Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người Việt có được xài hàng ngoại giá rẻ?

Bộ Tài chính vừa công bố những cam kết liên quan đến lĩnh vực tài chính trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, nhiều nhóm hàng hóa nhập khẩu thuế giảm xuống còn 0%, vì thế khi TPP có hiệu lực, nhiều hàng ngoại sẽ tràn về Việt Nam. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính chưa chắc người tiêu dùng có cơ hội dùng hàng ngoại giá rẻ.

Theo nội dung Hiệp định, Việt Nam cam kết với các nước thành viên TPP về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu; dịch vụ tài chính và hải quan.

Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm. Các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm, hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: Động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử...

Thuốc chữa bệnh, thịt nhập khẩu là những mặt hàng Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4 gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử... Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 6 có dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su... Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 gồm: Bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng... Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10, 11 gồm: Thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ô tô, phôi thép, săm lốp...

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Ngay sau khi gia nhập TPP, hàng loạt dòng thuế nhập khẩu sẽ về 0%. Thị trường trong nước sẽ bị tác động ra sao? Giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm này có làm cho giá bán ra trong nước giảm theo? Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng: “Đây là cam kết về thuế nhập khẩu, nhưng thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố trong cơ cấu giá, bên cạnh đó còn giá đầu vào hàng hóa, thời điểm bán hàng. Không phải cứ giảm thuế nhập khẩu là giảm giá. Giá hàng bán ra còn phải chịu tác động của thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế bảo vệ môi trường...”.

Khi tham gia TPP, cũng có ý kiến lo ngại rằng, với sức ép cạnh tranh khi mở cửa, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp không ít khó khăn. "Trong đàm phán, chúng ta cũng chú ý ô tô là mặt hàng cần bảo hộ nên đã xây dựng lộ trình hợp lý. Với ô tô cũ, Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế, vì không khuyến khích nhập khẩu. Kiểm soát lượng ô tô cũ nhập khẩu vào Việt Nam, không tác động lớn đến thị trường ô tô trong nước”, ông Thăng thông tin thêm.

Theo Bộ Tài chính, khả năng Hiệp định TPP được ký kết vào năm 2016. Từ thời điểm Hiệp định TPP được các nước ký vẫn cần một khoảng thời gian để các nước hoàn thiện thủ tục. Mỗi nước có thủ tục và thời gian khác nhau, có nước phải mất 1-2 năm mới thông qua. Thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực hiện chưa được xác định.

Về lợi ích người tiêu dùng khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đặt vấn đề: “Chưa biết chất lượng hàng nhập khẩu cao hơn hay không, nhưng sự thực có nhiều mặt hàng mà thị trường trong nước bỏ ngỏ, không đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Tại sao người tiêu dùng không được quyền tiếp cận hàng tiêu dùng chất lượng từ Mỹ, Nhật Bản? Cần phải đối xử công bằng với người tiêu dùng trong việc tiếp cận hàng hóa chất lượng tốt với giá cả hợp lý”.

Theo cam kết của Việt Nam, các mặt hàng giảm thuế đều có lộ trình để hỗ trợ sản xuất trong nước như thịt gà, thịt bò, thịt lợn. Hiệp định TPP chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thay đổi. Cụ thể, trong ngành chăn nuôi, ông Tùng phân tích: “Chúng ta nói ngành chăn nuôi khó khăn nhưng phải hỏi tại sao khó khăn? Vì phương thức sản xuất nhỏ lẻ, dịch bệnh, phụ thuộc nguồn thức ăn nhập khẩu… Nếu ta có 10 năm mà không phát triển được thì đến bao giờ mới phát triển được? Nếu không phát triển được thì người tiêu dùng phải dùng các sản phẩm với an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay là bất công”.