Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguyễn Tiến Liêu: Người nhạc sĩ đa tài, thân thiết của Báo Lao động - Xã hội

(Dân sinh) - Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa có 2 nhạc sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (trao năm 2023), đó là nhạc sĩ Hình Phước Long và nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu. Không chỉ có nhiều tác phẩm âm nhạc đạt giải trong các cuộc thi, được công chúng yêu thích, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu còn thể hiện tài năng trong sáng tác thơ, tiểu phẩm, viết ký… Ông là cộng tác viên thân thiết của Báo Lao động - Xã hội một thời thông qua văn phòng Đại diện của báo tại Nha Trang.

Nguyễn Tiến Liêu sinh năm 1937 tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1953 khi mới 16 tuổi, ông đã xung phong đi bộ đội và được biên chế vào Sư đoàn 304, trực tiếp chiến đấu chống Pháp ở mặt trận Trung Lào. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên năm 1954, ông cùng đơn vị về đóng quân tại Xuân Mai, nay thuộc TP Hà Nội. Vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, Nguyễn Tiến Liêu còn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần động viên, khích lệ tinh thần bộ đội. Chính vì thế, năm 1958 khi Tổng cục Chính trị mở khóa học âm nhạc, ông đã được thủ trưởng đơn vị cử đi học theo chuyên ngành biểu diễn đàn Violoncello. Sau khóa học, Nguyễn Tiến Liêu được phân công về làm nghệ sĩ biểu diễn trong Đoàn văn công Quân khu 4, tiếp đó là Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn văn công Quân đội Nam bộ và Đoàn văn công Bộ tư lệnh Hải Quân.

Tác giả cùng nhà báo Trịnh Phú Hải tặng hoa trong đêm nhạc Nguyễn Tiến Liêu

Tác giả cùng nhà báo Trịnh Phú Hải tặng hoa trong đêm nhạc Nguyễn Tiến Liêu

  Sau một thời gian tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội tại các đoàn văn công, do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, năm 1976, Nguyễn Tiến Liêu được chọn đi thi và đỗ vào Trường Văn hóa quần chúng, khóa học đầu tiên, chuyên ngành âm nhạc, sau này đổi tên thành Trường Đại học Văn hóa. Ông học chung khóa với nhạc sĩ tên tuổi Phú Quang. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp, ông được điều về làm Trợ lý văn hóa, văn nghệ của Học viện Hải Quân. Thời kỳ này, Tiến Liêu bắt đầu tỏa sáng. Ông làm thơ, viết tấu hài, viết kịch truyền thanh và sáng tác hàng loạt ca khúc phục vụ các liên hoan văn nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng nhân dân nói chung, bộ đội hải quân nói riêng.

Là Trợ lý văn hóa, Nguyễn Tiến Liêu có điều kiện giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ chiến sĩ quân chủng hải quân. Ông cũng thường có mặt ở các vùng biển đảo của Tổ quốc, đó là chất liệu quý để ông có nhiều bài hát sâu lắng, chân thật và đầy cảm xúc về biển đảo và người lính hải quân.

  Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn còn thích thú nhắc lại những tiểu phẩm của ông như: “Tấu say” viết về việc say sóng của lính mới, “Tấu đắm” viết về chiến công đánh đắm tàu giặc, hay ca khúc “Em muốn được làm đám mây” viết về những cô gái muốn làm mây che cho bộ đội tập luyện nơi thao trường. Hàng trăm ca khúc của Nguyễn Tiến Liêu đã được dàn dựng trong các liên hoan văn nghệ, phát trên sóng phát thanh và truyền hình trung ương và tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, hai ca khúc được đưa vào diện bài ca đi cùng năm tháng, giúp ông được tặng danh hiệu Nhà nước là “Khi tôi hát về Người” và “Khúc ca đảo gió”.

  Ca khúc “Khi tôi hát về Người” được cấu trúc gồm 2 đoạn đơn, dễ thuộc, dễ hát viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giai điệu bài hát mượt mà, trang nghiêm, xây dựng trên nhịp 6/8, tạo ra tiết tấu hòa hùng. Năm 1983, ca khúc này đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải Ba, Giải thưởng âm nhạc hàng năm, không có giải nhất. Bài hát thường được dàn dựng cho tốp ca trong các hội diễn, liên hoan âm nhạc. Năm 2003, Nguyễn Tiến Liêu sáng tác bài hát “Khúc ca đảo gió” sau một lần đến đảo Bích Đầm thâm nhập đời sống người lính đảo. Trong cuộc thi ca khúc viết về bộ độ biên phòng, bài hát đã được trao giải Nhì (không có giải Nhất).

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu (ngồi xe) tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước tại tỉnh Khánh Hòa.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu (ngồi xe) tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước tại tỉnh Khánh Hòa.

  Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu tâm sự: “Đời tôi có vinh dự 3 lần được trực tiếp gặp Bác Hồ. Hình ảnh Bác, những lời dạy, lời căn dặn của Bác luôn đọng trong tim tôi. Và đó là điều luôn khiến tôi trăn trở, đã hun đúc những cảm xúc của tôi với Người, khiến tôi luôn khát khao, mong ước được viết về Bác. Ông đã xuất bản một tập các ca khúc viết về Bác Hồ với 18 bài rất ấn tượng, trong đó phải kể đến: “Khi tôi hát về Người”, “Hương cau quê Bác”, “Người đánh thức ban mai”…”.

  Nhạc sĩ Hình Phước Long, tác giải bài hát “Không sa đâu Trường Sa ơi” nhận xét: “Ca khúc của Nguyễn Tiến Liêu đề cập đến nhiều mảng đề tài khác nhau như: Về Đảng, Bác Hồ, anh bộ đội, biển đảo quê hương và cả tình yêu đôi lứa. Ca từ của ông thường dung dị, trong sáng, tình cảm chân thành, mang phong cách riêng nên ở mảng đề tài nào ông cũng có những thành công, để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc”.

  Người cũng vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước cùng với Nguyễn Tiến Liêu của tỉnh Khánh Hòa năm 2022, nhạc sĩ Hình Phước Long viết: “Khi viết về đề tài quân đội, Nguyễn Tiến Liêu dành cho Quân chủng Hải quân, nơi ông gắn bó lâu nhất, một vị trí xứng đáng. Các ca khúc “Khúc hát chia tay người thủy thủ”, “Sóng và người thủy thủ” (Thơ Đỗ Anh Tịnh) và “Biển lặng” (thơ Nguyễn Kim Tuấn) là những tác phẩm tâm huyết của ông. Trong những ca khúc này, ông tìm đến sự khám phá cái bồng bềnh có lúc cuồng nộ của biển cả… Những cái đảo phách tuần tự, có lúc đảo phách nhịp đột biến tạo nên sự gập gềnh, chao đảo. Và tiết tấu đôi khi lại trở về trạng thái bình thường êm ả theo những con sóng hiền hòa vỗ vào mạn tàu như khúc ru nôi của mẹ nơi quê nhà kẽo kẹt võng đưa”.

  Là người đa tài, Nguyễn Tiến Liêu không chỉ say mê sáng tác nhạc, ông còn làm rất nhiều thơ và có những bài rất hay như: “Mưa và nỗi nhớ trung đoàn”, “Chiều nay nghe em hát”, “Lời ru của cha”… Bài thơ “Xin đừng như biển ấy” của ông được nhiều người thích vì bài thơ rất sâu sắc, như một triết lí, một cảm nhận rất chân thật về đời sống nhân sinh: “Xin đừng như biển ấy/ Chẳng có giọt ngọt ngào/ Đời đã nhiều chát mặn/ Còn thêm muối nữa sao”.

  Ngoài thơ trữ tình, Nguyễn Tiến Liêu còn sáng tác rất nhiều thơ châm biếm. Thơ châm biếm của ông được đăng trên các báo như: Tuổi trẻ cười, Thư giãn, Công luận cười, Khánh Hòa và nhiều nhất là trên mục Thơ nghịch nhĩ của Báo Lao động - Xã hội (khoảng 200 bài). Khi viết thể loại thơ này, ông thường ký với các bút danh như: Tiếu Liên Miên, Đèo Văn Ngang, Kỳ Anh Quán… Ông cũng là một trong những hội viên sáng lập của Làng cười Nha Trang - nơi tập hợp những cây bút, cây cọ châm biếm củng thành phố biển. Năm 2001, khi Báo Lao động - Xã hội tổ chức cuộc thi Tiểu phẩm và thơ châm biếm, Nguyễn Tiến Liêu đã được trao giải Nhất. Ông sử dụng rất thuần thục thể thơ Đường luật trong sáng tác thơ trào phúng. Đề tài cũng rất đa dạng từ việc chống tham nhũng, phê phán sự kệch cỡm của một vài ông “quan cách mạng” đến những chuyện đời thường như dạy thêm, xả rác bừa bãi, con cái hư hỏng… Cùng với các “làng viên” khác, thơ trào phúng của Tiến Liêu đã trở thành “đặc sản” của văn nghệ Khách Hòa mỗi khi có bạn bè xa gần đến thăm hỏi, giao lưu.

  Nguyễn Tiến Liêu là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, thành viên Làng cười Nha Trang. Ông có khoảng 500 ca khúc, một phần do ông tự sáng tác lời, một số do ông phổ thơ người khác. Nhiều bài hát trong số này đã được phát thường xuyên trên Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Việt Nam. Ông cũng sáng tác hàng ngàn bài thơ châm biếm đã đăng ở nhiều báo khác nhau (hiện chưa tập hợp và in thành sách).

  Ông đã được trao rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: “Khi tôi hát về Người” - giải Ba năm 1983, “Nhớ ngày Bác đến thăm” - giải Tư 2000 (Đài Truyền hình Việt Nam), Chiều nay nghe em hát” - giải Khuyến khích 2001 (Hội Văn nghệ tỉnh Bắc Giang), “Sóng và người thủy thủ” - giải C 2004 (UBND tỉnh Khánh Hòa), “Lá thư gửi từ đảo nhỏ” - giải Ba 1998 (Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh), “Khúc ca đảo gió” – giải Nhì 2003 (Hội Nhạc sĩ VN), “Về với cội nguồn” – giải C năm 2003 (UBND tỉnh Khánh Hòa), “Biết ơn người trồng bông” – giải Ba 2002, (Tổng Công ty Dệt may) và giải nhất Thơ nghịch nhĩ báo Lao động - Xã hội năm 2001.