Ảnh minh họa
Chỉ muốn ly hôn sau những trận cãi vã với chồng
Sau lễ cưới mẹ chồng chị Nguyễn Thị Hoài (ở Hà Nội) công bố bị "âm" 20 triệu đồng, bà họp cả nhà thông báo cặp vợ chồng trẻ phải góp 1 suất lương hàng tháng để trả nợ và nuôi em ăn học. Cuối năm thì đẻ cho bà thằng cu, rồi xây nhà mới. 3 tháng đầu chị chăm chỉ về nhà buổi trưa đi chợ, nấu cơm cho cả nhà. Hôm đó chị về muộn, đang nấu nướng thì chồng về càm ràm chưa có cơm ăn, rồi vắt sang chuyện rác đầy mà vợ không đi đổ. Chị nhờ chồng đổ hộ, thế mà chồng vằn mắt quát đó là việc của đàn bà, rồi cầm cái bát ném vỡ tan. Chị tiện đôi đũa trong tay cũng ném đi và lấy chìa khóa xe đi làm luôn. Họ còn nhiều lần cãi nhau và anh ta không ngại đánh vợ.
Bố mẹ đẻ thương con nên bỏ tiền xin cho hai vợ chồng con gái chỗ làm ở Hà Nội, và cho vay tiền để mua căn hộ chung cư nhỏ. Tưởng mọi chuyện tạm yên, ai ngờ rắc rối hơn, bởi từ đó tháng nào họ mạc bên chồng cũng có người ra Hà Nội và tá túc ở nhà chị. Mỗi lần có khách chị phải cơm bưng, nước rót. Mệt nhất là mùa thi có khi 3-4 cặp bố con, anh em kéo nhau tới ở chị đi chợ, nấu nướng phục vụ cả tuần, còn chồng thì đưa đón người nhà đi thi.
Tệ nhất là vừa rồi chú ruột chồng đưa vợ con đi du lịch đã đưa cả 5 người vào nhà chị nghỉ. Lũ trẻ đùa nghịch, chạy nhảy làm vỡ cả bát và ly chén đắt tiền, còn vẽ lung tung lên tường. Chị bực mình phát mông trẻ vài cái thì bị chồng và chú vào can. Chồng chửi chị hẹp hòi, chỉ vì cái tường bẩn mà đánh trẻ… Hôm chị về quê ăn giỗ, bố mẹ chồng chì chiết là “từ nay không ai dám đặt chân đến nhà nữa”. Chị nói rõ quan điểm là không khinh người quê, nhưng không ưng cách ăn ở xuề xòa, bừa bãi của anh em nhà chồng – thế là chồng tát vợ ngay trước mặt cả nhà, còn nói đã nhịn rất nhiều và nếu cứ thế thì mất hết họ hàng, anh em. Gia đình chồng hả hê, nhưng “giọt nước tràn ly” khiến chị quyết… ly hôn.
Chị Lê Thị Hảo (ở Hà Nam) kể, về nhà chồng ở cữ, mấy hôm mưa gió quần áo, tã lót của con không kịp khô, cứ phải là mới mặc được. Thấy vậy mẹ chồng giao cho hai vợ chồng nhiệm vụ: “Tháng này mua máy sấy quần áo, bình lọc nước. Tháng sau mua máy lọc nước, rồi máy giặt…”. Tính ra vợ ở cữ nhưng 4 tháng liền chồng sẽ không đưa lương mà lo gánh góp cho cả nhà. Nghĩa là ngần ấy tháng chị phải lo chi phí sinh hoạt cả nhà chồng. Đẻ được hơn 1 tháng chị phải lấy hàng thùng về bán, nhưng cái xe hàng 2,5 tấn chị gọi chồng về xuống hàng giúp, nhưng anh kêu bận, bỏ mặc vợ lăn hàng một mình từ ô tô xuống rồi lăn vào sân. Vài lần như thế thì vợ chồng chị cãi nhau to. Hôm đó chồng về chị lăn hàng xong thì vào nhà, cơm chả ai cắm hộ. Chồng về thấy bố mẹ chưa có cơm ăn thì quát mắng vợ. Chị ôm con bảo: “Mai ông bà xuống rồi, mẹ cho con về nhà mình”. Mẹ chồng nghe thấy chửi: “Mày hơi tý là mày dọa bỏ về nhà, làm con chó nhà chồng còn hơn làm con người nhà mình”. Lúc này chị trả lời theo kiểu chẳng còn gì để mất: “Ai thích làm chó thì cứ làm, bố mẹ con sinh ra làm người nên con chỉ sống làm người thôi”. Thế là anh chồng phi ra đánh chị nhừ tử. Từ đó chị không còn chút tôn trọng nào cho chồng, mẹ chồng và nghĩ cách để ly hôn nhanh nhất.
Làm gì khi bị chồng đánh?
Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình Hà Anh chia sẻ, chị từng bị chồng đánh và mẹ chồng tìm cách bảo vệ con trai, còn cho rằng: “Phải thế nào thì nó mới đánh”. Chị Hà Anh thừa nhận tất cả những lần chồng không kiểm soát được đều do chị thách thức hay trêu ngươi anh, hoặc thái độ này nọ, không giữ bình tĩnh, đẩy mâu thuẫn lên cao, tới mức bị chồng đánh và muốn tự tử. Lẽ ra cùng là phụ nữ thì mẹ chồng phải thương nỗi bất hạnh của con dâu, nhưng bà đã quá vô tâm không để ý đến cảm xúc của con dâu, chỉ bênh vực con trai vũ phu.
Sau này khi hiểu ra vấn đề bà không trách mà còn biết ơn vì chồng đã cho chị nhiều trải nghiệm thế nào là yêu, là đau khổ tột cùng, là hạnh phúc trọn vẹn… để trưởng thành, hiểu và cảm được những nỗi đau và cả những ngốc nghếch của phụ nữ để chia sẻ giúp họ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “cơm không lành, canh không ngọt”, đứng đầu là cơm áo gạo tiền khiến cuộc hôn nhân bất hòa trong cách cư xử và trở thành cuộc chiến. Tiếp đó là các nguyên nhân về ngoại tình, sự suy đồi đạo đức của một trong hai người (hoặc cả hai)... khiến vợ chồng hục hặc, thích đối đầu hơn đối thoại và đương nhiên phụ nữ thua bởi họ hiếm khi chống lại được cơn cuồng nộ của vũ phu. Trong các cuộc cãi vã sự thật luôn bị chôn vùi, đặc biệt với những mẹ chồng tìm cách tác động để con dâu phải thay đổi (như không được bù lu bù loa, phải sống vì con cái...). Nhiều bà vợ vẫn có tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên bị đánh đến thâm tím mặt mày cũng không dám kể, mà chịu đựng bế tắc bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần, tới mức cắn lưỡi tự tử.
Chuyên gia Hà Anh nhắn nhủ những người trẻ chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân là: Hãy có kiến thức, am hiểu nhất định và kĩ năng cần có về tình yêu và hôn nhân gia đình để tự tin bước vào cuộc sống gia đình – thứ thiếu hụt cả ở phụ nữ và cả đàn ông Việt Nam bởi họ đã không dành thời gian để học thứ quan trọng nhất đời là cuộc sống hôn nhân. Hãy học sớm ngày nào tốt ngày ấy, vì hôn nhân là sống chung với bạn đời lâu dài.
Khi bị chồng đánh, hãy mở cửa ra chạy thật nhanh đến nơi nào có thể nương náu (nhà hàng xóm, bạn bè, đồn công an, nơi đông người...). Hãy tắt điện thoại và ở nơi anh ta không tìm được, và tìm cách lên tiếng chứ đừng im lặng. Nếu muốn sống yên ổn và hạnh phúc hãy bỏ cái sĩ diện ấu trĩ “xấu chàng hổ ai” đi. Hãy bình tĩnh lên đồn công an trình bày sự việc, bởi không lên tiếng thì không ai giúp các bà vợ cả.
Khi chồng xin lỗi, các bà vợ có thể cảm thông hoặc không. Nhưng nếu để bị đánh đến lần thứ 3 mà vẫn cảm thông, bao dung, chịu đựng thì khó có ai thông cảm nữa. Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương, không ai có quyền xâm phạm đến thân thể họ cả.
Phụ nữ có nên vì bị chồng bạt tai mà nghĩ ngay đến chuyện ly dị không? Bởi cảm xúc luôn đúng tại thời điểm nó được diễn ra, cảm xúc của chồng và vợ đều không sai và cũng không đúng. Trách người đàn ông nóng tính không kiểm soát dẫn đến tát vợ, hay trách phụ nữ thách thức khi chồng nóng giận? Vì vậy thay vì nghĩ đến ly dị, cãi cọ, hờn dỗi hãy hỏi rằng: "Làm thế nào để anh ấy không bao giờ tát mình nữa? Bài học rút ra là gì?". Hãy nhớ lại toàn bộ câu chuyện diễn ra, đoạn nào cần thay đổi và đoạn nào cần nói khác để nhỡ có lần sau còn biết ứng xử.
Theo Uyển Hương/Giadinh.net.vn