Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo Thu Trang: Đi và viết như để trả nợ

Tôi gặp Thu Trang, phóng viên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh trong lễ trao giải báo chí viết về đề tài Phòng, chống xâm hại trẻ em do Báo LĐ&XH phối hợp với Cục Bảo vệ , chăm sóc trẻ em tổ chức. Vẻ ngoài của Trang với mái tóc ngắn, đeo kính, to cao, xông xáo cộng ấn tượng về những bài báo đầy quyết liệt và dũng cảm dễ khiến người ta có cảm giác ở cô sự mạnh mẽ đầy nam tính. Chỉ đến khi tiếp xúc mới thật sự nhận ra tận cùng trong vóc dáng ấy là một tâm hồn phụ nữ yếu đuối, dễ tổn thương và đầy nhân ái...

Dấn thân vì những đứa trẻ kém may mắn

Giải nhất  báo chí viết về đề tài Phòng, chống xâm hại trẻ em không phải là giải thưởng đầu tiên mà Trang nhận được. Trước đó, cô đã gặt hái được khá nhiều thành công về đề tài báo chí viết về trẻ em. Trang  kể, có lẽ cái duyên của cô với trẻ em chính là từ chuyến công tác Hà Giang năm 2006, khi làm phóng viên Báo Gia đình & xã hội, tòa soạn nhận được đơn kêu cứu của một gia đình người Mông ở huyện Yên Minh (Hà Giang) Lá đơn viết sai chính tả be bét, nhưng nội dung thấm đẫm nước mắt, về cái chết bí ẩn của hai đứa trẻ đi chăn dê, sau khi bị ông Phó trưởng Công an xã Mậu Duệ gọi lên lục vấn việc chúng đã nhặt tấm cót rơi dưói bờ suối cạn để chơi. Những đứa trẻ bỗng dưng mất tích sau cuộc tra hỏi ấy. Bốn ngày sau, dân bản tìm thấy xác 2 em trên đỉnh núi thuộc xã Mậu Dụê. Trang kể: „Tôi đã tức tốc lên đường ngay sau khi đọc lá đơn ám ảnh đó. Cuộc điều tra diễn ra trong khoảng gần 2 tháng, với hàng chục bài viết thì thanh tra Bộ Công an mới vào cuộc, khai quật tử thi hai đứa trẻ và trả lời những câu hỏi liên quan đến những cái chết bí ẩn này“.

Bỏ sau lưng những ngột ngạt nơi phố thị, Tran lại xách ba lô lên và đi. 

 Trang bảo, điều „neo“ cô lại với Hà Giang chính bởi một cảm giác rất đỗi vô hình. Cô cảm thấy mắc nợ những đứa trẻ ấy. Chừng nào sự thật còn chưa được phơi ra, chừng ấy chúng luôn đi bên cạnh cô, chúng đang kỳ vọng vào sự có mặt của cô  ở đó để làm rõ cái chết tức tưởi của chúng. Những ánh mắt ám ảnh cứ bám theo cô trên mỗi chặng đường đi. Trải qua những vất vả không thể kể hết. Có đêm, cô một mình phóng xe máy hàng trăm cây số, trên đường không một bóng người. Bên núi cao, bên vực sâu thẳm... thì những ánh mắt ám ảnh ấy bỗng trở thành tấm bùa hộ mệnh để cô vượt qua nỗi sợi hãi của bản thân. Trang đã điều tra vụ việc cách nơi cô sống chừng 500km, bằng toàn bộ tấm lòng, bằng sự ám ảnh trả nợ những đứa trẻ mà cô chưa bao giờ gặp mặt, cũng chỉ biết hình ảnh qua lời kể của những người thân của các em. Trang nói: Tôi tự hứa với linh hồn chúng rằng; „Tôi sẽ quyết tâm tìm ra sự thật“. Lời hứa rất vô hình ấy sau đó đã trở thành mối duyên để Trang gắn bó với Hà Giang và nghiền trẻ em vùng cao...

Nhiều phóng sự, ghi chép, những bài điều tra liên quan đến trẻ em mà Trang thực hiện đã mang lại cho cô khá nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, đến vụ những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề  thì đã thực sự khiến dư luận dậy sóng. Với Trang, đó thật sự là một đòn cân não. Không chỉ là những trở ngại, kể cả sự can ngăn của gia đình, bạn bè và những người xung quanh, vụ án chùa Bồ Đề lúc  đầu còn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đã có lúc nhân cách của nhà báo cũng bị nghi ngờ. Trang kể, nhiều lúc cô ngồi khóc một mình rồi tự hỏi, tại sao mình phải làm việc đó, sao phải hy sinh nhiều đến thế  mà vẫn bị nghi ngờ. Tranhg nói: “Đã có lúc tôi phân vân, đã có lúc muốn dừng lại nhưng rồi khi biết tin một đứa trẻ bị buôn bán tại chùa đã chết thì tôi đã quyết: Phải làm đến cùng nếu không tôi sẽ rất day dứt. Đó thật sự là một đòn cân não và đôi lúc tôi cảm thấy mình đã bị đánh gục. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể vượt qua những sức ép ấy...“.

“Tôn giáo luôn là lĩnh vực rất nhạy cảm và khi quyết định đi đến cùng vụ chùa Bồ Đề, liệu Trang có sợ không?“- Tôi hỏi và nhận được câu trả lời đầy cương quyết: “Khi làm, tôi không nghĩ đến vấn đề tôn giáo hay không. Bởi tôi nghĩ, nếu trên đời này có đức Phật thì Phật sẽ rất từ tâm, sẽ không bao giờ dung túng cho sự sai trái, xấu xa. Chính vì vậy, trong tâm mình, tôi cảm thấy rất thanh thản…“. 

Trang bảo, cô luôn có cảm giác mắc nợ những đứa trẻ vùng cao.  

Khắc khoải những nỗi niềm

Trang bảo, cô đi và viết như để trả món nợ từ tiền kiếp. Cứ ở nhà một thời gian là cô lại cảm thấy như mình mắc nợ những đứa trẻ vùng cao, những đứa trẻ không có được may mắn như con gái cô và bạn bè của chúng ở Thủ đô. Vậy là lại xách ba lô lên đường, lại đi, viết, kết hợp với làm từ thiện. Trong mỗi chuyến đi của cô, ngoài hành trang của một phóng viên để viết bài còn có những thùng hàng là quần áo, chăn màn, đồ ăn và những vật dụng thiết yếu mà cô và bạn bè quyên góp để mang đến cho những đứa trẻ vùng cao ở Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai… Một dạo, thấy Trang đi lại liên tục lên Điện Biên để lo việc xây dựng một khu nội trú tại huyện Điện Biên Đông. Mái ấm này hiện đang nuôi dạy, chăm sóc gần 60 em nhỏ mồ côi và cơ nhỡ. Năm ngoái, lại thấy Trang và bạn bè mở một cửa hàng chuyên bán đặc sản vùng cao, một phần tiền thu được từ quán cũng được dành cho những đứa trẻ kém may mắn. Rồi lại thấy cô và bạn bè lại góp tiền xây nhà cho bé Thảo Ly, một đứa trẻ mồ côi ở Phú Xuyên.... Suốt những năm qua, chỉ từ một ngôi nhà ảo mang tên TỜ RANG (nick của cô trên mạng), đã có hàng tỷ đồng, hàng chục tấn gạo, mấy chục ngàn bộ quần áo ấm, biết bao sách vở và giày ủng… đã được thu gom và chuyển đến những em bé nghèo miền núi phía Bắc. Trên dưới trăm chuyến xe hàng cứu trợ ấy, Trang đều trực tiếp áp tải. Cô thu vén từ mua bán đồ, đóng gói, ngồi lên xe say nhừ tử mấy trăm cây số đường núi một bên dốc cao một bên vực sâu. Rồi dỡ hàng chia tận từng đồn biên phòng, từng cụm bản. Cứ thế, những hoạt động từ thiện luôn gắn với nghề báo và những chuyến công tác của cô. Trang bảo, trước đây cô còn ngồi đếm xem hàng năm mình đi bao nhiêu chuyến công tác, chứ giờ đây thì cô không làm việc đó nữa vì đếm không xuể. Cô cũng không quan niệm đó là lòng tốt hay một điều gì đó cao siêu, với cô đơn giản những chuyến đi ấy cô thấy đỡ day dứt hơn như vừa trả xong một món nợ vậy.

Thế nhưng cuộc sống là cả chuỗi những mâu thuẫn, trả được món nợ với những đứa trẻ kém may mắn kia thì cô lại cảm thấy mình mắc nợ với chính đứa con gái và người đàn ông mà cô yêu. Trang tâm sự: “Tôi thấy mình nợ đứa con gái nhỏ của mình nhiều lắm. Đang ở nhà yên ấm, tôi lại bỏ nó một mình để lên đường, hết lần này đến lần khác. Bao nhiều lần tự nhủ, thôi, hết lần này rồi sẽ ở nhà với con lâu lâu một tí nhưng rồi lại không làm được. Đến giờ nó đã 15 tuổi và cũng đã quá quen với sự vắng mặt của mẹ trong nhà. Giờ tôi chỉ ước, giá nó không say xe, tôi sẽ cho nó lên xe và hai mẹ con lại rong ruổi cùng nhau. Cả người đàn ông của tôi nữa, anh ấy cũng chịu rất nhiều thiệt thòi khi thương yêu một người như tôi… 

Lời kết

Trong câu chuyện của chúng tôi, có rất nhiều chuyện Trang đã kể mà tôi  không thể đưa lên mặt báo. Nhìn bề ngoài, Trang có vẻ là người  mạnh mẽ và  cá tính nhưng chỉ đến khi nói chuyện với cô, người ta mới nhận ra  ở cô sự đa cảm và mềm yếu rất đàn bà. Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lúc cả hai chúng tôi cùng khóc. Trang không khóc khi nhắc đến sự vất vả và những sức ép khủng khiếp mà cô phải chịu  đựng khi tiến hành những loạt bài điều tra, nhưng đôi mắt cô lại đầy nước  khi nhắc đến những đứa trẻ vùng cao, những số phận bất hạnh mà cô đã gặp, giọng cô nghẹn lại khi nhắc đến việc đứa con gái luôn phải xa mẹ và sự hy sinh thầm lặng của người đàn ông mà cô yêu thương. Trang bảo sức ép của công việc khiến đôi lúc cô muốn bỏ nghề nhưng  nghề báo cũng cho cô nhiều thứ, cho cô có điều kiện được đi, được tiếp xúc và mở lòng ra với những số phận kém may mắn, như cái nợ từ kiếp trước cứ níu chân cô lại. Và mỗi khi cảm thấy ngột ngạt nơi phố thị, Trang lại xách ba lô lên đường đến những nơi mà ở đó có những đứa trẻ đang cần cô, có những ngôi nhà cho trẻ em nghèo đang xây dở... Đến đó, cô như được giải tỏa, giúp cô bình tâm và lấy lại được sự cân bằng, giúp cô thêm yêu và gắn bó với nghề viết hơn. 

“Có người đang ví tôi giống như lão Đông ky-sốt, điên điên, khùng khùng khi lao vào "trò chơi hiệp sĩ". Tôi thấy chẳng sai. Cuộc cách mạng cứu ai đó, trong thời buổi mà cái xấu xa ngày một lên ngôi, kẻ khùng như tôi đây, bị người nào đó gắn thêm một cái mác "ngu si đần độn" nữa thì có gì là mới? Tôi không đau khổ vì bị chửi là ngu. Nhưng từng đau khổ vì nghĩ: Một mình tôi không thể chống lại được cối xay gió.

Nhưng tôi không buồn, lẽ sống của tôi đơn giản lắm: Tôi đã làm tất cả để sống cho tử tế. Cái tôi mưu cầu chỉ là sự thanh thản trong lòng. Thất bại hay thành công là cái gì, không còn quan trọng nữa".