Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến nay việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc. Hiện mới hoàn thành bàn giao 186 dự án với 75.700 căn hộ, tương đương 3,78 triệu m2 sàn nhà. Với diện tích đó, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nhà ở xã hội. Vì thế, báo cáo của các địa phương cho thấy, có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại.
Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp, cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.
Trong các nguyên nhân trên, việc không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định là chủ yếu. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018 - 2020 là hơn 1.262 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu.
Riêng năm 2018, ngân hàng này chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với gia đình, cá nhân, các chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở xã hội. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của từng đối tượng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.