Biết là không tốt nhưng vẫn lựa chọn vì con thích!
Mỗi tuần, các con của chị Lê Anh Hồng (Việt Trì, Phú Thọ) được ăn 2-3 bữa đồ ăn nhanh. Khi nào bố mẹ bận, các con có thể được ăn cả tuần. Chị Hồng chia sẻ: "Xuất phát từ công việc bận rộn của bố mẹ, hơn nữa, vì đi học thêm suốt nên giữa các ca học, tôi phải mua đồ ăn nhanh cho các con. Dần dần 2 cháu ăn như thói quen, “nghiện” đồ ăn nhanh và không thích đồ mẹ nấu ở nhà. Dù biết là sai lầm khi cho con ăn uống thiếu khoa học, nhưng giờ không mua thì cháu lại khóc lóc, vòi vĩnh, bỏ bữa".
Chị Mai Phương (Hà Nội) thỉnh thoảng cũng đưa con đi ăn pizza, cánh gà rán, mỳ Ý… vào những dịp cuối tuần hoặc ngày lễ. Tuy nhiên, dạo này các cháu tăng cân nhanh và có dấu hiệu béo phì, chị Phương đang cân nhắc việc hạn chế cho con ăn đồ ăn nhanh.
Có thể nói, cuộc sống hiện đại bận rộn nên thức ăn nhanh đã và đang trở thành xu hướng ẩm thực được nhiều người lựa chọn, nhất là giới trẻ. Những suất ăn chế biến sẵn tiện lợi như bánh mỳ, xúc xích, pizza, khoai tây chiên, mỳ Ý... rất thu hút trẻ em vì hợp khẩu vị. Do đó, nhiều cha mẹ thường đưa trẻ đến các cửa hàng ăn để tổ chức tiệc sinh nhật, liên hoan gia đình hoặc như một phần thưởng khi trẻ ngoan ngoãn hặc đạt được điểm tốt ở trường.
Dù biết những tác hại tiềm tàng đối với sức khỏe trẻ em, nhưng vì trẻ thích nên nhiều khi cha mẹ cũng “tặc lưỡi” chiều con.
Kết quả Điều tra nghiên cứu "Thực trạng và các yếu tố liên quan tới tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị Hà Nội" được Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện cuối năm 2020 cho thấy: bánh mì, đồ ăn nhanh phương Tây và mì gói là những thức ăn nhanh phổ biến nhất trong giới trẻ hiện nay.
Thức ăn nhanh tiềm ẩn nhiều nguy hại về sức khỏe
Thức ăn nhanh hiện có 2 loại là thức ăn nhanh công nghiệp (snack, khoai tây chiên giòn, nước ngọt, nước có gas…) và thức ăn nhanh bán công nghiệp giàu năng lượng (gà rán, hamburger, bánh pizza, mì Ý...).
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn nhanh có năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều muối nhưng ít rau, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu trẻ thường xuyên dùng thức ăn nhanh có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ và vóc dáng. Ngoài ra có thể gây các tác hại sau:
Tăng huyết áp: Natri có trong muối chế biến thức ăn nhanh sẽ khiến huyết áp của trẻ tăng lên. Đây cũng là nguồn gốc của bệnh cao huyết áp.
Bệnh tim: Chất béo có trong thức ăn nhanh làm tăng mức cholesterol, lắng đọng lại ở trong tim là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.
Bệnh thận: Muối natri trong thức ăn nhanh sẽ khiến huyết áp tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thận.
Tiểu đường: Các loại nước ngọt có gas đều chứa hàm lượng đường cao, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Béo phì: Chất béo được dùng để chiên/rán thức ăn nhanh sẽ tích tụ dần trong cơ thể, dẫn đến chứng béo phì cũng như nguy cơ mắc bệnh tim.
Rối loạn tiêu hóa: Hầu hết các nguyên liệu của thức ăn nhanh đều đã qua chế biến, xử lý, vì vậy trẻ ít được ăn chất xơ nên dễ bị táo bón, tăng cao nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
Loãng xương, sâu răng: Khi ăn thức ăn nhanh, trẻ không được cung cấp đầy đủ chất và trọng lượng thừa của cơ thể có thể khiến trẻ bị loãng xương. Còn đường có thể gây sâu răng.
Mệt mỏi: Trẻ có thể cảm thấy đầy bụng khi dùng thức ăn nhanh. Thức ăn nhanh không chứa nhiều chất carbohydrate và protein để cung cấp năng lượng, do đó trẻ sẽ nhanh chóng mệt khi hoạt động thể lực.
Ảnh hưởng khả năng ghi nhớ: Thức ăn nhanh thường thiếu chất dinh dưỡng giúp não tỉnh táo, dẫn đến việc trẻ không có khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ.
Chỉ số cảm xúc thấp: Nếu thường xuyên ăn thức ăn nhanh, bé sẽ có suy nghĩ và hành vi thất thường. Ngoài ra, con còn có thể bị trầm cảm nếu nghiện thức ăn nhanh.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Do đó, các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm đến việc phải cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất cho trẻ bằng một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất.
Ngay từ khi trẻ đang tập ăn dặm, cha mẹ cho trẻ ăn những món ăn đa dạng, các loại rau củ nhiều màu sắc. Trong khẩu phần dinh dưỡng của con, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn đồ luộc, hấp thay vì đồ chiên, xào; chọn chế độ ăn với nhiều chất xơ, rau xanh; nên chọn súp không kèm kem bơ, salad ít mỡ, nước sốt cà chua thay cho nước sốt mayonnaise. Đối với các thức uống giải khát là nước ngọt có ga, cha mẹ không nên khuyến khích mà thay thế bằng nước lọc, nước trái cây tươi, sữa ít đường.
Cha mẹ hãy cùng con đi bộ, tập thể dục để trẻ đốt bớt năng lượng dư thừa. Ngoài ra, nếu có thể hãy để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm gia đình để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn cơm nhà thay vì đi đến cửa hàng đồ ăn nhanh. Nói chuyện với con về tác hại của việc lạm dụng đồ ăn nhanh để con biết và ý thức hơn về việc lựa chọn thực phẩm.
Một lưu ý nữa là không nên mua cho trẻ một phần đồ ăn nhanh để ăn ngay sau khi tan trường và chờ bữa cơm chính ở nhà.
Nếu cho con đồ ăn nhanh thì nên lựa chọn sản phẩm thức phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm và bổ sung lại các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn khác trong ngày khi có nhiều thời gian hơn.
Để trẻ không nghiện đồ ăn nhanh, cha mẹ phải nghiêm khắc trong vấn đề ăn uống để rèn luyện ý thức cho trẻ, không thấy trẻ khóc, dỗi là lại chiều con. Cha mẹ hãy giảm tần suất ăn đồ ăn nhanh trong tuần với mục tiêu không quá 1 lần/tuần.
Hãy tận dụng mọi cơ hội, điều kiện và thời gian trong điều kiện cho phép duy trì bữa ăn gia đình để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ và cả gia đình.