Thực trạng...
Mới đây về quê, tôi thấy có rất nhiều các loại bao bì đựng thuốc BVTV và các chế phẩm thuốc kích thích phun cho cây trồng mà người ta vứt bỏ ở các mương dẫn nước, ven các bờ bao, vệ đường đi... Những loại “rác” này nhiều vô cùng, thậm chí tại những cái bậc cầu ao nơi bìa làng, mà trước khi ở đồng về người nông dân vẫn thường xuống đó rửa chân tay, nông cụ sản xuất, cũng bị người ta quăng, vứt bừa bãi.
Có người, nhân lúc ra đồng phun trừ sâu bọ cho cây trồng, họ cũng xuống các địa điểm này để lấy nước pha chế và “tiện” tay họ cũng vứt lại các bao bì đựng thuốc BVTV. Thấy việc làm nguy hiểm, tôi hỏi, thì được trả lời: “Địa phương khuyến cáo sự nguy hiểm của các loại bao bì thuốc BVTV đến môi trường, đến chính người nông dân, nhưng mọi người ít ai chấp hành, mà họ vẫn bạ đâu xả đó, tiện đâu quăng đấy!”.
Vâng, cũng chẳng riêng gì địa phương tôi, mà qua thực tế quan sát, cũng như qua các phương tiện truyền thông thì, thực trạng “rác” thải nguy hiểm này từ lâu đã trở thành vấn đề đáng báo động ở hầu hết các vùng nông thôn nước ta.
Bỏ "rác" vào nơi quy định.
Người nông dân vẫn còn có ý thức thấp, họ không nghĩ tới những hậu quả dài lâu mà môi trường sống phải gánh chịu, cũng như đất canh tác và nguồn nước bị ô nhiễm, từ chính những việc, hành động tưởng như là rất... “nhỏ” mà họ gây nên, đó là xả rác bừa bãi! Như chúng ta biết thì, các loại bao bì đựng thuốc kích thích, thuốc BVTV thường được làm bằng nhựa, nilon- là các chất cực kỳ lâu phân hủy, vì thế nó sẽ tồn tại trong đất lâu, và sẽ tác động và ảnh hưởng tới môi trường rất lớn.
Cũng có một số lượng không nhỏ vỏ bao bì đựng thuốc kích thích cây trồng, thuốc BVTV được làm bằng sắt, thủy tinh, và với những loại “rác” chất liệu này mà người nông dân thải ra đồng ruộng thì lại càng cực kỳ nguy hiểm, không chỉ đến môi trường sống, mà còn “sát hại” ngay chính người nông dân, khi những chai lọ thủy tinh, sắt này qua thời gian bị vỡ ra sẽ là hiểm họa nếu như ai giẫm, hay xéo phải.
Thực tế, đã có không ít người đi làm đồng giẫm, xéo phải mảnh vỡ của các chai, hộp đựng thuốc BVTV, và bị què, bị nhiễm trùng. Rồi không chỉ con người, mà ngay như gia súc là trâu bò cày kéo nhiều khi cũng là nạn nhân của các loại “rác” này khi chúng xéo phải, dẫn tới bị thương...
Và giải pháp
Ở một số tỉnh như: Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương..., nông dân sử dụng thuốc kích thích cây trồng, thuốc BVTV xong, đã thu gom vào một địa điểm, rồi chờ chôn lấp, thiêu hủy. Thế nhưng, số địa phương nông dân có ý thức, trách nhiệm với cuộc sống của chính họ, cũng như môi trường không phải là nhiều! Chính vì lẽ đó, giải pháp hữu hiệu và bền vững cho vấn đề “rác” từ bao bì thuốc BVTV, đó chính là ý thức của người nông dân.
Nếu như ai cũng ý thức và thấy được sự nguy hiểm, tác hại to lớn của các loại “rác” thải này để thực hiện bằng hành động, không vứt bỏ chúng một cách bừa bãi thì chắc chắn môi trường đất canh tác nông nghiệp sẽ phần nào trở nên sạch sẽ.
Khi tất cả các địa phương, mà phần lớn người nông dân có trách nhiệm và “chăm lo” cho môi trường như thế, hẳn một bộ phận nhỏ những người còn có ý thức thấp kém trong vấn đề này, họ sẽ dần nhận ra để tự “nâng tầm” ý thức trong việc bảo vệ môi trường bằng cách không vứt “rác” bừa bãi nữa...
Ngoài sự tự ý thức của người nông dân ra, thì chính quyền ở các địa phương cũng phải thường xuyên tác động bằng việc tuyên truyền vận động, giáo dục người nông dân ở địa phương mình có ý thức giữ gìn môi trường bằng hành động không xả rác, cũng như các loại bao bì thuốc BVTV ra đồng ruộng, mà hãy thu gom tập kết vào các địa điểm quy định.
Các bản tin tuyên truyền giáo dục như thế nên được phát định kỳ hàng tuần trên hệ thống phát,truyền thanh của thôn, xã, huyện, hoặc thông qua các buổi họp nông dân ở các tổ sản xuất...
Mặt khác, các địa phương cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng các bể chứa loại “rác” đặc biệt này theo sự phân bổ hợp lý tại các khu đồng ruộng, để người dân sau khi sử dụng xong là họ có thể thuận tiện bỏ vào. Việc phân công, cắt cử vài ba người tại mỗi cấp làng, xã trong việc thu gom, vận chuyển loại “rác này” từ các bể chứa, tới nơi chôn lấp, tiêu hủy tập trung cũng là rất cần thiết...
Nếu làm tốt từ khâu tuyên truyền ý thức người dân, cho tới việc quy hoạch bể chứa, quy trình vận chuyển, cũng như việc chôn lấp tiêu hủy như vậy, tôi tin chắc rằng loại “rác” nguy hiểm từ thuốc BVTV sẽ không còn.