Nhà báo Vũ Xuân Cường - Phó Trưởng phòng phóng viên Báo Tin tức (TTXVN):
"Kịp thời thông tin phản hồi tới chính sách lao động, nghề nghiệp, xóa nghèo..."
Mảng lao động xã hội liên quan đến nhiều người nên nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Trong thời gian qua, Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Phòng Truyền thông làm đầu mối thông tin các vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm, kịp thời thông tin tới các báo chính thống phản hồi những thông tin chưa chính xác, bác bỏ thông tin sai sự thật. Qua đó, thông qua báo chí đã cung cấp thông tin đa chiều, tổng thể hơn những việc Bộ, đơn vị liên quan đang triển khai, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Sự phối hợp rõ nhất với báo chí là quá trình xây dựng Luật Lao động sửa đổi 2019 và có hiệu lực từ 2021 liên quan đến rất nhiều vấn đề NLĐ. Đó là độ tuổi về hưu, thời gian làm thêm giờ, hợp đồng… Tất cả những yếu tố trên liên quan rất nhiều đến quyền lợi NLĐ và những vấn đề tranh luận giữa các bên ở mức độ nào đó đã được cung cấp đến báo chí, rộng đường dư luận, để người dân rõ hơn quá trình sửa đổi luật và từ đó đồng thuận khi triển khai thực hiện.
Cùng với đó là các mảng, lĩnh vực khác do Bộ phụ trách, như: Giải quyết chế độ chính sách thương binh, liệt sĩ; giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội…. Có thể nói Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý một hệ thống chính sách lớn liên quan tới con người từ lúc sinh ra đến khi qua đời. Do vậy những lĩnh vực mà Bộ quản lý là rất nhạy cảm, vì vậy việc tương tác, chủ động kết nối thông tin với các cơ quan báo chí là rất cần thiết, để người dân hiểu và thực hiện theo đúng chính sách. Mong rằng, thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục nhận được sự phối chặt chẽ của Bộ, để mối quan hệ giữa báo chí và Bộ ngày càng chặt chẽ, mật thiết.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Thanh - phóng viên Ban Thời sự VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam:
"Thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch"
Được phân công theo dõi, tuyên truyền về những lĩnh vực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, 10 năm qua, tôi cho rằng sự phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền giữa Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả. Các sự kiện, hoạt động của ngành luôn nhận được sự tham gia, phản ánh kịp thời, đầy đủ, thông tin mang tính đa chiều của các cơ quan thông tấn báo chí. Bên cạnh đó, Bộ cũng luôn chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện để phóng viên tiếp cận và đón nhận thông tin kịp thời thông qua các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất hoặc khi có sự kiện hay vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2020, sự kiện được báo chí, truyền thông và người dân quan tâm nhất, đó là Gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay từ khi có đề xuất đến khi triển khai, phóng viên các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đều được tạo điều kiện tiếp cận thông tin và đưa tin, phản ánh đúng và kịp thời. Có thể nói, "gói hỗ trợ an sinh xã hội" này chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của Nhà nước. Việc thông tin, tuyên truyền về việc triển khai gói hỗ trợ này tại các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch. Ngoài ra, các lĩnh vực liên quan đến người có công, lao động, việc làm cũng thường xuyên được ngành LĐ-TB&XH cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông, báo chí. Việc này góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà báo Thái Bình - Báo Đại biểu nhân dân:
"Sự tương tác kịp thời giữa Bộ và các cơ quan báo chí"
Để báo chí có thể truyền tải thông tin một cách chính xác, kịp thời về lĩnh vực nào đó thì cần phải có sự hợp tác có trách nhiệm, trung thực, khách quan, không né tránh, sẵn sàng đối thoại… của các cơ quan quản lý nhà nước đối với báo chí. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở Bộ LĐ-TB&XH với các cơ quan báo chí trong giai đoạn 2016 - 2021.
Trước đây, việc giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng là một trong những vướng mắc, nhưng với sự vận dụng sáng tạo và tinh thần dám chịu trách nhiệm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng. Một trong các bước trong quy trình này là các hồ sơ đề nghị công nhận NCC đã được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này đã giúp các phóng viên báo chí tiếp cận và lan tỏa thông tin về những hồ sơ còn tồn đọng, góp phần cùng cả nước thúc đẩy tinh thần "Hiếu nghĩa bác ái", tri ân NCC và thân nhân của họ.
Tiếp đó là việc Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Thực tế đã chứng minh Bộ LĐ-TB&XH đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ được giao: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 62%. Đặc biệt, hơn 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp GDNN có việc làm và thu nhập cao...
Và gần đây nhất là việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Đây có thể nói là một thành công về mặt hoàn thiện và xây dựng thể chế, chính sách của Bộ LĐ-TB&XH. Để có được những quy định vừa bảo vệ một cách tối đa NLĐ, doanh nghiệp vừa tương thích với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cá nhân Bộ trưởng cùng các thành viên Ban soạn thảo đã rất vất vả. Chỉ riêng quy định nên hay không thành lập tổ chức bảo vệ người lao động ngoài công đoàn đã khiến những người làm chính sách nhiều phen mất ăn, mất ngủ. Rồi các quy định về tuổi nghỉ hưu, về tăng, giảm giờ làm… nếu không tận mắt chứng kiến các buổi tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân từ hầm lò đến công xưởng; không được tiếp cận trực tiếp với các văn bản của Liên hợp quốc hay Tổ chức Lao động thế giới, chắc chắn các phóng viên khó có thể hiểu cặn kẽ vì sao các thành viên Ban soạn thảo phải ra sức bảo vệ các Điều, các khoản trong Dự thảo Bộ luật.Khó có thể nói hết sự tương tác kịp thời giữa Bộ LĐ-TB&XH, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Bộ. Hầu hết mọi khúc mắc trong việc thiết kế các chính sách của Bộ đã được hóa giải thấu đáo; chính sách ban hành đã đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Nhà báo Vũ Lan - Báo Nhân Dân:
"Các phóng viên được tạo điều kiện tốt khi tác nghiệp"
Bộ LĐ-TB&XH là Bộ quản lý nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Là phóng viên có thời gian dài gắn bó với ngành LĐ-TB&XH, tôi thấy sự phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền giữa Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả. Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, đưa thông tin đầy đủ, chính xác. Những thông tin đó đã giúp cơ quan báo chí đăng, phát chính xác, kịp thời, giúp định hướng tốt dư luận xã hội, nhất là đối với những vấn đề nóng, mới của ngành được dư luận quan tâm như lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội…
Đồng thời, qua phản ánh của báo chí, các đơn vị của Bộ đã chủ động xác minh, làm rõ những thông tin báo chí đăng tải, có những chỉ đạo kịp thời giúp cho các cơ quan chức năng có giải pháp, biện pháp phù hợp, kịp thời xử lý các vụ việc báo chí nêu, tạo thêm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Bộ cũng đã có những giải pháp nhằm chủ động, đổi mới trong thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để thuận lợi trong trao đổi, cung cấp thông tin chính xác, góp phần định hướng thông tin đến các cơ quan báo chí, giải quyết những vấn đề bức xúc dư luận quan tâm đến các cơ quan báo chí, người dân.