Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người viết gần 2,5 vạn lá thư để tìm đồng đội


 
Đại tá Phạm Văn Lũy miệt mài giải mã hồ sơ tìm kiếm đồng đội hy sinh. Ảnh: T.G
 
Buổi học định mệnh
 
Liên hệ với UBND phường Bắc Sơn (Kiến An, Hải Phòng) nơi người cựu binh Phạm Văn Lũy, SN 1953, nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử hậu cần QK3 đang sống, chúng tôi may mắn đã gặp được ông. Thấy khách đến chơi bất ngờ, Đại tá Phạm Văn Lũy vội dừng tay, thay quần áo rồi ra ngồi tiếp chuyện. Trên chiếc bàn nhỏ của ông, la liệt hồ sơ, giấy tờ về phần mộ liệt sĩ đang được đóng vào bì thư chờ gửi đi cho các gia đình liệt sĩ.
 
Ông kể: “Tôi từng tham gia rất nhiều trận đánh tại các mặt trận khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Mĩ với nhiệm vụ chiến sĩ thông tin. Thời điểm nhập ngũ năm 1971, tôi về sư 2, trung đoàn 141 (nay là sư đoàn 3, QK5)”.
 
Nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, 10 năm nay ông Lũy vẫn tiếp tục cống hiến cho đời với công việc đầy nghĩa tình: Tìm đồng đội. Ông chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ: “Ngày 12/11/1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắt đường 1 từ xã Đức Tân (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), quê hương cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi cùng sư đoàn rút về rừng. Về tới rừng đúng ngày 20/11/1972, tôi được giao nhiệm vụ học mật ngữ để phục vụ chiến đấu. Lớp học có tất cả 42 người. Như mọi hôm, tôi vẫn đến ngồi ngay cửa lớp nhưng hôm đó do đi muộn nên chỗ ngồi đó có đồng đội khác đã ngồi. Thấy tôi đến, đồng chí đó đẩy tôi vào sát miệng hầm ngồi và bảo “Chỗ của ông hôm nay để tôi”. Thấy thế, tôi xuống miệng hầm ngồi học. Ai ngờ, đang giữa giờ học, một trận bom tọa độ B57 của Mỹ đã đánh trúng lớp học. Tất cả diễn biến quá nhanh, mới chỉ mấy phút trước 42 con người vẫn còn cười đùa với nhau, vậy mà giờ đây 37 người đã bị chôn vùi trong đất cát. Tôi chui ra từ miệng hầm với vết thương trên đầu, cùng những người còn sống bới tìm những người đồng đội của mình. Vừa đào đất cát, tôi cùng mấy anh em vừa khóc gọi tên đồng đội. Giây phút đó thực sự ám ảnh tôi. Sự mất mát quá lớn khiến tôi không bao giờ nguôi quên”.
 
Sau khi rời trạm quân y, ông Lũy trở lại đơn vị và được lệnh điều động cùng sư đoàn tham gia chiến dịch Giải phóng Cảng Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Sau chiến dịch này, toàn bộ Trung đoàn 141 được điều về sư đoàn 3 Sao Vàng (Bình Định) thực hiện chiến dịch phòng ngự “Ngàn ngày giữ đất” của huyện Hoài Ân (Bình Định).
 
Trải qua các chiến trường từ Bình Định đến Ninh Thuận, Phan Rang, Phước Tuy, Bà Rịa-Vũng Tàu, đảo Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), tháng 7/1975, ông Lũy được điều về Tiểu ban chính sách Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 với nhiệm vụ sao chép danh sách các liệt sĩ từ sổ cũ sang mẫu chuẩn của Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng). Đây là giai đoạn mà ông Lũy cảm nhận rõ nét nhất sự mất mát và hy sinh của đồng đội mình.
 
“Tôi mắc nợ đồng đội một cuộc đời”
 
Khi chiến tranh kết thúc, người lính Phạm Văn Lũy về Quân khu 3 thực hiện nhiệm vụ ở Ban Hậu cần. Suốt ngần ấy năm, ông luôn đau đáu với những người bạn chiến đấu thuở nào. Nhớ lại giây phút chứng kiến sự ra đi của đồng đội mình trong trận bom năm 1972, Đại tá Lũy trầm tư kể: “Tôi thấy mình mắc nợ đồng đội một cuộc đời. Cho đến giờ, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, tôi vẫn mãi trăn trở nỗi niềm giúp đỡ các thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm đưa hài cốt đồng đội về quê hương”.
 
Thấu hiểu nỗi lòng của các gia đình có liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, mộ phần, từ 2008 đến nay, Đại tá Lũy đã dành trọn thời gian “phiên dịch” các ký hiệu của giấy báo tử cho các gia đình liệt sĩ. Nhờ kiến thức được học, lại là người tham gia các trận đánh tại các chiến trường trong thời kỳ chống Mĩ, việc giải mã các phiên hiệu, ký hiệu trên giấy báo tử của ông Lũy đã giúp hàng vạn gia đình thuận tiện trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
 
Ông bảo: “Các ký hiệu trên giấy báo tử nếu không phải người được đào tạo thì khó mà “dịch” chuẩn được. Để đảm bảo thông tin bí mật cho đơn vị cũng như phần mộ các liệt sỹ, thời đó tất cả đều dùng phiên hiệu. Nên nếu không có người giải mã thì thân nhân liệt sĩ sẽ không bao giờ biết “KN” là gì? “KH” là gì? “chiến trường A” là gì, “B” là gì? …”.
 
Suốt 10 năm cần mẫn làm công việc “dịch” các phiên hiệu, ký hiệu trên giấy báo tử, hơn 24.000 lá thư giải mã và hàng vạn cuộc điện thoại từ ông Lũy đã giúp bao gia đình thân nhân liệt sĩ tìm lại được người thân, người con, người anh em của mình.
 
Lần giở cuốn sổ ghi chép danh sách liệt sỹ do Quân khu 5 vừa chuyển cách đây gần 2 tháng, Đại tá Lũy cho biết: Kể từ khi có cuốn sổ danh sách liệt sĩ của Sư đoàn 2, Quân khu 5, tôi đã giúp được gần 500 gia đình có thông tin tìm kiếm phần mộ liệt sỹ về quê nhà. Trước đó, khi chưa có cuốn sổ này, việc giải mã tìm kiếm thông tin mộ liệt sỹ vất vả hơn.
 
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, chị Phạm Thị Tuyết (SN 1994, ở Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Nam Định) - cháu liệt sĩ Trần Trọng Đán (Nam Định) bày tỏ: “Suốt 10 năm qua, gia đình chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, gặp biết bao nhiêu người nhưng đều không tìm thấy phần mộ của bác Đán. Cách đây 2 tháng, từ thông tin bác Lũy gửi về Hội CCB xã, gia đình tôi đã tìm được chính xác phần mộ của bác Đán. Gia đình chúng tôi bày tỏ biết ơn tới bác Lũy”.
 
Hay như trường hợp gia đình liệt sỹ Đoàn Văn Ngẫu, sinh 1948 (Kiều Đông, Hồng Thái, An Hải, Hải Phòng) với những dòng trích lục “nhập ngũ 28/6/1966, đơn vị khi hy sinh D409, cấp bậc hạ sĩ - chiến sĩ. Ngày hy sinh 2-1-1968. Trường hợp hy sinh: Chiến đấu. Nơi hy sinh: Quận Lý Tín. Nơi an tang ban đầu: Không lấy được thi hài. Họ tên cha: Đặng Văn Sáu. Mẹ là Lê Thị Nuôi”. Lúc nhận trích lục, ông Lũy bảo “Viết như này thì không ai có thể tìm bởi quận Lý Tín là tên đặt từ thời chế độ cũ”. Nhưng rồi, đọc thấy D409 nên ông Lũy truy ra được quận Lý Tín thuộc tỉnh Quảng Tín (nay là xã Phú Lý, Tam Kỳ, Quảng Nam) và phỏng đoán nhiều khả năng, liệt sĩ được an táng ở nghĩa trang Tam Kỳ. Và quả nhiên, khi vào nghĩa trang này, gia đình đã tìm thấy phần mộ của liệt sỹ Ngẫu và trên bia mộ ghi rất đầy đủ chi tiết. Để gia đình hoàn toàn yên tâm, ông Lũy tư vấn gia đình nên giám định AND.
 
Chia sẻ về công việc mình đang làm giúp hàng vạn gia đình liệt sỹ, Đại tá Phạm Văn Lũy tâm sự: “Những ngày đầu khi mới bắt tay vào làm công việc này, nhiều người bảo tôi “thừa hơi rảnh việc”, một số người bảo tôi không bình thường, có người thì nghi ngờ tôi tư lợi cá nhân... Trước những lời bàn tán, những ánh mắt dò xét, gia đình khuyên tôi nên dừng công việc này, tránh những lời đàm tiếu, không hay. Nhưng, nghĩ tới món nợ với đồng đội, tới vong linh của các anh em, chiến sĩ đã hi sinh, hài cốt chưa được tìm thấy để về quê nhà đoàn tụ, tôi lại dặn lòng mình cố gắng và quyết tâm, kiên định bỏ qua mọi sự phiền muộn này”.
 
Trong căn nhà nhỏ giản dị cuối ngõ phố Trần Kiên (Tổ dân phố 15, Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng), người lính già vẫn ngày ngày cần mẫn giải mã các phiên hiệu trên giấy báo tử cho các gia đình liệt sỹ gửi về. Gần 10 năm qua, Đại tá Lũy đã gửi đi 24.500 lá thư đến khắp các tỉnh thành trên cả nước và góp phần xoa dịu không biết bao nhiêu nỗi khắc khoải ngóng trông tìm kiếm mộ phần liệt sỹ về quê hương.
 
Đại tá Lũy tâm sự: “Khi chép danh sách đồng đội đã hy sinh vào sổ, tôi không khỏi đau lòng vì những con số thương vong quá lớn. Có lần khi đang cập nhật tên chiến sĩ hy sinh vào sổ, tôi đã sững người, nước mắt rơi khi thấy tên người em họ và đồng đội mình”.
Đến ngày hôm nay, mỗi khi ai đó hỏi về ý nghĩ nào khiến ông làm công việc này, Đại tá Lũy chỉ khẽ đáp: “Tôi làm để trả ơn những người đồng chí, đồng đội đã che bom chắn đạn hi sinh để tôi được sống như ngày hôm nay. Ở tuổi này, sức khỏe cũng không còn tốt nhưng mỗi khi thấy đón thêm một liệt sỹ về quê nhà là tôi lại thấy lòng yên vui, lại thấy cần tiếp tục hơn nữa. Tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc tìm kiếm, giải mã thông tin các hài cốt liệt sĩ để đồng đội mình ra đi được trở về, để con được gặp mẹ, chồng về với vợ, anh về với em dù cuộc hội ngộ đó chỉ là nhìn nhau qua di ảnh, tình cảm trao nhau qua nén nhang”.

Theo M.Lý – K.Hòa/giadinh.net.vn