Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo Linh Giang: Tôi đã từng là phu vàng thực sự

Buổi sáng thứ 7, quán cà phê nhỏ trong một con hẻm ở Sài Gòn kín khách. Chỉ là những anh em, bạn bè thân hữu hầu hết là những người đồng hương, đồng nghiệp của Linh Giang.

Nhạc nhẹ, không gian ấm cúng, sách chất cao trên một chiếc bàn, Linh Giang ký tặng thật cẩn thận những vị khách đặc biệt của mình. Dẫn chương trình, đạo diễn, ca sỹ, tác giả… đều là nhà báo.

Ma lực của vàng

Kể lại phóng sự “Theo dấu chân những người tìm vàng” (Nhà xuất bản Thanh Niên) in trong tập sách cùng tên vừa ra mắt, nhà báo Linh Giang (tên thật là Nguyễn Văn Khôi, hiện đang công tác tại báo Công lý) kể: Trong mỗi chuyến đi đào vàng, cứ tranh thủ giữa lúc nghỉ là tôi viết nhật ký. Những trang nhật ký này chính là tư liệu để tác phẩm của tôi thành hình “bằng xương bằng thịt”. Năm 1990, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn còn thơm mùi mực, Linh Giang còn đang  loay hoay không biết làm gì cho qua cơn đói như những người bạn cùng thời, thì chữ “vàng” chợt xuất hiện. Đó là thông tin từ một người bạn học kể về việc đi tìm vàng tại Đakrong. “Cái ma lực của những câu chuyện, sự bừng tỉnh qua những tranh sách của Jack London đã thôi túc tôi hẹn hò một cuộc theo chân những người đi đào đãi vàng. Từ đây, tại Đông Hà, mốc cây số 0 của Đường 9 sang Lào bắt đầu cuộc hành trình của những người đi tìm vàng”. Thế là Linh Giang trở thành phu vàng thực sự. Anh đi được 5 chuyến, mỗi chuyến kéo dài từ 7-10 ngày. Cứ tranh thủ lúc nghỉ giữa rừng, gác cuốn nhật ký lên ba lô, Linh Giang ghi lại toàn bộ hành trình phiêu lưu, cực nhọc của những “đôi mắt hừng hực như có lửa”. Đó là cái đam mê khốc liệt của con người, của những kẻ trong cuộc tìm vận đổi đời. Chuyến đi tìm vàng của Linh Giang thất bại, nhưng anh đã được hòa vào máu thịt của đội quân khao khát trong chuyến đi theo hoang tưởng của số phận. Và quan trọng hơn, Linh Giang đã có trong tay những tư liệu quý giá mà khi chính thức bước chân vào nghề báo, phóng sự này mới được in ra theo những hồi tưởng của những ngày khủng khiếp anh đã trải qua.

Tại buổi lễ ra mắt sách

Cũng chính Linh Giang là nhà báo đầu tiên phát hiện ra hàng nghìn ngôi mộ giả ở Nghĩa trang Liệt sỹ Cam Lộ  của tỉnh Quảng Trị. “Chủ trương quy tập mới được thông báo… trong vòng bốn ngày, đã nhảy vọt ồ ạt lên đến ba nghìn ba trăm lẻ ba ngôi mộ. Một sự quy tập quá cấp tập và không bình thường!”. Theo biên bản kiểm tra của Hội đồng xác định hài cốt liệt sỹ, “Qua năm ngày kiểm tra, kết quả thu được thật sửng sốt: trong tổng số ba nghìn không trăm ba mươi ngôi mộ, chỉ có chín trăm ba mươi bảy ngôi mộ là có hài cốt; còn lại là có đến hai nghìn ba trăm sáu mươi ngôi mộ không có hài cốt. Dưới các ngôi mộ giả này chỉ có đất, cát, ruột đèn pin được giã nhỏ trộn với đất và cả xương động vật nữa”. Dù chỉ mới vào nghề, nhưng sự nhạy bén và không ngoan của một nhà báo thì anh đã có thừa. Vấn đề là làm thế nào để lấy được biên bản trên của Hội đồng để phục vụ cho một bài phóng sự điều tra? Linh Giang kể vui: “Lúc ấy tôi giống như một tên ăn trộm, mà đúng là phải ăn trộm mới lấy được. Khi có nó trong tay tức là bài viết của mình chắc ăn được đăng rồi, tôi bắt buộc phải làm ngược lại một số ý kiến khuyên tôi nên im lặng vì đã “khuấy động vết thương nhân tâm”.

Con ong thợ máu nghề

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách của Linh Giang, nhà văn, nhà báo Xuân Ba dí dỏm thán phục: “Mà sự phát hiện của hắn chả phải yểu và đoản mà có tính dự báo hẳn hoi… Xâm phạm di tích văn hóa ở Hà Nam Ninh hắn viết từ những năm tám mươi. Mộ giả… hắn viết từ đầu chín mươi. Nỗi đau da cam từ năm 1999…  Bây chừ việc ấy mới rộ. Bây chừ người ta mới kể rầm rầm!”

Và cũng thể hiện rất rõ lòng hiệt huyết với nghề của Linh Giang: “Có thời gian tôi ái ngại theo dõi hắn cứ đầu trần không mũ bảo hiểm như thế mà nhông nhông, mà khiển vèo vèo con xe hành nghề trên những ngõ ngách gập ghềnh lổn nhổn những ổ trâu ổ voi bất trắc… Mà hắn mới máu nghề làm sao! Đấy là tính trội của hắn. Máu nghề, ấy là thể hiện kiểu gọi nôm của những người viết hăng hái xông xáo. Cần, rất cần những thứ phấn hoa tức thì của những con ong thợ ong đàn cần mẫn xông xáo nhanh nhậy ấy… Còn chế ra thứ mật chi, loại mật gì có lẽ phận sự của ong Chúa –Tổng biên tập khuynh loát, bao sân lẫn nhạy cảm”.

Nhà báo Nguyễn Linh Giang trên tàu rời Cồn Cỏ khi đi viết bài: "Cồn Cỏ, đảo tiền tiêu" (năm 2014).

Nhận xét về người bạn của mình, Biên tập viên Nhà xuất Bản Thanh niên Nguyễn Xuân Bình khẳng định: “Tôi biết Linh Giang từ lâu và rất thích cách viết của anh. Linh Giang là một nhà báo dũng cảm, sắc bén và vô cùng yêu nghề. Cuốn sách này cứ trục trặc hơn 10 năm mới ra mắt được nhưng là một cuốn sách nên đọc. Dù chỉ là tập hợp số ít những bài phóng sự của anh, dù chỉ là những bài báo nhưng lại pha lẫn văn chương nên sẽ rất dễ chịu khi lần dở hết từng trang”.