Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo không phải là người thi hành công vụ

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), khi băn khoăn về quy định nếu không đăng phát các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến thì phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu, theo bà là không khả thị. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra tại buổi thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) chiều ngày 21/3.

Mạng xã hội không thuộc phạm vi quản lý của Luật Báo chí
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí sửa đổi, tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề theo gợi ý thảo luận của Đoàn thư ký kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Sau đó, Dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 45 (tháng 2/2016) và gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, hiện còn một số ý kiến khác nhau.
Theo ông Đào Trọng Thi, có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành.
UBTVQH cho rằng, ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Các sản phẩm này có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. Cụ thể là: Đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép. Dự thảo Luật đã có quy định về đặc san, bản tin (các khoản 18, 19 Điều 3; các Điều 34 và 35).
Khác với những sản phẩm trên, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. 
Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp thể hiện tại các khoản 17 và 20 Điều 3, khoản 13 Điều 9 và Điều 36 dự thảo Luật, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

Xử hành vi “né”, “phân biệt” cung cấp thông tin cho báo chí

Thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần quy định “cứng” chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay trong dự thảo Luật, để tránh tính trạng “né”, “phân biệt” thậm chí “im lặng”…

Về quy định nếu không đăng phát các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến thì phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu như trong dự thảo, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) là không khả thị.

"Quy định thế thì cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, vì không thể đăng tất cả những gì công dân gửi đến, cũng không thể trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng phát. Báo chí cũng không thể đăng mà không xác minh, dù biết rằng công dân gửi đến đều muốn được đăng để tạo sức ép đến các cơ quan có thẩm quyền", bà Thúy cho rằng quy định cần sát thực tế.

Quan tâm đến sự an toàn của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), cần có quy định về việc xử lý hình sự đối với các hành vi hành hung nhà báo tác nghiệp. “Ngày càng nhiều vụ việc hành hung nhà báo do quy định vấn đề xử lý còn chung chung, nên chưa góp phần bảo vệ nhà báo trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình”, ĐB Huỳnh Văn Tính nêu ý kiến.

Trước ý kiến đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này, UBTVQH cho rằng, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ.

“Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH Đào Trọng Thi khẳng định.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo; Nghị định 159/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính cụ thể trong hoạt động báo chí.

Dự thảo luật cũng bổ sung: “Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp bảo vệ người cung cấp thông tin”.

Ngoài ra, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng hiện nay, các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là báo in. Cho nên, cần nhiều cơ chế ưu đãi hơn cho các cơ quan báo chí chính thống làm tốt nhiệm vụ của mình.