* Là nhà báo nổi tiếng, với 25 năm trong nghề, với nhiều xê-ri phóng sự gây được hiệu ứng xã hội lớn, anh có thể chia sẻ một số vụ việc "nóng" gây chấn động gần đây?
- Trong những năm qua, tôi cùng các cộng sự đã thực hiện rất nhiều phóng sự, không ít trong số đó đã được in thành sách. Tính riêng từ 2019 - 2021, tôi đã in 5 cuốn sách về các phóng sự đã được đăng báo, gồm: "Ở lại với ngàn sao", "Trong tận cùng hang ổ", "Đi qua miền hoa lệ (2 tập); "Tôi đã sống bằng trái tim người khác"...
Tác phẩm gây tiếng vang và chấn động trong dư luận, được đo bằng hiệu ứng xã hội gần đây phải kể đến phóng sự về tàn phá rừng pơ mu cổ thụ trên Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm làm báo, tôi phải dùng từ "phá rừng như trẩy hội". Người ta phá rừng ngang nhiên đi qua cả trạm kiểm lâm.
Phóng sự này đã đăng khoảng 15 bài và khi tôi đang trò chuyện với bạn, chúng tôi vẫn theo sát và tiếp tục đăng trong nay mai. Kèm theo các bài viết là nhiều video tố cáo việc tàn phá rừng, đặc biệt là việc tàn phá những cây gỗ pơ mu quý hiếm cả ngàn năm tuổi, có đường kính hàng mét trong rừng quốc gia. Chỉ trong một, hai tiếng đồng hồ quan sát và ghi hình chúng tôi đã đếm được tới 30 lâm tặc vác gỗ, vác cưa máy đi qua. Và cái cây nghìn năm tuổi chỉ chưa đầy 5 phút là đã cưa xong. Đăng xong, lãnh đạo Cục Kiểm lâm, rồi Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lào Cai - tất cả đã lên tiếng, thậm chí gặp đối thoại để giải quyết tận gốc vấn đề, rồi yêu cầu công an vào cuộc điều tra để bắt giữ các sai phạm.
Một số vụ việc khác cũng rất ấn tượng đó là loạt phóng sự - điều tra: "Vượt biên bán bào thai - tận cùng thảm kịch"; "Trắng đêm theo dấu Quỷ ấu dâm ngoại quốc"… thu hút được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan chức năng, trong đó có cả các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã lên tiếng rất tâm huyết sau câu chuyện tố cáo, bắt giữ các quỷ ấu dâm ngoại quốc, chúng lạm dụng, hãm hiếp nhiều trẻ em nam ở Việt Nam…
*Là một nhà báo điều tra, hẳn anh đã phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, áp lực, va chạm và cả những mua chuộc, cám dỗ?
- Điều này là không tránh khỏi đối với những người làm phóng sự, điều tra, chứ không riêng gì tôi. Tôi và gia đình đã từng bị đe dọa, bản thân tôi đã bị tấn công. Sau khi bị đánh, người ta còn thóa mạ, vu cáo tôi; lên kế hoạch, kịch bản chi tiết làm mất danh dự của tôi. Họ lập ra trang web hoặc comments… Họ đe dọa tôi bằng cách giả danh là người tử tế đưa ra những lời khuyên "hãy cẩn thận", "chuyển nhà rồi à"... Họ đe dọa rất tinh vi và xảo quyệt. Cùng với dọa dẫm là các màn chạy chọt, đút lót những khoản tiền lớn hay nhờ người có chức sắc tác động. Thậm chí, họ chỉ cần nhờ tôi dừng lại, không đề cập tiếp, hay đơn giản là cho họ được thanh minh, giải thích, đối thoại trên mặt báo… - thì phải "mua chuộc" kiểu gì họ cũng "OK". Tôi đã làm thì tức là tôi không "bắt tay với ma".
*Anh đánh giá ra sao về đạo đức nghề báo hiện nay và có lời khuyên gì đối với những người làm báo chuyên về mảng phóng sự, điều tra?
- Tôi vừa phân tích những diễn biến, những cách người ta có thể luồn lọt trong nghề báo, cách thức để người đang làm điều tra chống tiêu cực dừng lại, hoặc để "đất" cho người ta thanh minh. Người trong giới hay các nhà quản lý tinh ý "nhìn" là sẽ biết ngay; nhưng cũng có rất nhiều độc giả không nhìn thấy, vì họ vẫn thấy "người kia" đang chống tiêu cực, vẫn thấy tố cáo phanh phui nọ kia lên mặt báo, vẫn thấy giọng rất là đanh thép, quyết liệt, vẫn thấy chất vấn, đối thoại với những ông trùm, bà trùm. Song, thực ra…
Tôi từng lên tivi nói rõ: Đố ai thấy tôi từng tống tiền, đe dọa ai; mặc cả về sự im lặng hay không im lặng với ai và với chuyện gì… thông qua nghề viết. Nếu không "sạch" thì đời nào tôi dám.
Cho nên quan điểm của tôi là nhà báo điều tra thì phải thật sự biết khắc kỷ với bản thân. Bài bản, kỹ tính, bình tĩnh và kiên quyết giữ bằng được sự trong sáng với nghề. Và nếu giữ được nghề, nghề còn nuôi mình chu đáo mãi, chứ không phải chỉ là ăn xổi. Với tôi, nghề viết đích thực, nó như bạn đang xây dựng một cái cầu thang ấy. Bài viết hay hôm nay, thời gian làm việc tốt hôm nay sẽ đắp bồi uy tín, cảm xúc, tri thức, kinh nghiệm để bạn có thêm một nấc thang mới. Nó đưa bạn lên một tầm vóc cao hơn. Nghề viết không có tuổi hưu, "gừng càng già càng cay".
*Trong bối cảnh báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, theo anh các cơ quan báo chí cần làm gì để giữ được tôn chỉ, mục đích, nhà báo vẫn giữ được mình mà vẫn bảo đảm được nguồn thu cho tòa soạn và đời sống của người làm báo?
- Đây là câu hỏi khó để trả lời, nhất là tôi không phải là người quản lý báo chí mà chỉ là người thực hiện nghiệp vụ.
Hiện do bối cảnh, có rất ít tờ báo giấy nào ở Việt Nam in báo và có lãi nhờ phát hành; nhiều tờ báo đã thôi không in, không phát hành ra thị trường ấn phẩm báo giấy, mà chỉ tập trung cho báo điện tử bởi số lượng người đọc báo giấy ngày càng giảm. Bản thân chính các nhà báo cũng ít khi đọc báo giấy. Còn nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng ngày càng khó, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Vậy họ sống bằng cách nào? Theo tôi thì vẫn phải tạo lập uy tín trong lòng độc giả, khán thính giả thì mới có "cửa" để được tài trợ. Tôi nghĩ rằng độc giả, khán thính giả rất tinh, họ biết đâu là vàng, đâu là thau, đâu là tờ báo có uy tín trong cộng đồng và có trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức sẽ xác định quảng cáo ở các tờ báo đứng đắn, có uy tín thật sự.
Tất nhiên hiện nay bài toán đi xin tài trợ là không hề dễ dàng. Cho nên mới có hiện tượng nhà báo hoặc cơ quan báo chí "ép" doanh nghiệp thông qua nói xấu hoặc tạo xì căng đan, "rung cây dọa khỉ", "bới lông tìm vết". Tôi cho rằng, các vụ việc chúng ta đã biết kia, dù là "con sâu bỏ rầu nồi canh", song đây vẫn là một nỗi đau lớn.
Tôi cũng thật sự thông cảm cho những bạn trẻ mới ra trường, đang lập nghiệp, vừa phải lo cơm áo, gạo tiền, chưa có nghề ổn định mà lại bị áp các chỉ tiêu kinh tế do tòa soạn nào đó "áp" vào. Tôi nghĩ là không có gì sai ở câu chuyện "chỉ tiêu kinh tế" kia. Nếu ta làm bài tốt, làm báo có uy tín, mà xin được tài trợ minh bạch và thắm tình từ doanh nghiệp về cho tòa soạn thì quý hóa quá.
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh luôn bút sáng, lòng trong và thực hiện được nhiều tác phẩm báo chí có ý nghĩa đối với xã hội.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh ngày 1/1/1976Quê quán: Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.Giảng viên kiêm nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và tuyên truyền.25 năm làm báo, từng công tác tại tòa soạn: Thanh niên, Lao động, An ninh thế giới, Công an nhân dân. Hiện công tác tại Báo điện tử Dân Việt.Đã xuất bản 30 cuốn sách: Ghi chép, phóng sự, bút ký, tạp văn, truyện ngắn, truyện dài5 lần nhận Giải Báo chí quốc gia và hàng chục giải thưởng báo chí, văn chương, điện ảnh khác.