Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nguyên Tổng GĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn có còn lối thoát án tử?

 
Bị cáo Sơn bình thản đón nhận án tử tại phiên tòa sơ thẩm. ẢNh: TL
 
Hơn 3 giờ cho việc tuyên án
 
Sau gần một tháng đưa ra xét xử vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, sáng 29/9, HĐXX sơ thẩm đã chính thức tuyên án. Do vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, thời gian tuyên lâu (hơn 3 giờ đồng hồ) nên các bị cáo được HĐXX cho ngồi để nghe tuyên án. Trong suốt thời gian HĐXX nhận định về vụ án, sự căng thẳng hiện rõ trên nét mặt của từng bị cáo. Đặc biệt là đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh của Oceanbank phải thực hiện chi lãi ngoài theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm. Mỗi bị cáo trong số họ đều có một hoàn cảnh gia đình riêng, giờ đối mặt với nguy cơ tù tội nên mỗi người đều có tâm trạng lo lắng và chờ đợi.
 
Cuối cùng, vào nửa cuối buổi sáng 29/9, HĐXX cũng đã tuyên án cụ thể đến từng bị cáo. Bị cáo Hà Văn Thắm (45 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank): Chung thân tội “Tham ô tài sản”; 19 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 20 năm tù tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 18 năm tù tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt tù là chung thân.
 
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (55 tuổi, nguyên TGĐ Oceanbank): Tử hình tội “tham ô tài sản; Chung thân tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 17 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
 
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (44 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Oceanbank): 9 năm tù tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 13 năm tù “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù giam.
 
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (40 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank): 10 năm tù tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 12 năm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù giam.
 
Bị cáo Lê Thị Thu Thuỷ (40 tuổi, nguyên Phó Tổng Ciám đốc Oceanbank): 6 năm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Bị cáo Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Oceanbank): 42 tháng tù tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (34 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC): 36 tháng tù treo tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Đối với nhóm bị cáo là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX tuyên phạt mức án từ 18- 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ 24 tháng đối với các bị cáo: Đỗ Quốc Trình (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng), Nguyễn Việt Hà (nguyên Giám đốc Chi nhánh Thái Bình), Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô), Trịnh Xuân Hà (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Long Biên), Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên Giám đốc chi nhánh Cần Thơ).
 
Nguyễn Xuân Sơn còn có lối thoát?
 
Xuyên suốt buổi tuyên án, gương mặt Nguyễn Xuân Sơn khá đăm chiêu, thỉnh thoảng bị cáo quay xuống hàng phía dưới nhìn người thân. Gương mặt bị cáo này chỉ thực sự trùng xuống đôi chút khi nghe HĐXX tuyên phạt mình mức án tử hình về tội tham ô. Có lẽ, bị cáo đã chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận mức án mà HĐXX đã tuyên phạt. Tại sao bị cáo Sơn có thể bình thản đón nhận án tử đến vậy? Liệu có lối thoát nào cho bị cáo này? Theo các chuyên gia pháp lý, đây mới chỉ là án sơ thẩm (chưa có hiệu lực pháp luật), bị cáo Sơn có quyền kháng cáo. Khi đó, tại phiên phúc thẩm, nếu bị cáo khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình như vậy bị cáo Sơn có cơ may thoát án tử. Trong trường hợp HĐXX phúc thẩm vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn thì bị án này còn một hy vọng sống cuối cùng là gửi đơn xin ân giảm đến Chủ tịch nước.
 
Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bị cáo Sơn bình thản tại phiên sơ thẩm cũng là lẽ thường bởi bị cáo còn hy vọng vào phiên phúc thẩm, hoặc lá đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước. Theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND Tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSND Tối cao. Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
 
Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình. Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. 

Khi nghe HĐXX tuyên án, bị cáo Hà Văn Thắm nét mặt không thay đổi. Gương mặt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - người duy nhất trong phiên sơ thẩm vụ án này phải nhận mức án cao nhất là tử hình vẫn tỏ ra bình thản. Tuy nhiên, kể từ khi bị cơ quan nắm quyền công tố tại tòa đề nghị mức án tử hình đến nay, dường như tóc bạc xuất hiện nhiều hơn trên đầu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Còn các nữ bị cáo Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy sau khi đón nhận bản án dường như tâm tư nặng trĩu hơn. Những bị cáo có tâm trạng cởi mở nhất có lẽ thuộc về nhóm bị cáo được cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. 

Theo Hà Châu/Giadinh.net.vn