Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo độ bao phủ vaccine trên địa bàn TPHCM; đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/8, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP đã ban hành Công văn số 2552/BCĐ điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5.
Theo đó, đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt này là người từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn TPHCM; ưu tiên cho người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền mạn tính, lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tuyến đầu khác.
Đối với những người ngoài các nhóm ưu tiên trên, địa phương sắp xếp tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi).
Đồng thời, bố trí những người thuộc nhóm cần thận trọng (người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền mạn tính) được tiêm chủng tại tất cả cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị; lưu ý sắp xếp mời tiêm những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng từ các đợt tiêm trước.
Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác) và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư với tổng số 1.200 đội tiêm, đặt mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội tiêm.
Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, các lực lượng y tế đã về hưu, đảm bảo sức khỏe, chuyên môn và tình nguyện tham gia chiến dịch; bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng.
Đặc biệt, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng; phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Theo đó, các lực lượng, địa phương thông báo thời gian theo khung giờ và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và tránh tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp; có thể tổ chức buổi tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vaccine.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa có văn bản khẩn gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ vaccine cho TPHCM.
Theo đó dự kiến trong tháng 8, TP cần 4,5 triệu liều vaccine các loại để tiêm mũi 1 và 1 triệu liều vaccine để tiêm mũi 2 cho người dân. Với người tiêm mũi 2, nhu cầu cụ thể của TP là: 800.000 người đã tiêm AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần; 200.000 người đã tiêm Moderna từ 4 tuần.
Như vậy, thành phố cần tổng cộng 5,5 triệu liều vaccine từ 5 đến 31/8 cho cả 2 nhóm đối tượng trên. Trung bình mỗi ngày, TP cần 210.000 liều vaccine. Để đạt mục tiêu đặt ra, thành phố đề xuất được cấp sớm vaccine từ ngày 5/8 và theo tiến độ liên tục đến 31/8.
Sáng 5/8, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam ký công văn gửi các đơn vị về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine.
Để triển khai tiêm chủng an toàn, Sở Y tế đề nghị người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi thứ hai bằng vaccine đó.
Trường hợp nguồn vaccine hạn chế thì có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi thứ hai bằng vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vaccnie AstraZeneca (nếu được người tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine Moderna sản xuất hoặc vaccine khác để tiêm mũi thứ hai cho người đã tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca.
Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi hai chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.