Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo Đình Đình: Lận đận đứng chân nghề báo

Hơn 5 năm làm cộng tác viên của nhiều tờ báo nhưng vẫn không tìm cho mình được một chỗ “đứng chân”, nản chí Đình Đình đã từng từ bỏ để làm một công việc khác mưu sinh, nhưng “máu nghề” đã kéo anh quay lại.

Chông chênh vào nghề

Con đường học vấn của Đình Đình cũng lận đận như con đường nghề báo của anh vậy.  Gia đình đông con, cha mẹ phải lo mưu sinh nên không có điều kiện theo sát kèm cặp. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Đình theo đám bạn tụ tập chơi bời, học hành bết bát. Tuy vậy, Đình lại rất thích đọc sách báo do nhà có mở tiệm cho thuê sách nên từ nhỏ Đình đã đã có thói quen này. Đặc biệt Đình rất mê  báo Công an Thành phố, Công an nhân dân và  ấn phẩm ANTG. Những mẫu chuyện về các nhân vân “giang hồ”, các nhà thám hiểm, các thiên tài, những vùng đất bí ẩn mở ra trong tâm trí Du qua mỗi trang báo. Mỗi tuần, Đình phải đạp xe 6 km lên thành phố mua sách báo về đọc rồi cho thuê lại.

Những tháng ngày “phá gia” đó vẫn cứ tiếp tục cho đến khi Đình Đình thi trượt tốt nghiệp lớp 12. Chán nản Đình bỏ nhà đi kiếm sống bên ngoài với đủ thứ nghề: Lên rừng đào cây cảnh, tìm dược liệu mang xuống phố bán, và xin đi phát hành báo chung với 1 người kiếm thù lao trả tiền cơm với tiền xăng.  Những ngày lễ tết, ngày 20/11, Đình Đình cùng bạn bè thăm thầy cô. Nghe họ bàn về việc người này học kỹ sư, người kia học bác sỹ, kế toán Đình cảm thấy chạnh lòng, thấy mình thua xa bạn bè nên quyết chí quay lại ôn thi. Thế nhưng lỗ hổng  trong kiến thức quá lớn, chỉ mấy tháng gấp rút không thể lấp nổi nên một lần nữa Đình lại thi rớt kỳ thi tốt nghiệp 12 năm 2007.

Đình Đình bảo, thời điểm này bạn bè, người xung quanh coi thường, đi đâu cũng bị bàn tán theo kiểu, “ăn chơi cho đã giờ thi cái gì”. Bố mẹ cũng không còn niềm tin nên khuyên Đình từ bỏ về mở quán ăn. Vì theo bố mẹ có đậu được tốt nghiệp thì cũng chẳng để làm gì, cùng lắm cũng học được trung cấp, ra trường lại thất nghiệp, má có việc thì đồng lương cũng ít ỏi khó mà đủ trang trải ở TP đất chật người đông. Nhưng Đình Đình vẫn quyết tâm, xin với bố mẹ ôn thi lại lần nữa nếu không đậu sẽ từ bỏ con đường học vấn. Sau 9 tháng vừa đi làm thêm vừa thuê gia sư về dạy riêng Đình đỗ tốt nghiệp sau 3 lần thi. Bố mẹ rất mừng mổ heo bò đãi tiệc.

Như một cơ duyên, trong lúc đang phân vân lựa chọn trường để biết “mùi vị”…thi đại học là gì. Vô tình Đình đọc được 1 mẫu tin trên báo CATP, Đình vẫn nhớ rất rõ đó là trang 2 có đăng tin của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về việc tách khoa Ngữ văn – báo chí và Đình quyết định nộp hồ sơ rồi thi khối C và đỗ vào khoa báo chí trường ĐH KHXHNV hệ Vừa học vừa làm.

Hệ vừa học vừa làm nên phần lớn những người theo học đang công tác ở các cơ quan báo đài. Do đó, Đình được các anh chị phóng viên hướng dẫn và giới thiệu công tác ở một số cơ quan báo chí ngay vào năm thứ nhất. Thấy Đình “máu lửa”, nhà báo Phan Cường lúc này đang công tác tại báo VTC News giới thiệu cho làm cộng tác viên Báo Công an TP. Năm 2010, khi đang là sinh viên năm 2, Đình Đình đoạt giải 3 môn phóng sự điều tra qua loạt bài “Đột nhập lò chữa bệnh thần kỳ”. 4 năm cộng tác cho báo Công an TP có lần Đình đã bị xuất huyết não suýt mất mạng vì vội vàng “lao đi” để kịp làm tin “nóng”. 

Nhà báo Đình Đình bị thương nặng trong một lần đi tác nghiệp

Vượt qua “rào cản” cơ chế “chính quy”

2013 tốt nghiệp, với tấm bằng hệ vừa học vừa làm báo công an không nhận, các báo khác cũng lắc đầu với lí do…“chỉ tuyển bằng cấp chính quy’.

Tạm chấp nhận cơ chế “oái oăm” đó, Đình Đình xin làm cộng tác viên với mong muốn “phá vỡ” cơ chế bằng sự nỗ lực của bản thân. Tính ở thời điểm sinh viên và hai năm ra trường, Đình Đình có 5 năm làm cộng tác viên cho 8 tờ báo.

Đình Đình chia sẻ: thời gian này anh làm việc không khác gì một phóng viên chính thức, thực hiện hàng chục bài phóng sự cho các tờ báo, rất nhiều loạt bài được bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên điều kiện làm việc thì khó khăn hơn rất nhiều vì gần như không có một cơ chế nào cho cộng tác viên. Ngoài những khó khăn về mặt tiếp cận thông tin thì công tác phí cũng là một vấn đề không nhỏ, để thực hiện các phóng sự Đình Đình gần như phải tự bỏ tiền túi. Không lương, không chế độ, nhuận bút có những tờ chỉ đủ để uống 1 ly cà phê, có tờ báo trả nhuận bút 33 tin bài chưa tới 100 ngàn đồng Đình Đình vẫn kiên trì theo đuổi nghề.  Để tiết kiệm chi phí tối đa cho mỗi cuộc đi, Đình Đình không ngại ngủ công viên, gặm bánh mì không, uống nước giếng nhà dân bên đường,…

Khi còn cộng tác viên, không ngại ngủ công viên để tiết kiệm kinh phí

Thế nhưng những nỗ lực đó vẫn không làm “lung lay” được cơ chế ‘chính quy”, Đình Đình bỏ nghề. Trong thời gian làm báo, Đình Đình có mặt nhiều tỉnh thành để tìm đề tài viết phóng sự. Và phát hiện được rất nhiều đông dược quý, bài thuốc hay chữa bệnh của người đồng bào ở Tây Bắc, Tây nguyên và Campuchia, Lào… nên Đình Đình quyết định đưa về thành phố cho những người có nhu cầu.  Trong lúc giao linh chi cho khách hàng anh phát hiện 1 công ty có trụ sở ở quận Tân Phú và chi Nhánh ở quận 8, TPHCM có dấu hiệu sản xuất  thuốc tây, thực phẩm chức năng dỏm. “Máu nghề” lại nổi lên, Đình Đình tìm cách xin vào làm công nhân của công ty này. Từ đây Đình Đình bắt đầu thu thập thông tin quá trình chế biến từ đường, muối, hóa chất,… thành thuốc. Sau gần 2 tháng, nắm bắt được đầy đủ chứng cứ, tư liệu Đình Đình viết loạt bài  “Vào lò thực phẩm chức năng: tận thấy công nghệ siêu bẩn” phanh phui và gửi đến báo Tiền Phong, báo Tiền Phong đăng 8 kỳ, dư luận rất quan tâm, phẫn nộ về hành vi phạm pháp của công ty này. Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Y tế kết hợp (PC46) cùng thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp kiểm tra xử lý. Trong năm 2016 loạt bài này đạt giải c báo chí quốc gia.

Đình Đình trong lần tác nghiệp, tìm hiểu về đời sống người đồng bào ở Bù Gia Mập Bình Phước

Cũng sau loạt bài này, Đình Đình có duyên quay lại nghề viết lách, và trở thành nhân viên chính thức của báo Tiền Phong.

Đình Đình (trái) cùng lãnh đạo và nhóm PV báo Tiền Phong trong lần dự Giải báo chí Quốc gia năm 2015

Trong thời gian 3 năm làm ở báo Tiền phong Đình Đình đã viết nhiều phóng sự gây tiếng vang, loạt bài “bán mạng bên kia biên giới” 5 kỳ, viết về những bóng hồng nặng nợ đỏ đen, giấu gia đình sang campuchia đánh bạc, loạt bài “sinh viên quý tộc, họ là ai?” 5 kỳ, viết về các nữ sinh viên giới nhà giàu nướng bạc tỷ vào những cuộc chơi vô bổ, loạt bài “hành trình tìm lại chính mình” 5 kỳ, theo chân những người đồng tính sang Thái Lan để phẫu thuật, mới đây loạt 5 bài “biến tướng beer club” khởi đăng bà Nguyễn Thị Thu PCT UBND TPHCM yêu cầu các quận kiểm tra xử lý nội dung báo nêu. Loạt bài “Nhận diện sống ảo” nói về các “thiếu gia” tự xưng giàu có, đánh bóng bản thân để đi lừa tình các cô gái nhẹ dạ cả tin, mê sự hào nhoáng….Hàng chục bài phóng sự về dân tộc các vùng miền.

Trải lòng về chặng đường nghề đã qua và con đường nghề còn rất dài ở phía trước Đình Đình chia sẻ, môi trường báo chí ngày càng khắc nghiệt nếu không đủ đam mê thì phóng viên sẽ tự đào thải mình. Tuy nhiên anh cũng mong muốn các bạn trẻ được các cơ quan báo chí  mở lối. “Họ có sức trẻ, niềm đam mê. Hãy để họ thử việc và cống hiến. Biết đâu những người mới tập tễnh vào nghề đó có những cây bút sáng giá sau này”.

Đình Đình cũng trăn trở “các tòa soạn tuyển PV yêu cầu nhiều năm kinh nhiệm thì cơ hội các bạn trẻ gần như khép lại. Nhìn lại các nghề khác khi vào thử việc được tiền lương thử việc, hỗ trợ nhiều thứ về vật chất, còn những người chưa được đứng vào hàng ngũ báo chí thì rất bạc bẽo, họ rất dễ bỏ nghề…”.