Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người thương binh làm giàu từ cây bưởi da xanh

Đến ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, hỏi thăm về gia đình ông Nguyễn Văn Xốt, thương binh 2/4, người dân nơi đây dường như ai cũng biết và sẵn sàng làm người dẫn đường tới tận nhà. Ông là một tấm gương điển hình về sản xuất gỏi, từng bước vươn lên trong cuộc sống đời thường, xứng danh là người “thương binh tàn nhưng không phế”.

                                                                            

Từng cống hiến tuổi thanh xuân và một phần xương máu của mình cho độc lập dân tộc, khi trở về quê hương với phần cơ thể không còn lành lặn, như bao số phận người thương binh khác, ông Nguyễn Văn Xốt cũng gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, ông đã được làm quen với công việc nhà nông từ thuờ thiếu thời. Chuyện làm lụng trên ruộng đồng chịu một nắng hai sương đối với ông là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, sau cuộc chiến trở về với đôi chân không còn lành lặn, không còn những bước đi vững chãi như thời trai tráng, để bám đất làm ruộng làm vườn, ông đã vấp phải bao gian nan vất vả và cả những thất bại trong mô hình sản xuất. Nhưng ông không nản chí. Ông quyết tâm đi tìm cho mình một mô hình sản xuất mới phù hợp với hoàn cảnh và 5 công đất vườn (5.000 m2) của mình. Mặc dù đôi chân bị thương tật đi lại khó khăn, nhưng hễ cứ nghe ở đâu có mô hình sản xuất hiệu quả, người nào làm ăn giỏi là ông tìm tới học hỏi. Những bước chân tập tễnh của ông đã in dấu ở nhiều nơi trong vùng nông thôn Bến Tre và một số tỉnh lân cận. Sau một thời gian lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm, mô hình làm ăn của một số lão nông, ông  quyết định vay 3 triệu đồng tiền vốn từ Qũy hỗ trợ của Hội Nông dân huyện để bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình trồng cây cam sành.

Ban đầu, ông Xốt mua 3.000 cây cam giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất vườn nhà. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, vườn cam nhà ông phát triển tốt, sai trái trúng mùa liên tục. Những năm 2000 – 2005, khi cây cam sành đang lên ngôi, có giá trên thị trường nên chỉ sau vài vụ không những ông Xốt đã trả hết nợ mà còn tích lũy được ít lưng vốn. Là người năng động và thức thời, khi vườn cam sành già cỗi, năng suất kém, thu nhập thấp ông bắt đầu chuyển đổi sang trồng bưởi Năm Roi. Đây là thứ bưởi đặc sản có tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng bưởi Năm Roi cũng chưa phải là loại cây ăn trái mang tính bền vững, vì được trồng đại trà, nên nhanh chóng bị rớt giá trên thị trường. Một lần nữa ông lại khăn gói lận đận lên đường đi tìm mô hình làm ăn mới. Lần này ông chọn cây bưởi hương hồng, lúc ấy đang là loại bưởi được thị trường ưa chuộng. Với 5 công đất vườn, những năm đầu trúng mùa, được giá, gia đình ông thu lời hơn tỷ đồng/năm.

Nhưng cũng như cây cam sành và bưởi Năm Roi, cây bưởi hương hồng sau một thời lên ngôi rồi cũng bị hạ bệ, bởi lúc này người tiêu dùng bắt đầu mặn mà với một cây bưởi đặc sản khác, với nhiều ưu điểm nổi trội về phẩm chất. Đó chính là loại bưởi da xanh, đặc sản của xứ Bến Tre. Ông không bỏ lỡ cơ hội này, nên đã quyết tâm đầu tư và gắn bó với cây bưởi da xanh từ đó tới nay.

Nhờ chuyên canh cây bưởi da xanh mà gia đình ông Nguyễn Văn Xốt đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ giàu 

 

Mỗi lần chuyển đổi cây trồng là ông lại phải vất vả lặn lội đi tìm gặp những người có kinh nghiệm để học hỏi về cách trồng và chăm sóc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và có sự tích lũy kinh nghiệm qua những năm trồng cam sành, bưởi Năm Roi, bưởi hương hồng, cùng với sự tìm tòi đọc tài liệu, nên ông ít gặp khó khăn khi theo đuổi mô hình trồng bưởi da xanh. Không chỉ làm theo kinh nghiệm của người đi trước một cách thụ động mà ông còn tìm tòi, sáng tạo trồng thử nghiệm cây bưởi da xanh theo phương pháp mới và đã thành công. Theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông lâu nay khoảng cách trồng bưởi da xanh là 5 m/cây, qua tìm tòi nghiên cứu ông nắm được đặc tính của cây bưởi da xanh ưa bóng mát, nên ông là một trong những người đầu tiên trồng với khoảng cách từ 1 – 2 m/cây. Với kỹ thuật này, ông vừa tiết kiệm được diện tích đất, vừa đảm bảo cho trái bưởi không bị rám nắng, gây hư hại.

Theo ông khi trồng thưa, cây bưởi thiếu bóng mát, trái bưởi da xanh dễ bị rám nắng và sẽ thường rụng trước khi chín, rất khó bảo quản, thất thu. Nếu trồng dày cây có nhiều bóng mát, trái không bị rám nắng và còn cho năng suất cao hơn nhiều. Hiện nay, mỗi lần thu hoạch, gia đình ông thu lợi khoảng trên 30 triệu đồng/công vườn (một năm thu hoạch nhiều lần). Vườn bưởi rộng 5.000 m2 của ông được chọn làm điểm sản xuất theo hướng GAP, có nhiều nông dân nể phục và học hỏi làm theo. Không dấu nghề, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ ai đã cất công tìm đến học hỏi. Theo kinh nghiệm của ông thì trồng bưởi da xanh không khó, nhưng phải biết cách xử lý tình huống trong kỹ thuật. Trong trường hợp đất mới, cần áp dụng kỹ thuật đào mương lên liếp để xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Bưởi da xanh trồng được quanh năm, nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới, thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng tháng 5 – 6 dương lịch hàng năm. Khâu chọn cây giống hết sức quan trọng, phải đạt tiêu chuẩn sinh trưởng sạch bệnh và có nhãn hoặc giấy các nhận nguồn gốc xuất xứ của cơ quan chức năng.

Bưởi da xanh thường có côn trùng phá hoại vào mùa mưa, nếu phát hiện thấy dấu hiệu nấm mọc trên cây, thì đó chính là do rệp sáp bám vào, có thể làm chết cây bưởi. Để tiêu diệt chúng chì cần cào đất rồi rải phân u rê xuống, với công thức 1kg u rê + 1kg phân lân. Đặc sản bưởi da xanh của Bến Tre từ lâu đã trở thành một thương hiệu được thị trường tiêu thụ trong nước và cả nước ngoài rất ưa chuộng vì phẩm chất ngon đặc trưng. Ông cho biết, bưởi da xanh có nguồn gốc đầu tiên ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, Bến Tre, sau đó được di chuyển đến nhiều địa phương trong tỉnh bằng cách cho, biếu lẫn nhau thông qua quan hệ bà con thân tộc, bạn bè...

Hiện nay cây bưởi da xanh đã được trồng ở nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, theo nhiều người ghi nhận, thì trái bưởi da xanh trồng ở xã Mỹ Thanh An, huyện Mỏ Cày có phẩm chất ngon hơn, so với trồng ở nơi khác. Bưởi da xanh đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia. Nhiều năm gắn bó với cây bưởi da xanh, ông Nguyễn Văn Xốt đã có những đóng góp đáng kể vào việc phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương pháp mới, đem lại hiệu quả cao, nhiều lần được tuyên dương danh hiệu nông dân sáng tạo, tiêu biểu sản xuất giỏi.