* Phụ trách ấn phẩm "Thiếu nhi dân tộc", chắc chị cũng phải đi công tác ở miền núi rất nhiều. Trong những chuyến công tác đó, chị có câu chuyện nào đáng nhớ?
- Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm trong nghề. Rất nhiều câu chuyện cảm động về gương các em học sinh vượt khó, chăm ngoan, học giỏi. Nhưng có một kỷ niệm vừa xa, vừa gần khiến tôi không khỏi xúc động.
Đó là cách đây mấy năm, có một người xin kết bạn facebook với tôi. Nhìn tên, tôi thấy vừa lạ, vừa quen mà chưa thể nhớ nổi. Tôi chấp nhận kết bạn vì sự tò mò. Và bạn ấy đã rất vui mừng vì được gặp lại tôi để kể cho tôi nghe về thành tựu của bạn. Thì ra, cách đây gần 20 năm, tôi viết bài về gương một cậu học trò dân tộc Thái ở Lai Châu rất năng động, sáng tạo, có năng khiếu về khoa học kỹ thuật. Giờ đọc lại tin nhắn của bạn ấy khiến tôi không khỏi bất ngờ. Bạn ấy kể: Em đã đọc thuộc bài báo chị viết về em và giữ như bảo bối trong suốt hành trình kiếm tìm tương lai. Sau đó em đăng ký thi ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng thiếu điểm. Không trở về quê, mà quyết tâm ở lại thành phố tìm việc làm và ôn thi. Em phải làm đủ việc từ đánh giày, rửa bát, trông xe... để có tiền ăn và ôn thi. Nhiều hôm hết tiền, em ngủ ngoài công viên, ghế đá vỉa hè và đã có lần bị đánh vì họ nghĩ em chiếm địa bàn đánh giày của họ. Dẫu tủi cực, nhưng cứ nhớ đến những câu chữ chị viết trong bài báo, em lại quyết tâm hơn.
Sau năm đó, em thi đỗ khoa Tin học, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Giờ em là giáo viên ở chính quê hương mình, đã có gia đình riêng, có cửa hàng kinh doanh linh kiện máy tính. Cuộc sống rất ổn định.
Câu chuyện trên là món quà vô giá đối với tôi. Tôi đã hướng dẫn bạn chụp ảnh, viết bài về những gương học sinh vượt khó nơi bạn ấy đang công tác. Và cũng từ đó, bạn trở thành cộng tác viên của ấn phẩm Thiếu nhi dân tộc.
* Chị nói, chị đã hướng dẫn nhân vật của mình viết bài, chụp ảnh và họ trở thành cộng tác viên đắc lực cho báo. Vậy đến nay, đã có bao nhiêu cộng tác viên nhí trở thành nhà báo, đồng nghiệp với chị?
- Từ năm 1996 đến nay, hàng loạt các bút nhóm dành cho các bạn có năng khiếu sáng tác thơ, truyện, viết bài được thành lập trên báo Thiếu niên Tiền phong như: Hoa Cát (Nghệ An), Hương Nhãn (Hưng Yên), Rơm Vàng (Phú Yên), Ban Mai Xanh (Hà Nam), Mặt Trời Xanh (Phú Thọ), Nắng Lụa (Hà Tây), bút nhóm Hà Nội… Có thể nói, báo Thiếu niên Tiền phong chính là khu vườn ươm những hạt giống thiện lành, là viên gạch lát đường dìu dắt các bạn trẻ khai phá tiềm năng, tìm được lối đi cho tương lai.
Nhiều bạn sau đó trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ và là cộng tác viên đắc lực của báo Thiếu niên Tiền phong sau này. Điển hình như: Phan Thúy Thảo (báo Phụ nữ Việt Nam), Phan Vũ Nhật Linh (Phóng viên truyền hình VN tại LB Nga), Hồ Huy Sơn (báo Sài Gòn Giải phóng), Nguyễn Hiếu Công (Zing.vn); các nhà thơ, nhà văn trẻ: Lương Đình Khoa, Hoàng Anh Tuấn, Võ Thu Hương, Kiều Duy Khánh… đang nổi trên diễn đàn văn học và báo chí hiện nay.
Có những em trở thành đồng nghiệp, có những em lựa chọn ngành nghề khác, nhưng tất cả các em đã trưởng thành từ các bút nhóm báo Thiếu niên Tiền phong đều gắn bó và là người bạn thân thiết trong cuộc sống của tôi. Bạn Lương Đình Khoa đã viết: "Dù có những công việc hiện tại trực tiếp liên quan đến văn học, báo chí, truyền thông hay trong các ngành nghề khác, thì từ Thiếu niên Tiền phong, chúng tôi đã có một trái tim biết nhìn cuộc sống đẹp hơn, yêu thương nhiều hơn và biết sống tử tế hơn giữa dòng đời xuôi ngược…".
Tôi thực sự tự hào và tin yêu các em, những cây bút tuổi thần tiên đã gắn bó với tôi suốt những tháng năm qua.
* Chị có thể chia sẻ chuyến công tác để lại cho chị nhiều cảm xúc nhất?
- Tôi đã đồng hành cùng CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính đi trao học bổng cho học sinh con em ngư dân, con các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư trên các hải đảo. Nhưng có lẽ chuyến đi tạo dấu ấn sâu đậm nhất, nhiều cảm xúc nhất là hải trình đến với Trường Sa mùa hè năm 2018.
Suốt hải trình 10 ngày lênh đênh trên biển, tôi được trải nghiệm những đợt sóng lừng khiến say sẩm, nôn nao, nhưng lại rất thích thú khi được ngắm đàn cá heo tung tăng dẫn đường cho đoàn tàu lướt sóng; được đặt chân lên đảo nổi, đảo chìm để hiểu hơn về cuộc sống của người lính hải quân nơi trùng khơi; được tận mắt ngắm những luống rau xanh vươn mình trong nắng gió mặn mòi biển cả; được đứng dưới những tán bàng vuông, phong ba kiên cường, bền bỉ dù bão tố, mưa giông; được hát vang những bài ca về người lính hải quân ngay trên boong tàu giữa đại dương mênh mang sóng nước… Biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao trải nghiệm khiến tôi nhớ mãi. Nhưng có lẽ, niềm hạnh phúc nhất của người làm báo cho trẻ em là khi được cùng các bạn nhỏ trường tiểu học Trường Sa đọc báo Thiếu niên Tiền phong ngay trên nắp hầm công sự.
Lúc đó là buổi xế chiều, thầy Phạm Trung Việt, giáo viên tình nguyện ra đảo dạy học dẫn tôi đến thăm khu nhà dân. Vừa đến đầu dãy, thấy các em nhỏ đang nô đùa, thầy bắc loa tay gọi to: "Các em có thích đọc báo không nè!". Các em chạy ào tới. Những em đang chơi trong nhà cũng ùa ra. Chúng ngồi xúm xít trên mặt bê tông khu công sự. Những tờ báo Thiếu niên Tiền phong mà tôi giữ gìn suốt hải trình được lấy từ ba lô ra tặng từng em. Các em vội mở báo và đọc say sưa. Mấy bé mẫu giáo chưa biết chữ thì ngồi lặng yên nghe các anh chị đọc. Khi gặp bài báo vui, các em lại chụm đầu cùng xem và cười vang thích thú. Rồi các em hỏi: "Cô ơi, làm nhà báo có khó không?"; "Cô ơi, con muốn viết bài gửi đăng báo được không?"… Tôi gật đầu mỉm cười mà khóe mắt rưng rưng.
Tôi lấy gói kẹo ra chia cho các em. Đặt tờ báo xuống, các em cùng nhau ăn kẹo và đọc cho tôi nghe bài đồng dao: "Nu na nu nống/Đánh trống phất cờ/Biển cả xa mờ/Có hai quần đảo/Hoàng Sa - Trường Sa/Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt"…
Tiếng còi tàu đã hú vang ngoài bến cảng. Tôi phải chia tay thầy giáo và các em nhỏ Trường Sa để lên tàu trở lại đất liền. Các em cứ nắm chặt tay tôi như níu giữ, như gửi gắm nhiều điều khiến tôi vô cùng xúc động...
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị ngày càng có nhiều những tác phẩm báo chí hay cho các độc giả nhí và có thêm nhiều chuyến công tác nhiều cảm xúc và ý nghĩa.