhiều tiêu cực. Phát biểu của Thủ tướng có thể là một gợi ý để chúng ta tìm lại những điều tốt đẹp.
Nghè Nghệ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em