Ảnh minh họa
Nhà báo nên tham gia MXH!
Ở đây, tôi không dùng từ “phải” hay “cần”, mà chỉ dùng từ “nên”. Nghĩa là trong vấn đề này không có sự ép buộc, mà là hoàn toàn tự do lựa chọn, thích thì tham gia, không thích thì thôi.
Theo tôi, nhà báo nên tham gia bởi vì hiện nay MXH đã trở thành một “đế chế truyền thông”. Đây là “đại dương” luôn “sôi sục” thông tin đủ loại: Từ chuyện nguyên thủ quốc gia ngoại tình, đến chuyện có thể người ngoài hành tinh đã ghé thăm trái đất; từ chuyện rắn lên máy bay, đến chuyện vợ chồng ly hôn vì một người lấy thuốc đánh răng bằng cách nặn từ cuối hộp, người kia nặn từ giữa... Mà thông tin lại bao quát diện rộng và nhanh “ngang tốc độ ánh sáng”. Vì vậy, khó có nhà báo nào hoạt động hiệu quả mà lại nằm ngoài sự ảnh hưởng của MXH.
Vấn đề đặt ra là nhà báo tham gia MXH như thế nào? Hội Nhà báo Việt Nam muốn nhà báo tham gia MXH buộc phải có chuẩn mực nào đó. Về nguyên tắc, điều này đúng vì anh (chị) là nhà báo được định danh, là hội viên của một tổ chức rất đáng kính trọng thì phải tỏ ra xứng đáng. Tuy nhiên, việc đưa ra các chuẩn mực để tất cả mọi người tuân thủ không hề dễ. Vì vậy, theo tôi, nhà báo tham gia MXH cần thực hiện những điều này: Được định danh tính cụ thể (tên khai sinh hoặc bút danh, nghề nghiệp, quê quán, ảnh chân dung...); thông tin được đưa lên mạng phải trung thực, bổ ích, chính xác (nếu lỡ đưa tin sai phải đính chính và xin lỗi ngay); ứng xử có văn hóa (không chửi đổng, không dùng từ thô tục). Ngoài những điều đó ra, nhà báo cũng như hàng tỷ cư dân mạng khác – tham gia bình đẳng, thoải mái vào tất cả các hoạt động trên MXH.
Con người tham gia MXH, ngoài mục đích thu nhận thông tin, còn mục đích thể hiện mình và giải trí nữa. Trong quan sát của tôi, đại đa số nhà báo Việt Nam hiện nay tham gia MXH, chỉ có mức độ nhiệt tình khác nhau.
Quan hệ báo chí - MXH: Đối tác, không phải là đối thủ
Tôi đọc rất nhiều ý kiến của các buổi tọa đàm về quan hệ giữa nhà báo và MXH. Một số người băn khoăn, ngập ngừng khi gọi tên mối quan hệ này. Còn một số nhà báo kỳ cựu, một số quan chức ở Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, một số hội nhà báo địa phương dường như xem MXH là đối thủ của báo chí. Họ nói thẳng: Nếu báo chí không đổi mới, không cố gắng sẽ bị MXH “vượt mặt”, thu hút hết độc giả. Lại có người khẳng định: Báo chí lên ở “cửa trên” trong “cuộc đấu” với MXH, vì độ tin cậy của báo chí hơn hẳn MXH.
Ở một mức độ nào đó, những ý kiến này không phải không có lý. Riêng tôi, tôi không xem MXH là đối thủ của báo chí nên tôi không xem xét khía cạnh bên nào hơn bên nào. Tôi xem MXH là đối tác của báo chí nên cần có mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau để khai thác những thế mạnh của nhau, phục vụ bạn đọc tốt nhất. Thế mạnh của MXH là thông tin nhanh, nhiều, rộng, phong phú, đa dạng... Thế mạnh của báo chí là thông tin có độ tin cậy cao, phong cách lịch lãm và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Mà nhà báo không thể xem MXH là đối thủ được vì anh (chị) cũng tham gia MXH hội mà! Chúng ta ít khi là đối thủ của chính mình. Trên thực tế, rất nhiều nhà báo dựa vào MXH để hoạt động nghiệp vụ. Không ít nhà báo khai thác được những đề tài hấp dẫn nhờ những thông tin có tính gợi ý trên MXH. Đương nhiên, nếu nhà báo muốn sử dụng thông tin trên MXH trong tác phẩm của mình thì buộc phải thẩm định một cách kỹ càng thông tin đó.
Ảnh minh họa
Vẫn cứ phải là nhà báo trên MXH!
Về nguyên tắc, mọi người tham gia MXH bình đẳng, có quyền hạn và nghĩa vụ như nhau; người ta có thể dùng bất cứ nickname nào mình muốn, thậm chí, người ta có thể ẩn danh. Quy định là như vậy nhưng tôi vẫn muốn nhà báo tham gia MXH vẫn với tư cách là nhà báo.
Nhà báo khi tham gia MXH phải có trách nhiệm cao hơn cư dân mạng bình thường vì nhà báo cần thể hiện trình độ nghiệp vụ của mình; ít ra phải thể hiện được tính chuyên nghiệp, lòng tự trọng nghề nghiệp của mình. Hơi tiếc là hiện nay, một số nhà báo tham gia MXH nhưng chưa làm được điều này, chưa dám nói hết sự thật, hoặc lẩn tránh trước những vấn đề gai góc được bàn luận trên MXH.
Làm nghề gì cũng cần có khát vọng nghề nghiệp thì mới làm tốt được. Là người lính, phải ước mơ lên tướng; là nhà báo, phải ước mơ làm tổng biên tập. Vì vậy, khi tham gia MXH, mỗi nhà báo nên xem trang cá nhân (facebook, blog, website…) là một “tờ báo” riêng của mình. Ở đây anh (chị) vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, đồng thời là tổng biên tập. Phải có thái độ và tâm thế như thế mới làm tròn trách nhiệm của một nhà báo tham gia MXH.
Trách nhiệm của nhà báo khi làm chủ trang cá nhân của mình là thế này: Cố gắng cập nhật thông tin thường xuyên (ít nhất một tuần phải có bài mới, tin mới, trạng thái mới); nội dung phải lành mạnh, bổ ích, có tính xây dựng; hình ảnh, âm thanh phải có tính thẩm mỹ; thái độ phải ôn hòa, lịch lãm; và cuối cùng, phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật về những thông tin mình đưa lên mạng.
Còn phía cơ quan chủ quản (nơi nhà báo làm việc), hãy để anh ta (chị ta) tự bảo vệ mình trước các cơ quan chức năng và dư luận xã hội bằng nhận thức, lập luận mà người ta thấy là đúng. Ðừng bắt nhà báo nín nhịn và chịu hàm oan một cách tức tưởi trước sự chỉ đạo của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Nhà báo hãy vẫn là nhà báo trên MXH! Anh, chị có quyền tự do, dân chủ và chịu trách nhiệm về những tác phẩm báo chí của mình.
Hải Hồ/Tc GĐ&TE