Nhiều chương trình khuyến mại rầm rộ
Đây là lần thứ 8 liên tiếp, TP. Hà Nội tổ chức tháng khuyến mại. Chương trình thu hút gần 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại tham gia với gần 1.000 điểm bán hàng khuyến mại tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, gần 700 điểm khuyến mại thuộc các doanh nghiệp có chuỗi hệ thống phân phối, tăng 20% so với năm 2014; Các điểm thuộc khu vực ngoại thành chiếm 26%, các điểm thuộc lĩnh vực du lịch chiếm gần 20%. Các điểm khuyến mại sẽ thực hiện giảm giá từ 10% trở lên bắt đầu từ ngày 1- 30/11 trên toàn thành phố. Nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp bán hàng online, chương trình bán hàng khuyến mại trực tuyến được thực hiện từ ngày 1 - 7/11 qua 2 cổng kết nối www.thangkhuyenmaihanoi.vn và www.timnhanhvietnam.vn. Người tiêu dùng khi truy cập vào website có thể mua sắm trực tuyến hàng nghìn sản phẩm của các doanh nghiệp.
Hệ thống siêu thị Nguyễn Kim có chương trình “Lễ hội mua sắm hàng Nhật”, giảm giá đến 40% và 22.000 quà tặng. Loại hàng được khuyến mại chủ yếu là máy giặt, tivi, tủ lạnh, điều hòa... có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hóa đơn trị giá trên 5 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận thêm nhiều ưu đãi từ hàng gia dụng. Ngoài ra Nguyễn Kim còn có các chương trình như: “Mua online giảm giá”; “Tín đồ hàng hiệu, triệu quà tặng ngay”... giảm giá từ 1,2 - 2 triệu đồng/sản phẩm.
Người tiêu dùng “hoa mắt” trước các chương trình khuyến mại
Tại Big C, hơn 1.000 sản phẩm đủ các chủng loại được khuyến mại. Sản phẩm khuyến mại bao gồm các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, chế biến cho đến các sản phẩm thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng với mức giảm giá hấp dẫn đến 49%. Chẳng hạn như: Cá Basa cắt khúc giảm từ 42.500 đồng/kg còn 33.900 đồng/kg; hạt nêm Miwon heo 900g giảm từ 64.000 đồng/kg xuống còn 41.900 đồng/kg; bếp điện từ Kangaroo từ 899.000 đồng/chiếc còn 599.000 đồng/chiếc...
Ngoài ra, khách hàng thành viên sử dụng thẻ ưu đãi Big C còn có cơ hội tích điểm “rinh” đồ...
Khuyến mại nhiều, khách hàng mất niềm tin?
Mặc dù các chương trình khuyến mại rầm rộ do các doanh nghiệp đưa ra nhưng lượng khách không tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng không còn mặn mà bởi quá nhàm với các chương trình khuyến mại, giảm giá mà không biết giá trị thật của sản phẩm là bao nhiêu, được giảm giá bao nhiêu phần trăm.
Chị Nguyễn Thúy Sơn (Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi chuyên săn hàng khuyến mại nhưng sau nhiều lần bị hố, nay đã “khôn” ra, không tin vào những chương trình này nữa. Nhiều đơn vị khuyến mại theo kiểu mua 2 tặng 1 tính tiền 3 hay nâng giá lên so với giá trị thực rồi treo biển khuyến mại, giảm giá 20%, 30%, thậm chí là 40%... nhưng thực chất người tiêu dùng không hề được giảm đồng nào từ đơn vị bán hàng. Cửa hàng giày treo băng rôn quảng cáo khuyến mại rất to trước cửa hàng: Mua 1 tặng 1. Người tiêu dùng tưởng bở tìm đến mua nhưng khi thanh toán tiền mới biết, mua 1 đôi giày 400.000 đồng, được tặng đôi tất có 20.000 đồng!. Những kiểu khuyến mại này khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin...”.
Khuyến mại bây giờ không còn căn cứ vào dịp nữa mà lúc nào người bán cũng tung chiêu quảng cáo khuyến mại nhưng người tiêu dùng không biết giá trị thực tế của sản phẩm là bao nhiêu. Dọc các tuyến phố, băng rôn quảng cáo khuyến mại treo chi chít. Các siêu thị cũng thi nhau tung ra các chương trình khuyến mại để hút khách. Chị Thảo Lan (Mỹ Đình, Hà Nội) nói chị “dị ứng” với các chương trình khuyến mại sản phẩm bó kèm. Bởi những sản phẩm khuyến mại bó kèm thường chất lượng kém, lỗi mốt. Mua 1 gói bột nêm được tặng 1 chiếc bát ăn cơm, mua 2 gói bánh gạo tặng 1 chiếc đĩa thủy tinh... Một mâm cơm dọn ra lổn nhổn bát này, đĩa nọ, chưa kể sản phẩm chỉ được vài hôm đã hỏng.
Thực tế hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được giá trước khuyến mại là bao nhiêu nên không đối chiếu và so sánh được với giá đã khuyến mại của nhiều loại hàng hóa. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhiều lần khẳng định không có dấu hiệu về hành vi bán dưới giá thành do không có doanh nghiệp nào đủ sức mạnh chi phối toàn bộ thị trường và chế độ bảo hành. Do đó, dù khuyến mại “khủng” đến cỡ nào, người tiêu dùng vẫn khó được hưởng giá bán thấp hơn giá thực của sản phẩm.