Đôi chân đã tàn…
Gần 80 tuổi, ông Trần Dư vẫn minh mẫn lắm, vừa đan thúng, vừa nói chuyện. Ông kể lại những ngày chiến tranh đi qua, năm ấy 1969, hồi ông còn là xã trưởng xã Cẩm Châu, TP.Hội An. Như những buổi sáng khác, ông đi làm và vô tình giẫm phải mìn phục kích, một tiếng nổ kinh hoàng, khiến thân thể ông đầy máu. Đôi chân cố nhích ra khỏi, nhưng tất cả đã không kịp, người ta bảo với ông rằng không còn cách nào khác là phải cưa đi để giữ mạng sống. “Hồi ấy, lính ngụy đã chớp lấy bằng được Hội An, còn quân ta thì bao vây quanh huyện Điện Bàn, nên phục kích mìn diễn ra thường xuyên”- ông nói.
Sau ngày hòa bình, ông trở về xã Điện Dương. “Những ngày tháng sau khi rời bệnh xá, tôi thấy mình vô dụng. Đã không thể đi lại, thì làm gì để sống. Tôi chỉ ngồi mãi trong phòng, tất cả công việc do vợ tôi lo toan. Tôi tự nhủ chẳng lẽ cứ phải sống như vậy”- ông tâm sự.
Và rồi những ngày sau đó, người ta thấy một người đàn ông nhích dần cơ thể của mình trên tấm ghế, từ từ bước ra, đi lại trong căn nhà. Ông nói: “Đôi chân không còn, nhưng chiếc ghế, cây xe lăn đã thay đôi chân ấy, tôi như được sống lại”. Tàn nhưng không phế, ông Dư quyết tâm làm lại cuộc đời. “Tôi lớn lên ở biển, cha ông bao đời gắn với biển, tôi nghĩ không đi biển được thì làm thúng”-ông nói.
Chọn nghề làm thúng mưu sinh, ông thiết nghĩ, đan thúng có thể ngồi một chỗ, còn các khâu khác thì nhờ gia đình giúp đỡ làm vành thúng.
Đôi tay này còn sức đi lên
Dù đôi chân không thể đi lại như bao người, nhưng với chiếc ghế nhỏ, giúp ông di chuyển dễ dàng. Ông nghĩ: “Đôi tay này từng cầm súng, giờ hãy tiếp tục dùng đôi tay ấy làm nên tất cả”.
Ông bắt đầu tìm tre, nối nghiệp cha ông truyền lại, làm thúng. Ông nói: “Tôi đã theo cha học làm thúng, đi biển từ khi còn nhỏ, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng nó một ngày là miếng cơm của mình”. Công việc này “dễ mà khó”, nếu người ta làm một chiếc thúng chỉ mất khoảng 1 tuần, nhưng với ông phải mất tầm 10-15 ngày mới xong. “Đan thúng cần sự tỉ mỉ, thường thì khi đan xong một lượt, tôi phải nhích mình đi một tý, lấy nan tre để làm tiếp, nên thời gian lâu hơn” – ông cho biết.
Theo ông, tre đan thúng được mua về, tre phải đảm bảo độ đàn hồi, từ 1 năm tuổi trở lên, bụng thúng làm ra phải tròn đều, cạp vành chắc chắn, đường kính mỗi chiếc từ 2-2,8m. Công đoạn đan nan tre làm như việc đan rổ, đan thành hình vuống rồi cùng kéo chuyên dụng, tạo thành hình tròn. Sau đó, việc lận vành thúng, ông phải nhờ người về làm cùng, các cây cọc được kiên cố quanh vành thúng để tránh thúng bung ra. Tiếp đến là cạp vành, ông nhích từ từ đôi chân cụt của mình đi men theo vành thúng, dùng chiếc rìu chỉnh lại vành sao cho tròn đều.
Cứ như thế, nhích dần cơ thể đi hết vòng tròn thúng, “Có nhiều người làm cùng tôi, họ đã giúp tôi lận vành, kiên cố thúng quanh cọc, công việc tiến hành nhanh hơn. Trước kia, tôi chỉ có một mình, tôi và vợ phải cố gắng mới có một chiếc thúng”- ông nói.
Trung bình mỗi tháng ông làm 2-3 chiếc thúng, giá bán 4 triệu đồng 1 chiếc, chủ yếu là đặt mua và làm cho dân làng chài có phương tiện mưu sinh. Không chỉ dừng lại trong phạm vi xã, sản phẩm thúng của ông đã được nhiều du khách Hội An biết đến và tìm đặt. Ông nói: “Các hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến thăm quan chỗ tôi và họ rất thích thú khi được cùng đan thúng. Nhiều khách đã ngỏ ý mua vài chiếc về để …kinh doanh du lịch ở trời Tây”. Bây giờ khách hàng của ông ở Anh, Pháp,…cứ mỗi tháng lại đến đặt mua. Theo ông, khi có hàng, ông chỉ cần điện thoại đến và khách sẽ đến tận nơi để lấy về.
Huyền Trang