Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 5,2%. Theo báo cáo, khi quan sát kĩ hơn ở các ngành hàng lớn (thức uống , thực phẩm, sữa , sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé) .Sự phục hồi tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các ngành hàng, chẳng hạn như thực phẩm (4,7%), sữa và các sản phẩm từ sữa (4,%), sản phẩm chăm sóc gia đình (4,6%)…
Bên cạnh đó, ngành hàng nước uống (bao gồm: Bia, nước giải khác, nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước lọc đóng chai, Tonic Food Drink, nước trái cây, trà túi lọc, trà chai, cà phê chai, cà phê) vẫn là “ngôi sao sáng”, khi ngành hàng này tiếp tục là ngành hàng có đóng góp lớn nhất vào doanh số tiêu dùng nhanh trong quý 2, với 41% - đạt mức tăng trưởng 9,2% (chủ yếu đến từ tăng sản lượng 6,9%).
Báo cáo cũng cho thấy rằng nông thôn tiếp tục là câu chuyện về thị trường tiềm năng mới cho các nhà sản xuất. Tăng trưởng của 12 tháng gần nhất (tính từ tháng 6/2015 đến hết tháng 6/2016) tại thị trường nông thôn đạt mức 7,6%, mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý 2 năm nay ở mức 5,6%. Trong khi đó, khu vực thành thị cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại ở mức 6,3% trong quý 2. Và cả khu vực nông thôn và thành thị đều cho thấy dấu hiệu tích cực khi sự tăng trưởng ở cả hai khu vực này đều đến từ tăng trưởng sản lượng.
“Dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68% của 90 triệu dân, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất nhiều. Hơn nữa, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khai phá hết các cơ hội tiềm ẩn tại thị trường nông thôn.”, theo quan sát của ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam.
Ông Dũng cũng nhận định rằng: “Việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam mang theo những thách thức giống như những thách thức mà chúng tôi đã nhìn thấy tại các nước châu Á khác như chi phí vận chuyển cao vì thị xã nằm phân tán ở nhiều khu vực khác nhau.
Cũng giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc, giờ đây điều quan trọng đối với các nhà sản xuất ở Việt Nam là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp để mở rộng kinh doanh đến các vùng nông thôn. Một số vùng nông thôn trọng điểm nhất định sẽ có triển vọng cao hơn so với những vùng khác; do đó việc xác định được những vùng trọng điểm đầu tư trở nên rất quan trọng để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh.”
Khi nói đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua hàng của người tiêu dùng nông thôn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ sự giới thiệu của gia đình và bạn bè, người tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam cũng có những phản ứng tích cực từ các khuyến nghị của các nhà bán lẻ.
90% nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ gần 1 trong 3 người mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ (31% khách hàng mua sản được đề nghị bởi các nhà bán lẻ). Với khoảng 27,5 triệu người mua sắm thường xuyên ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu.
“Sự kết hợp những thách thức và cơ hội ở thị trường nông thôn đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự hiểu biết thấu đáo về người tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để giành lấy thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, các nhà sản xuất cần phải kết nối và gây dựng lòng trung thành với những khách hàng ủng hộ cho thương hiệu của họ, để từ đó tận dụng sức mạnh của việc truyền miệng. Đồng thời họ cũng phải làm việc và gắn kết chặt chẽ với nhà bán lẻ, từ đó xây dựng các nhà bán lẻ thành những đại sứ thương hiệu. Sử dụng sức mạnh của truyền hình đại chúng để có thể cung cấp thông tin đến đại đa số người tiêu dùng ở khu vực nông thôn là một điều hết sức quan trọng nhưng các nhà sản xuất cũng không nên bỏ qua kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi.” – ông Dũng nhấn mạnh.