Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người thầy không đứng trên bục giảng

Lặng lẽ rời bỏ nghề gõ đầu trẻ, lên đường nhập ngũ khi đất nước lâm nguy, nhưng cái duyên với nghề giáo vẫn đồng hành bên người tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan. Không đứng trên bục giảng, nhưng ông là người thầy của rất nhiều người lái đò trên dòng sông tri thức.

 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan 


Người thầy uyên thâm, giản dị

 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan và các sinh viên trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Huế (chụp từ ảnh của nhân vật).


Tôi may mắn được biết đến ông Nguyễn Văn Khoan trong hành trình tìm kiếm kiến thức về nghề báo, được gặp, trò chuyện và được truyền thêm nhiệt huyết và tri thức từ ông.

Ông Nguyễn Văn Khoan đã bước sang tuổi 85, nhưng là một ông già “trẻ trung”. Có lẽ, những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường còn lại trong ông cái nhiệt huyết, nhanh nhẹn đến hóm hỉnh. 

Tôi không tìm thấy ở ông một hình ảnh ông giáo già hiền lành, chất phát ở quê hay một vị tiến sỹ ăn mặc nghiêm túc, đàng hoàng ở Hà Nội. Tôi thấy hình ảnh một người ông, một người bạn, người đồng hành giản dị, chân thành, hiền hòa nhưng sâu sắc đến thân thương.

Như bao chàng trai yêu nước khác, năm 1949, tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan lặng lẽ rời quê hương, bỏ nghề “gõ đầu trẻ”, lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, ông học khóa 5 trường Lục quân rồi công tác ở Cục thông tin, sau là phòng Tuyên huấn. Với vai trò một cán bộ tuyên huấn, ngày đêm ông nghiên cứu, học tập, tìm đọc các sách báo về Cụ Hồ.

Trong những năm tháng bộ đội, ông vinh dự được gặp Bác ba lần, được nghe Bác nói, được thấy những gì Bác làm: giản dị và gần gũi. Vì những lần gặp gỡ ngắn ngủi nhưng sâu sắc đó, ông càng thêm yêu quý, kính phục Bác, càng muốn hiểu về Bác nhiều hơn.

Khi đã thấm nhuần đạo đức, tư tưởng của Người, ông Khoan say sưa học tập, tự nâng cao kiến thức bản thân và trở thành một chuyên gia Sử học, một người làm báo giàu tâm huyết. Ông cũng sử dụng được 4 ngoại ngữ (Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc).

Ông Khoan đã viết, biên tập và chủ biên khoảng 80 cuốn sách về Bác, trong số gần 120 cuốn sách ông đã xuất bản. Sách được in ra Nhà xuất bản trả nhuận bút, ông không lấy. Ông đề nghị quy đổi thành sách tặng cho những người bạn là đồng đội cũ, những người làm nghề giáo hay những sinh viên, học sinh mà mình quen biết. Có người được biếu sách biếu lại ông mấy củ khoai, vài bó rau quê,...

Những chuyến đò thầm lặng

Thỉnh thoảng, khi có các cuộc triển lãm sách về Bác Hồ, các nhà xuất bản lại tìm đến ông. Những người nghiên cứu về lịch sử, về Bác; những bạn sinh viên chuyên ngành lịch sử cũng thường tìm đến ông mỗi khi muốn mượn sách. Ngôi nhà nhỏ ở ngõ 23 Nguyễn Thị Định - nơi ông đang sinh sống trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những ai ham học tìm đến.

Ông Khoan tâm niệm, mình tự học, sự học của mình khó khăn, vất vả vô cùng. Nhưng rút cục, những tri thức mình có được đều là tài sản của nhân loại, của Tổ quốc, nhân dân. Bởi, ở đời, ngoài sức khỏe, tri thức là thứ quý giá nhất. Tiền bạc có thể dùng lúc còn sống, nhưng khi chết chẳng thể mang theo. Tri thức tuy không thể bán mua nhưng lại là thứ có thể làm giàu cho nhân loại, có thể truyền lại cho thế hệ sau. Vậy nên, ai có lòng ham học, chỉ cần có lời, đều được ông chỉ dạy.

Tuổi đã cao, nhưng ông Nguyễn Văn Khoan là một người bạn thân thiết của các bạn sinh viên. Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, ông Khoan luôn nặng tình với quê hương. Biết ông là người có lòng lại am tường sử học, các thầy cô trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Huế thường mời ông nói chuyện với sinh viên, giúp đỡ học trò của họ làm luận văn, luận án.

Ông vẫn nhớ, khi trò chuyện với các các sinh viên ở Huế, ông photo hàng trăm tài liệu lịch sử tặng cho họ nghiên cứu. Nhiều người gọi điện cho ông khi thắc mắc về các kiến thức chuyên môn, ông đều tắt máy gọi lại vì thương sinh viên nghèo khó. Có những người từ tận TP Hồ Chí Minh tìm đến ông nhờ hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sỹ. 

Có lần, học viên ở Hà Nội 2 ngày, ông gom góp hết những tư liệu quý mình có, mang đi photo tặng. Để hướng dẫn được học viên, họ phải trao đổi liên tục qua điện thoại. Nhờ ông, học viên ấy đã bảo vệ thành công, được đánh giá rất cao, đó chính là cô Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Trưởng bộ môn Báo In của khoa Báo chí và truyền thông (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHồ Chí Minh), cô đã tiếp nối mong ước truyền lửa tri thức cho đời sau từ người thầy Nguyễn Văn Khoan. Những chuyến công tác về Sài Gòn, ông thường ghé thăm “học trò”. Lúc ấy, ông được đón tiếp như trở về nhà mình, rất thân thiết mà ấm áp.

Không chỉ truyền dạy kiến thức, người thầy ấy còn gần gũi, động viên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, vươn lên học tập. Đọc trên báo, thấy có học sinh, sinh viên nào nghèo khó, ông lại gửi thư, gửi quà động viên. Có học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng chăm chỉ, học giỏi, ông viết thư hỏi thăm, tặng tiền, cho xe đạp đi học. 

Có bạn trẻ ở Vĩnh Long, vì hoàn cảnh khó khăn, toan bỏ học. Đọc được thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Khoan biên thư động viên, khuyên nhủ, tặng tiền, tặng sách. Sau đó, bạn trẻ gửi thư cho ông báo tin mừng đã đậu đại học: "Chính những dòng động viên chân thành từ thư thầy đã trở thành động lực để em tiếp tục học tập". Đọc những dòng thư ấy, ông Khoan vui hết cả tuần.

Sau nhiều năm miệt mài thầm lặng, ông Khoan cũng không nhớ mình đã truyền dạy kiến thức cho bao nhiêu sinh viên, học viên và động viên bao nhiêu người trẻ vững tin vào cuộc sống. Chỉ biết, giờ đây, rất nhiều những bức thư, những cuộc gọi về cho ông đều bày tỏ niềm cảm kích và hứa sẽ truyền lại những hiểu biết họ có được từ ông đến những thế hệ trẻ hơn sau này. Điều đó với tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan chính là niềm động viên, hạnh phúc lớn lao nhất.

Trong những dòng thư gửi cho ông đầu năm 2015, một sinh viên người Huế tên Mùa Thu thân thương: “Thầy ơi, em nỏ biết lấy chi để cảm ơn thầy! Em cũng nỏ biết nói răng để thể hiện tình cảm đối với thầy! Thầy không đứng trên bục giảng dạy em, nhưng thầy là “ông giáo” trong lòng em”.

Tôi đọc hàng trăm những dòng xúc động từ muôn phương gửi về được ông lưu giữ cẩn thận trong cuốn sổ tay của mình. Và nhìn ánh mắt ông, tôi biết, đó là niềm vui giản dị nhất mà người thầy không đứng trên bục giảng có được sau hành trình lái đò trên dòng sông chữ nghĩa.