Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người Việt trẻ cần bớt sống ảo và nên học cách mưu sinh

Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương đã chia sẻ những cảm xúc về người Việt trẻ, về lối chơi và những con đường để họ có thể lựa chọn.

 

* Thưa Tiến sĩ, những tác động từ xã hội, từ báo chí, từ văn hóa hay là vì điều gì khiến bạn đọc trẻ lại thay đổi, họ sống gấp và thiếu chọn lọc? Họ đọc sách ít đi, thay vào đó là đọc những tin giật gân, hay lướt mạng xã hội.
- Thế hệ trẻ ngày nay bị bủa vây bởi rất nhiều loại thông tin, như vậy họ sẽ cần có bộ lọc tin. Khi tin vào nhiều, những người có trí thức hoặc những người có văn hóa cao để lọc tin được thì người ta chỉ đọc những bài cần thôi. Nhưng mà những bạn trẻ mà chưa có đủ văn hóa cần thiết, chưa có phông văn hóa lớn thì làm sao người ta lọc được, bạ cái gì người ta cũng nhét vào người. Giống như ăn vậy, những người có trình độ khoa học người ta ăn uống rất khoa học, họ nghĩ đến chất này chất kia nhưng đối với những người bình thường thì chỉ ăn lấy no thôi, bạ cái gì người ta cũng chén cả, những cái bị nhiễm độc người ta vẫn ăn vì nếu thấy ngon là người ta ăn. Phải thừa nhận rằng, mạng xã hội, tin giật gân… tất cả những điều đó tác động không hề nhỏ đến người trẻ.
Tôi đã đi nghiên cứu thế hệ trẻ qua các đề tài nhà nước của mình và phát hiện ra người trẻ hôm nay cũng rất thích những tin nghiêm túc và đứng đắn nhưng tin phải cực sâu, phải do các chuyên gia viết thì người ta nghe ngay. Thế hệ trẻ Việt vẫn háo hức đi tìm những đề tài nghiêm túc vì bản thân tôi được Thành Đoàn và Trung ương Đoàn mời đi rất là nhiều buổi giảng dạy và nói chuyện với thanh niên của Hà Nội, thanh niên của cả nước. Họ nói chuyện về những vấn đề thậm chí là lý tưởng cách mạng, về văn hóa sống, văn hóa ứng xử thanh niên vẫn rất say mê. Nhưng chúng ta đang thiếu những bài viết nói về vấn đề bạn đọc cần. Người ta cần vấn đề văn hóa sống chẳng hạn. Thí dụ trước những lúc khó khăn người ta phải làm thế nào? 
* Đối với tương lai, nhiều người trẻ bây giờ cũng hoang mang, không biết sẽ chọn nghề mưu sinh hay chọn nghề theo mơ ước!
- Ở nước ngoài người ta dạy gì? Nếu thanh niên gặp khó khăn, tôi nói đơn giản thôi là nếu họ bị thất nghiệp tạm thời trong một giai đoạn nào đó, thì điều đầu tiên là người ta phải tìm ngay một việc để tồn tại rồi sau đó trong quá trình tồn tại ấy mới tiếp tục suy nghĩ đặt kế hoạch cuộc đời dài của mình để đạt được ước mơ. Ở nước ngoài người ta không chọn lựa công việc, một thạc sĩ có thể đi bán vé xe buýt. Tôi đã gặp một thạc sĩ, anh này trước làm bưu điện nhưng khi đã có mạng, có email rồi tự nhiên thư tín chết, không ai người ta gửi thư viết tay nữa thì anh này thất nghiệp và anh ấy lại đi bán vé xe buýt. Khi anh đó gặp tôi vì muốn tôi giúp đỡ làm tiếp luận án tiến sĩ. Em có thấy không, đi bán vé xe buýt để tồn tại, nuôi vợ con và nuôi chính mình mà vẫn tiếp tục ước mơ. Cuộc đời một con người phải thế, chứ nhiều bạn trẻ bây giờ cứ đòi là phải được công việc đúng chuyên môn. Đầu tiên là tồn tại đã rồi sau đó mới nuôi ước mơ của mình là hai điều mà con người luôn luôn phải làm. 
* Một vấn đề khác, có người cho rằng giới trẻ bây giờ họ dường như thiếu tinh tế và thiếu chiều sâu. Thế giới ảo tác động quá nhiều khiến nhiều bạn trẻ mất đi những phạm trù, như Tiến sĩ nói, phông văn hóa?
- Không phải đâu. Thực ra là lỗi không phải tại kỹ thuật. Chính tôi cũng dùng mạng, phải cảm ơn mạng Internet vì giúp cho việc nghiên cứu của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Thí dụ như trước đây tôi phải tiến hành những chuyến đi xa vất vả thì bây giờ tôi có thể ngồi nhà dự những cuộc họp, những hội thảo quốc tế mà chỉ thông qua mạng thôi. Rồi tôi làm việc với đồng nghiệp quốc tế thông qua mạng, chỉ có đi thực địa hay đi thực tế tôi mới phải đi. Thế giới cũng dùng Facebook, cũng dùng mạng còn ghê gớm hơn mình nhưng họ không lấy đó làm điều xấu. Vấn đề của các bạn trẻ Việt hiện nay là nghiện Facebook, dành quá nhiều thời gian cho Facebook… 
* Mạng xã hội hẳn nhiên là con dao hai lưỡi, nó tác động vào đời sống tâm hồn của các bạn trẻ khá sâu đậm khiến họ nhiều khi bị ảo tưởng bản thân? 
Mạng xã hội có hai mặt. Mặt tích cực của nó là tạo ra một cộng đồng rất lớn trên toàn thế giới để cho chúng ta có thể quan hệ, biết được suy tư, tình cảm của con người, của nhân loại. Rồi một mặt tích cực nữa là nó giúp chúng ta tập trung những người trẻ lại về một phong trào, chẳng hạn phong trào tình nguyện, phong trào hy sinh, phong trào thiện nguyện nào đó, tập trung rất nhanh. Rồi thứ ba là nó giúp con người giải đáp những thắc mắc mà bản thân một mình anh không tìm thấy, anh có thể tìm thấy những người bạn ở đó. Nhưng mà bên cạnh đó thì nó lại có rất nhiều hệ lụy, vì nó là một thế giới ảo cho nên là nó dễ cho người hay ảo tưởng về mình. Anh hùng bàn phím có những người nghĩ là mình nổi tiếng vì mình đã trở thành một người được Facebook hô hào, vì thế mới có những hiện tượng như Bà Tưng, Lệ Rơi. Tưởng là nổi tiếng nhưng đó thực sự là hiện tượng tai tiếng. Con người thực sự không ai sống bằng thế giới ảo được mà chúng ta phải sống trong thế giới thật, phải giúp đỡ những con người thật. 
* Có cách nào để thay đổi điều đó không ạ?
- Muốn thay đổi điều đó thì vấn đề là văn hóa. Đây chính là văn hóa ứng xử. Con người ta phải có ứng xử đúng mực với cuộc sống và cái này thì chúng ta phải giáo dục cho thanh niên hôm nay. 
Hai là vấn đề học tập. Thanh niên Việt Nam chúng ta hiện nay lười quá. Khi tôi sang dạy ở trường Đại học Khoa học Hoàng gia Úc, ở các trường đại học họ làm việc từ 8h sáng cho đến 10 giờ tối mới rời khỏi trường, kể cả sinh viên. Ngoài giờ lên lớp, người ta lên thư viện ngồi. Các lớp học thêm, bổ túc đại học cũng tồn tại ở đó cho đến 10 giờ đêm mới kết thúc. Vì thế cho nên ưu tiên thứ hai là học tập. Nếu bạn nào có bằng cử nhân rồi thì phải học lên thạc sĩ, tiến sĩ. 
Thứ ba, đó là học ngoại ngữ, nếu không học ngoại ngữ chúng ta là người câm điếc trên thế giới. 
Thứ tư là vấn đề văn hóa đọc và thứ năm là vấn đề rèn luyện thể lực. Đấy là 5 vấn đề ứng xử với bản thân mình. Nếu không có sức khỏe thì tất cả ước mơ của anh sẽ trở thành gạch lát âm phủ. 5 vấn đề ấy tôi cho là văn hóa. Một khi người ta đã đầu tư vào 5 vấn đề thì sẽ chẳng có thời giờ lướt Facebook và mạng nhiều nữa, trừ khi người ta nghiên cứu hoặc là trả lời bạn bè. 
* Bằng kinh nghiệm trong nghề giáo của mình, cô có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ, nên vừa học vừa chơi, nên tập trung hoàn toàn vào việc học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hay nên vừa học vừa đi làm để có kinh nghiệm khi ra trường?
- Tôi nghĩ rằng là sinh viên nên tranh thủ đi làm thêm, nhưng nếu làm được những việc phù hợp với chuyên môn của mình thì tốt. Ví dụ dân báo chẳng hạn, đi đến các toà soạn làm thêm. Họ vừa được kinh nghiệm để tích lũy, vừa mở mang học hành. Các cụ nói “học đi đôi với hành”, ta vừa có thể “hành’ được vừa có thêm một số thu nhập thì tôi nghĩ đó là tốt nhất. Sinh viên nước ngoài người ta vẫn đi làm thêm, chẳng có vấn đề gì.
* Cảm ơn Tiến sĩ.