Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế

(Dân sinh) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ông viện dẫn: "WB cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay".

Chủ tịch Quốc hội dự Phiên Tọa đàm cấp cao

Chủ tịch Quốc hội dự Phiên Tọa đàm cấp cao

Chiều 19/09/2023, tham gia bàn tròn phiên tọa đàm cấp cao chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày các nội dung về bối cảnh, thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Nhiều gợi ý quan trọng không chỉ trong ngắn hạn mà còn vì mục tiêu phát triển bền vững, đã được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam năm 2023.

Trao đổi về những thành tựu và những hạn chế của nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong năm 2023, chúng ta đã nỗ lực cân đối ổn định vĩ mô, duy trì an sinh xã hội tạo đà cho phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế còn bị phân mảnh. Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp nên khó tận dụng cơ hội của hội nhập mang lại.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi:  hiện Bộ Lao động – TB&XH đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi có việc làm phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi: hiện Bộ Lao động – TB&XH đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi có việc làm phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng

Mặt khác, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để tạo bứt phá cho tăng trưởng. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội liên tục ban hành thể chế khác biệt cho các địa phương hay để thực hiện dự án quan trọng quốc gia.

Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh  gặp khó khăn, thách thức, do vậy cần huy động năng lực nội sinh của nền kinh tế, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Muốn vậy, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, tọa đàm cấp cao cũng khẳng định, một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế bền vững là con người. Kinh tế càng khó khăn thì càng cần nuôi dưỡng nguồn lực này. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, điểm nổi bật nhất trong triển khai chính sách từ đầu năm đến nay, đều liên quan đến vấn đề an sinh và đảm bảo cơ hội việc làm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, điểm nổi bật nhất trong chính sách về an sinh đó là Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, trong đó công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Chính phủ quan tâm.

Nhiều chính sách kịp thời đã được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động, người nghèo, lao động bị mất việc làm, hỗ trợ vốn vay cho khu vực phi kết cấu trong tiếp cận vốn, tín dụng. 

Các đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn

Các đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn

Cùng với đó, chú trọng phát triển thị trường mới, duy trì tốc độ phát triển GDP và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp nhờ có các công cụ và giải pháp can thiệp vào thị trường lao động. Đối với lao động di chuyển về khu vực nông thôn cũng có kịp thời các gói tín dụng để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Với các chính sách về bảo hiểm y tế cũng được thực hiện tốt, với tỷ lệ tiếp cận 87%; các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo được triển khai từ mầm non tới đại học, đào tạo nghề; hỗ trợ sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được triển khai hiệu quả…

Ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, khó khăn lớn nhất về an sinh xã hội là thiên tai dịch bệnh bất thường và tốc độ già hóa dân số khá nhanh. “Vì vậy, hiện Bộ Lao động – TB&XH đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi có việc làm phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng…”, ông Hồi nói.

Để có góc nhìn toàn diện hơn về các khu vực doanh nghiệp của nền kinh tế, đại diện doanh nghiệp nước ngoài, khu vực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua - ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp SamSung Việt Nam cho hay, đối với Samsung Việt Nam, sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, những xung đột trên thế giới đã khiến doanh thu lần đầu tăng trưởng âm, kể từ khi Samsung đầu tư tại Việt Nam. Những chính sách như thuế tối thiểu toàn câu cũng dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.

Đại diện Samsung Việt Nam đề xuất cải thiện môi trường đầu tư liên tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cần có chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lớn...

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam cần được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước để các doanh nghiệp này có thể phát triển nhanh chóng, mau lẹ. 

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp SamSung Việt Nam bày tỏ vinh dự khi được đại diện cho SamSung Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn ý nghĩa này

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp SamSung Việt Nam bày tỏ vinh dự khi được đại diện cho SamSung Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn ý nghĩa này

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề nghị nghiên cứu triển khai cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động; giúp nâng cao trình độ, tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế.

"Còn WB đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng hết sức day dứt

Trong trong phiên thảo luận bàn tròn chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới" diễn ra sáng cùng ngày, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là bảo hiểm xã hội.

Theo đó, thời gian qua, vấn đề gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần đang nhận được nhiều sự quan tâm, cần có sự sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để khắc phục những vướng mắc hiện có.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Nguyễn Văn Hồi làm rõ thực trạng của vấn đề này, những định hướng lớn về mặt giải pháp đưa vào trong Luật Bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng này.

Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi bày tỏ: "Rút bảo hiểm xã hội một lần quả thật là thực trạng hết sức day dứt. Trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người".

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, số người rút bảo hiểm xã hội một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời.

"Nhiều khi người lao động có những khó khăn, họ xin rút bảo hiểm xã hội trong khi số tiền không lớn. Đóng 5 năm thì số đó chỉ bằng 5-10 tháng lương, nhân ra chỉ khoảng 25-30 triệu", Thứ trưởng Hồi nói.

Một nguyên nhân khác được Thứ trưởng nhắc đến là do người lao động có thu nhập thấp, tích luỹ thấp, khi mất việc làm thì họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.

"Nguyên nhân thứ ba là nhiều người vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm không quan trọng trong tương lai", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói và cho hay, về các giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, cần có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hết sức quan trọng và cần thiết, đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Những định hướng lớn nhất sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 và hướng đến bảo đảm an sinh xã hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn lực lượng lao động.