Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người trẻ nghèo đừng chỉ lo tiết kiệm tiền, một vài điều càng biết sớm, đời người mới càng có hi vọng

Nghèo không đáng sợ. Sợ là bị cái nghèo mài mòn đi ý chí chiến đấu, để sự nhàn rỗi, thoải mái đánh bại lý tưởng. Đừng để sự an ổn trước mắt trở thành ảo tưởng của bạn đối với cuộc sống, càng đừng để số tiền trong ngân hàng định nghĩa giá trị của bạn.

Dạo trước, tôi tình cờ gặp lại một cô bạn cũ là hoa khôi của trường. Hai người nói chuyện với nhau, cô bạn ấy ca thán với tôi rằng cảm thấy mình càng sống càng trở nên tầm thường. Khi còn đi học, cô ấy rất xinh đẹp, học cũng giỏi, đi đâu cũng là tiêu điểm trong mắt người khác.

Nhưng tới năm ba, năm tư, tình thế bắt đầu thay đổi. Số người chú ý tới cô ấy ngày một ít đi, những cô gái bình thường trước đó dần che lấp đi ánh hào quang của cô ấy.

Sau khi tốt nghiệp, cô ấy lựa chọn đi làm cho cơ quan nhà nước, đi làm đều đều, bình thường như bao người khác. Nhưng bên cạnh đó lại có những người càng sống càng rực rỡ, họ trở thành người mà cô ấy rất ghen tị.

Cô bạn ấy nói, cô ấy không đố kị, chỉ là không hiểu vì sao mình rất nỗ lực, tư chất cũng không kém, vậy mà khoảng cách với bọn họ lại lớn tới vậy?

Nói chuyện thêm một lúc, tôi đã ngờ ngợ đoán ra được đáp án và nói với cô ấy rằng: "Nguyên nhân có lẽ là bởi cậu quá hiểu chuyện, quá nghe lời".

Rất nhiều bậc cha mẹ, bao gồm cả ba mẹ của cô ấy đều có quan điểm: "Một phân tiền cũng có thể làm khó anh hùng hảo hán, sống là phải biết tiết kiệm, phải học cách cất tiền".

Bản thân cô bạn kia từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn và nghe lời ba mẹ. Vì vậy, trong thời gian đi học, cô ấy không tiêu tiền bừa bãi, cái gì có thể tiết kiệm là sẽ tiết kiệm.

Những hoa khôi khiến người khác ghen tị kia, họ đã làm gì khi còn trong trường đại học?

Một số người mua nhiều loại mỹ phẩm và sau đó trở thành blogger làm đẹp, mỗi một buổi livestream đều kiếm được không biết bao nhiêu tiền. Một số người đã chi rất nhiều tiền cho máy ảnh, thậm chí nghèo đến mức phải ăn mỳ gói trong nhiều ngày liền và sau đó biến sở thích của họ thành một nghề; có người thì đi du lịch bụi, rồi trở thành travel blogger nổi tiếng…

Ngược lại, cô bạn kia của tôi, ngoài số tiền tiết kiệm để đấy trong tài khoản ra, thứ còn lại chỉ là một cuộc sống bình bình, không có gì nổi bật và không được như ý muốn.

Tuy rằng thông qua lần dịch bệnh lần này, rất nhiều người đã ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Nhưng, tôi vẫn muốn nói rằng, với người trẻ, có những loại tiền đừng tiết kiệm, nên tiêu thì hãy tiêu.

Người trẻ nghèo đừng chỉ lo tiết kiệm tiền, có một vài điều càng biết sớm, đời người mới càng có hi vọng - Ảnh 1.

01

Có câu: "Thụ nhân dĩ ngư, bất như thụ chi dĩ ngư".

Ý muốn nói, cá tuy là mục đích cuối cùng, nhưng đánh cá chính là phương pháp, cá có thể giải quyết cái đói nhất thời, nhưng không thể giải quyết được về lâu về dài. Nếu muốn mãi mãi có cá ăn, vậy phải học được phương pháp đánh cá. Cũng giống như vậy, thay vì truyền thụ tri thức, chi bằng hãy truyền thụ cho họ phương pháp học hỏi để có được tri thức.

Con đường trưởng thành cũng giống như vậy.

Thay vì cứ khư khư tích tiền, chi bằng hãy bồi dưỡng cho mình kĩ năng kiếm tiền. Tiền nếu tiêu đúng chỗ sẽ báo đáp lại bạn rất hậu hĩnh trong tương lai, đem bạn đi tới những phong cảnh tươi đẹp hơn.

Tôi từng đọc qua một câu chuyện.

Một tòa soạn nọ có hai thực tập sinh mới tới là L. và T.

Mỗi lần đi ra ngoài tỉnh phỏng vấn, L. đều sẽ ngồi tàu, tiết kiệm phí đi lại.

T. lại thích ngồi máy bay, dù có phải bỏ ra thêm tiền nhưng cậu cũng không để ý.

Vài năm sau, T. trở thành phóng viên hàng đầu của tòa soạn, lương hơn L. gấp mấy lần.

Nguyên nhân trong đó rất đơn giản, T. mỗi lần đi phỏng vấn đều là người đầu tiên tới hiện trường, bài phỏng vấn của cậu ấy chân thực hơn rất nhiều, nhiều khi còn là những bài phỏng vấn độc quyền.

Hơn nữa khi đó, máy bay không phải là phương tiện quá phổ biến, những hành khách trên máy bay đều là những mối quan hệ giao lưu chất lượng.

Để tiền vào ngân hàng, ngoài lợi tức, nó sẽ chẳng mang lại cho bạn bất cứ hồi báo nào. Nó đem lại cho bạn một con số khiến mình yên tâm nhưng lại khiến bạn mất đi nhiều cơ hội và khả năng hơn.

Hai năm trước, trong hội thơ ca, tôi có ấn tượng rất sâu đậm với V., cậu ấy tới tham dự cuộc thi này với tư cách là một shipper.

Trước khi cuộc thi bắt đầu, không ai nghĩ rằng, một shipper như V. có thể chiến thắng tất cả và giành được giải quán quân.

Sau khi cuộc thi kết thúc, một giám khảo đã nói với V. rằng: "Chúc mừng cậu, cậu không chỉ chiến thắng được tất cả những đối thủ ở đây. Hơn cả, cậu đã chiến thắng chính mình, chiến thắng cuộc sống".

Đời người, sợ nhất là tự giới hạn bản thân.

Khi bạn cảm thấy mình không ổn là khi đó bạn xác định sẽ sống một cuộc sống tầm thường cả đời.

Đừng coi thường những người sẵn sàng chịu khổ chịu nghèo trong một giai đoạn.

Nếu một người sẵn sàng bỏ sinh hoạt phí của cả một tháng ra để đi nghe một buổi thuyết trình; nếu họ tích góp tiền lương của cả một năm chỉ để đi du lịch, mở mang tầm mắt về thế giới; nếu họ chấp nhận làm 3 công việc cùng một lúc, mệt đến chết đi sống lại, chỉ vì muốn ra nước ngoài du học.

Tuyệt đối đừng cười nhạo họ.

Bởi vì bên trong họ ẩn chứa nguồn năng lượng lớn hơn bạn tưởng. Và tương lai của họ là dáng vẻ mà bạn không dám mơ tới.

Người trẻ nghèo đừng chỉ lo tiết kiệm tiền, có một vài điều càng biết sớm, đời người mới càng có hi vọng - Ảnh 2.

02

Những người trẻ thích tiết kiệm tiền, phần lớn là vì muốn tìm thấy cảm giác an toàn.

Có một câu nói rằng: "Sống nhờ lo xa, chết vì an lạc".

Cảm giác an toàn vừa có thể giúp một người, cũng vừa có thể hại một người.

Trong thời đại này, quan trọng hơn cảm giác an toàn, chính là có được ý thức về nguy cơ.

Trong những người bạn của tôi, có người muốn trụ lại thành phố lớn để có một cuộc sống vẻ vang, hào nhoáng, nhưng lương tháng bèo bọt không giúp cậu chống trọi lại được với giá cả leo thang nhanh chóng.

Có người muốn sau khi học xong sẽ về nhà thừa kế gia nghiệp, đời người cứ vậy thong dong không phải lựa chọn nhiều. Nhưng không ngờ rằng, thương mại điện tử trực tuyến lại có tác động lớn như vậy đến bán hàng trực tiếp của gia đình, thậm chí gia đình cậu còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Còn có người cứ cho rằng tốt nghiệp từ trường danh tiếng ra thì sẽ đàng hoàng không lo thất nghiệp, nhưng khi phỏng vấn lại thất bại dưới tay một người học hành không đâu vào đâu.

Một người, nếu mất đi ý thức về nguy cơ, đồng nghĩa với việc mất đi khả năng cạnh tranh. Thời đại không ngừng biến hóa, "cuộc sống ổn định" là lời nói dối hoang đường nhất.

Cũng giống như câu nói: "Thời đại khi bỏ rơi bạn, sẽ không nói với bạn câu tạm biệt".

Thay vì cảm thán vận may không tốt, chi bằng hãy ngẫm lại mình của quá khứ, nguyên nhân thất bại của bạn sớm đã được viết sẵn trong những ngày tháng an ổn của bạn.

Người xưa hay nói, nghèo thì đổi, đổi sẽ thông, thông sẽ đạt. Thay vì bị thay đổi, chi bằng chủ động đứng lên thay đổi.

Nhân lúc vẫn chưa bị tụt hậu, lạc thời, hãy nắm bắt thời gian đi học hỏi những thứ mới; tranh thủ lúc chưa cảm thấy bản lĩnh khủng hoảng, tận dụng thời gian đi bồi dưỡng cho mình những kĩ năng mới.

Đừng chỉ chăm chăm thông qua tích tiền để có được cảm giác an toàn mà phải nghĩ là mình cần nỗ lực, phải quyết chiến để vượt qua các nút thắt của cuộc đời.

Bạn cần phải hiểu một điều rằng, thứ đem lại cảm giác an toàn nhất chính là năng lực của bạn.

Người trẻ nghèo đừng chỉ lo tiết kiệm tiền, có một vài điều càng biết sớm, đời người mới càng có hi vọng - Ảnh 3.

03

Tôi không phủ nhận tiết kiệm tiền có cái tốt của tiết kiệm. Tôi có một đàn anh, hồi còn học đại học, thông qua tiết kiệm đã tích được cho mình hàng trăm triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy quyết định khởi nghiệp và cần có tiền khởi động, số tiền này khi ấy đã phát huy tác dụng.

Nhưng bạn có phát hiện ra được rằng, giữa tiết kiệm và tiết kiệm thực ra cũng có điểm khác biệt.

Có những người tiết kiệm tiền, chỉ là xem tiền như một thứ để tiêu hao, họ chẳng qua tích tiền lại để ngày sau một lúc nào đó sẽ tiêu đi. Còn có những người lại xem đó là tài nguyên để sau này giúp đỡ cho việc phát triển.

Thay vì nói tôi không tán đồng người trẻ tiết kiệm tiền, chi bằng nói tôi không tán đồng người trẻ chỉ xem tiền là tiền, không nhìn ra được ý nghĩa phía sau.

Có người từng nói: "Nếu bạn có tầm nhìn của một xã, bạn có thể làm ăn ở quy mỗ xã; nếu bạn có tầm nhìn của một tỉnh, bạn có thể làm ăn ở quy mô của tỉnh; Còn nếu bạn có tầm nhìn của cả thiên hạ, bạn có thể làm ăn ở quy mô của cả thiên hạ".

Thành công của một người, 3 phần nhờ thời cơ, 7 phần nhờ tầm nhìn và thái độ.

Mỗi một quyết định của đời người thực ra đều là một lần đầu tư và nó nhắm tới những lợi ích tổng hợp. Bạn vừa phải xem nó đem tới cho bạn lợi ích gì, lại vừa phải ngẫm xem nếu làm vậy mình sẽ mất đi những gì.

Khi bạn luôn lên kế hoạch cho cuộc sống của mình với một viễn cảnh dài hạn, lợi ích của bạn sẽ được định sẵn vượt xa những người bình thường.

04

Chúng ta khi còn trẻ, có ai là không nghèo rớt mồng tơi?

Nghèo không đáng sợ. Sợ là bị cái nghèo mài mòn đi ý chí chiến đấu, để sự nhàn rỗi, thoải mái đánh bại lý tưởng.

Đừng để sự an ổn trước mắt trở thành ảo tưởng của bạn đối với cuộc sống, càng đừng để số tiền trong ngân hàng định nghĩa giá trị của bạn.

Làm người, chịu đựng được cô đơn mới có ngày huy hoàng, thoát ra được khỏi cám dỗ thì mới không lạc đường.

Hi vọng bạn không mù quáng, không chạy theo đám đông, tiết kiệm tiền cũng phải có tính toán, tiêu tiền càng phải có kế hoạch. Càng hi vọng bạn có thể hiểu ra rằng, đời người giống như bàn cờ, mỗi bước đi, hãy ra quân sao cho thật xứng đáng, thật khôn khéo.