Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người tiêu dùng hoang mang với thực phẩm biến đổi gen

Những ngày gần đây, cư dân mạng truyền nhau thông tin “10 thực phẩm biến đổi gen nguy hiểm nhất nên tránh”, trong đó có ngô ngọt, đậu nành, đu đủ, ... khiến người tiêu dùng hoang mang.

 

Các chuyện gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định, những nông sản này chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của người tiêu dùng, không phải thực phẩm biến đổi gen. 

Nhầm lẫn giữa sản phẩm lai tạo giống và thực phẩm biến đổi gen

Gia đình chị Nguyễn Minh Anh (Đống Đa, Hà Nội) rất nghiền ngô ngọt, thường gọi là ngô Mỹ. Từ những bắp ngô ngọt mua ở chợ, chị Minh Anh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để hợp khẩu vị cả gia đình: Ngô luộc, chè ngô, súp ngô, xôi ngô,... Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội truyền nhau thông tin ngô ngọt là sản phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organism, viết tắt là GMO) có thể gây tăng cân, rối loạn nội tiết khiến chị Minh Anh cũng như nhiều người tiêu dùng lo lắng.

 

Ngô ngọt tại Việt Nam không phải thực phẩm biến đổi gen..

 

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngô ngọt không phải sản phẩm biến đổi gen. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 50 giống ngô các loại, trong đó có 16 giống ngô biến đổi gen đã được công nhận. Các gen được chuyển gồm gen kháng sâu bọ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ) và gen kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. Tuy nhiên, diện tích ngô biến đổi gen hiện mới chiếm khoảng 8% tổng diện tích ngô trồng trên cả nước.

Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, không chỉ riêng ngô ngọt, mà hàng loạt các sản phẩm lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen… thời gian qua cũng bị gắn mác biến đổi gen. “Những tin đồn, thông tin thiếu sát thực về sản phẩm biến đổi gen đang khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí quay lưng với nhiều nông sản. Thực chất các loại quả có màu sắc lạ như cà chua đen, ổi tím, su hào tím… chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của người tiêu dùng. Chính vì thế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng”,  GS Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

GS Hàm thông tin thêm, người nông dân không tự mạo hiểm đưa giống cây trồng biến đổi gen không được phép sử dụng vào sản xuất, vì đây là cả một quy trình tốn kém và được nhiều cơ quan Nhà nước giám sát chặt chẽ… Để nhân rộng và đưa vào sản xuất đòi hỏi khoảng thời gian nghiên cứu 3 - 5 năm và chi phí cao nên bản thân người nông dân cũng không hề mặn mà.

Phi dán nhãn đ người dân la chn

Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe nên để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới bắt buộc áp dụng.

 

Bắt buộc dán nhãn “biến đổi gen” đối với sản phẩm biến đổi gen.


Tại Việt Nam quy định sản phẩm biến đổi gen chỉ được phép sử dụng nếu năm nước phát triển cho phép dùng sản phẩm đó với cùng mục đích. Đầu tiên, Hội đồng An toàn sinh học (gồm các bộ Y tế, Công Thương, KH&CN, TN&MT, NN&PTNT cùng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ và các chuyên gia độc lập) xác nhận bằng chứng năm nước phát triển đã cho phép sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Tiếp theo, hội đồng tiến hành xem xét và đánh giá các khía cạnh an toàn trong điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa ra quyết định cuối cùng. Việt Nam đã có quy định dán nhãn thực phẩm đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông trên thị trường. Theo đó, sản phẩm có ít nhất một thành phần nguyên liệu GMO lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Việc dán nhãn nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có biến đổi gen chứ không liên quan đến vấn đề an toàn hay không an toàn.

Theo Thông tư liên tịch 45/2015 của Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT, từ 8/1/2016, thực phẩm GMO được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn bằng tiếng Việt có ghi rõ “biến đổi gen”. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được quy định chặt chẽ bởi việc ghi nhãn chỉ áp dụng đối với sản phẩm đóng gói sẵn, còn thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ.

Chị Nguyễn Thu Hường (Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Trong khi chưa có bằng chức khoa học khẳng định rõ thực phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không thì người tiêu dùng cần biết rõ những thực phẩm nào là biến đổi gen để quyết định có hay không sử dụng. Cơ quan quản lý cần kiểm tra, rà soát và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định dán nhãn mác sản phẩm biến đổi gen. Hiện cũng chưa có quy định ghi nhãn với nông sản GMO được bán trực tiếp, không bao gói nên người tiêu dùng hoang mang”.