Hiện nay, tình trạng khan hiếm vắc xin đang diễn ra nghiêm trọng, khiến các bà mẹ lo ngại phải đưa con ra nước ngoài tiêm chủng (Ảnh minh họa)
Thời gian vừa qua, sau một loạt các vụ trẻ em chết sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem xảy ra, hầu hết các bà mẹ đều cảm thấy bất an khi con em sát lịch tiêm chủng.
Trên thực tế, không ít người đã lựa chọn giải pháp an ít rủi ro hơn là săn tìm vắc xin dịch vụ (5 trong 1, 6 trong 1) cho con, nhưng vì nhiều lý do các loại vắcxin này đều đang “cháy hàng”, phải chờ chực nhiều ngày vẫn chưa có để tiêm. Theo dự báo, không chỉ trong năm nay, mà vắc xin sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2016. Chính vì vậy mức giá vắc xin dịch vụ hiện nay ở một số nơi đã đội lên tới 15 - 20 triệu đồng/3 mũi tiêm.
Một phương án an toàn nữa đang được cộng đồng mạng truyền tai nhau, đó là đi tiêm chủng ở Singapore và Thái Lan.
Singapore từ lâu đã là điểm đến tin cậy của nhiều người Việt mỗi khi cần chữa bệnh, nên việc đưa con sang tiêm chủng tại quốc gia nổi tiếng về y học này được nhiều người ưa chuộng. Trên các diễn đàn, mạng xã hội thông tin về các Tour tiêm chủng Singapore xuất hiện khá nhiều. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm xuất ngoại, dự trù chi phí, tư vấn địa điểm tiêm chủng cũng nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng.
Thái Lan cũng là một địa điểm được nhiều bà mẹ lựa chọn để đưa con đi tiêm chủng vì chi phí đi lại mặc dù rẻ hơn, nhưng lượng vắc xin tại đây cũng khá khan hiếm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xu hướng đưa bé sang nước ngoài “du lịch chủng ngừa” xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh nhiều hơn ở Hà Nội, vì đường bay từ TP Hồ Chí Minh sang Singapore, hoặc Thái Lan gần hơn so với Hà Nội, việc đi lại cũng đỡ vất vả tốn kém hơn khi cho trẻ nhỏ đi.
Theo chia sẻ, so với giá tiêm vắc xin dịch vụ trong nước, giá thăm khám và tiêm các mũi 6 trong 1 tại Singapore cũng không chênh lệch quá nhiều, khoảng từ 79-120 USD (1,8 - 2,6 triệu đồng), tuy nhiên kèm theo đó là tiền thăm khám trước khi tiêm có thể từ 50-100 USD (1,1 - 2,2 triệu đồng).
“Nếu cộng các khoản kể cả tiền dịch vụ khám, tiền vắc xin, tiền khách sạn, vé máy bay đi lại, mỗi gia đình chí ít cũng phải tốn trên 10 triệu đồng, đây là số tiền không phải gia đình nào ở Việt Nam cũng dám bỏ chỉ để đưa tiêm phòng” – đại diện một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ.
Cẩn thận với rủi ro
Mặc dù đưa con đi thăm khám, tiêm chủng ở nước ngoài là một hướng thuận lợi cho các gia đình có điều kiện, nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra những khuyến cáo rủi ro. Đặc biệt người đi tiêm rất cần lưu ý tìm hiểu kỹ về vắc xin được tiêm, các thành phần trong vắc xin đó.
Trả lời báo Thanh niên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý: “Cũng như bất kỳ một dược phẩm nào, vắc xin cũng có phản ứng không mong muốn. Do đó, dù tiêm chủng ở đâu thì cũng phải theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng”.
Ông Phu ví dụ, cũng là vắc xin “5 trong 1”, cùng tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi nhưng có loại chứa các thành phần phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi do vi khuẩn Hib, nhưng có loại lại phòng các bệnh: bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà và viêm phổi do vi khuẩn Hib.
Ngoài ra, dù tiêm vắc xin ở đâu cũng cần được nhân viên y tế tư vấn đầy đủ, phù hợp với các mũi vắc xin đã tiêm trước đó; các mũi tiêm phù hợp với lứa tuổi và mô hình bệnh tật mỗi quốc gia và mô hình bệnh tật theo mùa trong năm.
Trả lời báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cũng khuyến cáo, khi có ý định đưa trẻ sang nước ngoài tiêm phòng, người dân nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Các vắc xin, công thức, lịch tiêm, đường tiêm trước khi được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đánh giá trên người Việt Nam cho kết quả tốt. Vì vậy, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đảm bảo được việc phòng bệnh cho trẻ.
Mặc dù các công thức, lịch tiêm vắc xin sử dụng ở nước ngoài phần lớn có thể tương tự nhưng trong một số trường hợp, nó có thể không phù hợp với các chủng tác nhân gây bệnh phổ biến ở Việt Nam, cũng như có thể ảnh hưởng bởi yếu tố chủng tộc.