Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Nhà báo Bùi Qúy Linh: Công phu săn những khoảnh khắc trên sàn diễn

Năm 1977, nhà báo Bùi Qúy Linh rời Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Ninh về làm việc tại Tạp chí Sân khấu ở Hà Nội. Bắt đầu từ đây, ngoài viết báo, ông còn đắm mình mê mải vào những cuộc săn ảnh để chớp được những khoảnh khắc đầy ấn tượng, với tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố của từng nhân vật trên sàn diễn sân khấu trong cả nước.

 

Trò chuyện với tôi, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Qúy Linh cho biết, ông đến với nghề viết báo và nhiếp ảnh ngoài sự đam mê còn là một duyên nghiệp. Ông kể, sau năm 1954, ông được tuyển dụng vào làm giáo viên bổ túc văn hóa và xây dựng giáo án chương trình văn hóa bổ túc cho công nhân vùng mỏ Quảng Ninh. Sau đó ông được đào tạo nghề cơ khí (máy xúc), khai thác mỏ và đã trở thành thợ lành nghề bậc 6, nhưng vì yêu nghề làm báo, làm nghệ thuật nên đã bỏ nghề. Ông theo học viết báo ở Báo Quảng Ninh, học nhiếp ảnh ở Thông Tấn xã Việt Nam và học viết kịch ở Viện Nghệ thuật (Bộ Văn hóa – Thông tin) và Hội Nghệ sĩ Sân Khấu. Từ khi chính thức chuyển vể công tác tại Tạp chí Sân Khấu, niềm đam mê viết báo và nhiếp ảnh ấp ủ bấy lâu của ông đã thực sự “có đất dụng võ”. Ông dường như không bỏ qua một sự kiện, một vở diễn nào từ kịch nói đến cải lương, chèo trên sân khấu Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.

Một cảnh trong vở "Bí sử, thâm cung" một vở diễn vang bóng một thời của Đoàn cải lương Thanh Hóa

Bằng cái nhìn, sự rung cảm và đồng cảm của người nghệ sĩ với những nhân vật trên sàn diễn ông đã chớp được những khoảnh khắc thật sinh động, nhiều cung bậc cảm xúc. Những bức ảnh minh họa cho những bài viết của ông không đơn thuần mang tính thông tấn báo chí, mà đó còn là những tác phẩm ảnh nghệ thuật gây ấn tượng mạnh mẽ về cảm xúc thẩm mỹ của người cầm máy. Ông chia sẻ, những bức ảnh của ông được chụp trong điều kiện không dung đèn flash, không chủ động được ánh sáng, trong khi sàn diễn thường thiếu ánh sáng. Ảnh chụp trong những khoảnh khắc như thế rất dễ bị mờ, nhưng theo ông, nếu người chụp tìm được góc sáng đẹp thì sẽ chớp được những bức ảnh đẹp với màu sắc như những bức tranh. Đó thực sự là những tác phẩm ảnh đem đến cho người thưởng lãm những rung cảm qua từng “Khoảnh khắc sàn diễn”, với những vở diễn từng “vang bóng một thời” trên sân khấu nước nhà như: “Bí sử thâm cung”, “Cảnh tỉnh”, “Nửa đời hương phấn”, “Mùa hoa sữa”, “ Đời cô Lựu”, “ Không thể sống quỳ”,  “Ngọn gió độc chưa tan”. “Con đường vô tận”, “Đường ai nấy đi”…(trong tập sách ảnh “Khoảnh khắc sàn diễn” (NXB Sân Khấu, năm 2014).

Một cảnh trong vở "Đời cô Lựu" một trong những vở diễn đã trở thành kinh điển của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang 

Đó là những “khoảnh khắc” ông đắm mình và thăng hoa cảm xúc thẩm mỹ qua từng vở diễn. Như ông từng bộc bạch, từ khi được cử vào TP. HCM làm đại diện Tạp chí Sân Khấu (1984), cho tới khi về hưu (1992) là giai đoạn ông có nhiều bức ảnh nghệ thuật ưng ý nhất chụp về những vỡ diễn trên khấu phía Nam. Có thể nói “Khoảnh khắc sàn diễn”, với hơn 100 bức ảnh, được chọn lọc ra từ hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh ông đã chớp được trong mấy chục năm gắn bó với sân khấu là một tập sách ảnh rất ấn tượng. Đây chính là tâm huyết, là thành quả đáng trân trọng của mấy chục năm lao động nghệ thuật của một nhà báo lão thành đã  vào tuổi “xưa nay hiếm”.