Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo và sự cám dỗ của đồng tiền

 
Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: Bạch Dương 
 
Nhà báo giàu hay nghèo?
 
Theo nhà báo Trần Ngọc - Báo điện tử VOV.vn, “Thực tế, rất nhiều nhà báo lĩnh lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, ở nhà thuê, đi xe “rách”, xài điện thoại “cục gạch”, nhưng cũng không ít nhà báo đi xe xịn, ở nhà lầu, dùng smartphone hạng sang. Nhiều ý kiến thắc mắc, không hiểu nhà báo kiếm tiền bằng cách nào, làm sao lại trở nên giàu có? Thực sự thì thu nhập chính đáng của họ được bao nhiêu? Phóng viên bình thường, nói đến mức nhuận bút trên chục triệu là đồng nghiệp “choáng” và có khi còn cho rằng anh ta “chém gió”, bởi đa số tòa soạn hiện trả mức thù lao khá “bèo”. Nói có thể nhiều người không tin, chứ có cái tin, tiền nhuận bút không đủ mua… bát phở. Đôi khi, tiền thù lao trừ chi phí đi lại, giấy bút, điện thoại, có khi còn bị “âm”. Chẳng thế mà nghề báo đã từng bị xếp hạng là một trong 5 nghề “nghèo” nhất, thậm chí còn tệ hơn cả nghề bồi bàn, theo Forbes năm 2012”.
 
Tôi đã có thâm niên làm báo hơn 20 năm, nhưng cho đến nay, tôi vẫn chỉ đủ ăn và là một người nghèo so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi không dám nói tất cả các nhà báo đều nghèo, song các đồng nghiệp tôi quen biết thì phần lớn cũng chỉ thường thường bậc trung. Đã làm báo, để viết một tác phẩm hay, phải đi nhiều và có sự đầu tư chất xám, thậm chí cả vật chất, có khi tốn gấp mấy lần số tiền nhuận bút. Có nhà báo đến tuổi trung niên, vẫn phải đi ở nhà thuê vì chưa thể mua được nhà riêng… Vậy nhưng, rất ít nhà báo bỏ nghề vì… nghèo. Do yêu nghề, họ vẫn sống chết với nghề, dù hàng ngày vẫn phải chật vật trong nỗi lo cơm áo gạo tiền.
 
Cũng theo nhà báo Trần Ngọc: “Nếu thu nhập chân chính, lương kịch trần, nhuận bút “khủng”, thì cả đời làm báo cũng chẳng dám mơ ước mua được căn chung cư cao cấp, nói gì đến biệt thự, xe sang… Ấy vậy mà nhiều nhà báo bây giờ giàu lắm, tài sản, tiền bạc, cổ phiếu lên cả chục tỷ đồng, đi xe xịn, ở nhà biệt thự, cho con du học nước ngoài… Vậy làm cách nào để nhà báo kiếm được nhiều tiền thế?”
 
Trong tham luận về vấn đề "Nhà báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp", ông Nguyễn Đức Liên - Trưởng cơ quan đại diện báo VietNamnet tại TP.HCM cho rằng, có hiện tượng một số ít phóng viên kinh tế giàu lên rất nhanh. Họ làm giàu bằng nghề báo thông qua việc thỏa thuận ngầm, đứng ra bảo kê cho các doanh nghiệp địa ốc, hoặc khai thác thông tin bất lợi từ doanh nghiệp để có lợi ích cho bản thân. Một số nhà báo tiêu cực, thiếu tư cách đạo đức, luôn nhũng nhiễu, hành nghề không trong sáng, không chuẩn mực, lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi bất chính và từ đó nhà lầu, xe hơi, tiền bạc… ùn ùn kéo về. 

 
Tác giả và trẻ em nghèo trong chuyến đi Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Phúc
 
Tâm sự của những người làm báo về sự cám dỗ của đồng tiền
 
Không thể phủ nhận, một số người làm báo (nhất là ở tờ báo có tiếng), khi thực hiện những phóng sự điều tra về tệ nạn xã hội, tham ô, tham nhũng… dễ có thể bị mua chuộc bởi đồng tiền trong nhiều trường hợp. Quan trọng là thái độ của họ với điều đó như thế nào, họ có bị đồng tiền làm mờ mắt để “ngậm miệng ăn tiền” viết sai sự thật hay không? 
 
Thời gian qua, có những nhà báo bị đồng tiền làm cho mờ mắt, lợi dụng danh nghĩa nhà báo để kiếm tiền, tống tiền doanh nghiệp và đã phải trả giá đắt cả danh dự, nghề nghiệp cho hành vi sai trái này. Cũng có các đối tượng giả danh nhà báo để lừa đảo làm hoen ố nghề báo, khiến cho uy tín của báo chí giảm sút nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp.
 
Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Nguyên tắc cơ bản của báo chí là tính chân thực, song muốn có tính chân thực, nhà báo phải chính trực. Một nhà báo nếu không chính trực, ngòi bút sẽ bị bẻ cong, trong một số trường hợp, hậu quả rất nguy hại khi sản phẩm mà nhà báo đó đưa ra xã hội là những thông tin sai trái… Tuy nhiên, đó chỉ là số quá nhỏ, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn phần lớn nhà báo hiện nay vẫn giữ vững lập trường, bản lĩnh và cái tâm của người làm nghề”.
 
Khi được hỏi về sự cám dỗ của đồng tiền, nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP.HCM) - người có rất nhiều phóng sự điều tra nổi tiếng đoạt giải báo chí cho rằng, làm báo điều tra, sự cám dỗ của đồng tiền cũng là một “mối đe dọa”, thế nhưng chị không bị “ngã” trước đồng tiền mua chuộc. Hằng ngày, chị vẫn bán hoa hồng do chính mình trồng, mở nhà hàng… để kiếm thêm tiền nuôi con và nuôi đam mê làm báo. Với chị: Cầm tiền đút để lờ đi những việc sai trái, bất nghĩa, thế thì mình còn bất nghĩa hơn nhiều lần. Không thỏa hiệp, đem lại cho chị cảm giác dễ chịu khi chiến thắng lòng tham của mình. Chị làm thế cũng là vì bản thân, vì cầm tiền đó chắc gì đã sung sướng hơn… 
 
Cùng suy nghĩ với nhà báo Thu Trang, nhà báo Thu Duyên – Đài tiếng nói Việt Nam cho biết: “ Trong quá trình tác nghiệp, nhiều lần doanh nghiệp đã đưa phong bì để muốn tôi viết một bài báo hay, tốt về họ trong khi sự thực có thể họ chưa  hay, chưa tốt. Tuy nhiên, những lần đó tôi đều từ chối. Tôi chỉ viết những điều mắt thấy, tai nghe, những sự thực khách quan, không bẻ cong ngòi bút của mình chỉ để nhận những đồng tiền cảm ơn của doanh nghiệp”.
 
Bản thân tôi, trong suốt thời gian làm nghề tôi cũng gặp khá nhiều trường hợp bị “mua chuộc”, mà nếu ham giàu, chắc tôi không còn là một nhà báo nghèo như hôm nay. Tôi nghiệm thấy, làm báo, ngoài việc có năng khiếu, nhạy cảm, biết quan sát, đúc kết vấn đề, lăn lộn trong xã hội, biết chịu khó, chịu khổ để có vốn sống thì còn phải luôn tránh xa ma lực của đồng tiền và lấy chữ Tâm làm đầu. Tâm có sáng thì tài năng mới phát triển, mới có được những bài báo, phóng sự hay. Và nếu trót theo nghiệp báo mà nghèo, thì tôi vẫn tự hào vì lương tâm tôi trong sạch, không vì tiền mà làm hoen ố những trang viết của mình. 

Bạch Dương/TC GĐ&TE