Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà máy xi măng gây ô nhiễm, người dân bức xúc

Trước phản ứng gay gắt, quyết liệt của người dân thôn Sơn Trà, ngày 20/4/2015, ông Lương Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đến Cty Ciment Miền Trung và cùng với ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Cty Ciment Miền Trung, ông Phạm Tấn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Đông và một số bà con thôn Sơn Trà lập biên bản, với nội dung: Về phía Cty cam kết từ 20/4 đến đầu tháng 5 sẽ khắc phục, hạn chế tối đa tiếng ồn, bụi để không ảnh hưởng đến đến đời sống của bà con trong khu vực bị ảnh hưởng.

Bài 2: Không thể xử lý ô nhiễm môi trường bằng... vận động suông

Bên cạnh đó, nếu đến ngày 10/5, mà UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có câu trả lời dứt khoát thì UBND huyện sẽ kiến nghị dừng hoạt động nhà máy. Tuy nhiên, sau ngày 10/5 tình trạng ô nhiễm từ nhà máy vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 14/5/2015, ông Phạm Tấn Lập, chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với hơn 400 hộ dân thôn Sơn Trà trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy Ciment. Cuộc đối thoại còn có ông Lương Kim Sơn, ông Hà Đức Thắng, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và nhiều ban, ngành của huyện Bình Sơn.

Tại cuộc họp, ông Phạm Tấn Lập khẳng định: Tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy Ciment gây ra là có thật, yêu cầu của bà con là chính đáng, Lãnh đạo UBND xã đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi lên cấp trên. Ông Lập cho biết thêm: Các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xác định có 427 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhà máy, trong đó có 236 hộ gần nhà máy từ 100-150m cần phải di dời trước.

 

Nhà máy Ciment Miền Trung, nằm sát khu dân cư.

 Về việc này, UBND tỉnh đã tạm ứng 87,2 tỷ đồng để đền bù cho 236 hộ dân trong thời gian tới, nhưng theo qui trình, thủ tục thì chưa thể trả lời thời gian cụ thể. Nhiều bà con cho rằng, không chỉ 236 hộ, hay 427 hộ bị ảnh hưởng mà con số người dân bị ảnh hưởng còn lớn hơn rất nhiều, nhất là vào mùa gió nam từ tháng 2- tháng 8.

Tất cả những người dân tham gia cuộc họp đều yêu cầu phải di dời, giải tỏa ngay tất cả 427 hộ, vì họ đã không thể chịu đựng được nữa sau hơn 4 năm sống chung với khói bụi. Trong khi đó, ông Hà Đức Thắng cho rằng, 427 hộ này là nằm trong danh sách giải tỏa của Dự án Nhà máy nhiệt điện ( chưa xây dựng). Câu phát biểu của ông Thắng đã bị hàng trăm người dân la ó phản đối.

Vậy ai mới là những người bị ảnh hưởng bởi nhà máy Ciment ? Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lương Kim Sơn cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT đo đạc, kiểm tra thực tế và xác định trong phạm vi cách nhà máy trên 150 m thì không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra do ông Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi làm trưởng đoàn để thanh tra mức độ ô nhiễm tại khu vực nhà máy. Ông cũng cho rằng, Biên bản làm việc ngày 20/4/2015 chỉ nói đến việc ngày 10/5 nếu không có ý kiến của UBND tỉnh thì UBND huyện sẽ kiến nghị dừng hoạt động nhà máy.

Như vậy, việc kiến nghị và việc dừng hoạt động của nhà máy là hai việc khác nhau. Tại phát biểu của mình, ông Phó Chủ tịch huyện đề nghị bà con nhân dân hết sức bình tĩnh, kiềm chế không gây cản trở đến hoạt động sản xuất của nhà máy, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của KKT Dung Quất và địa phương.

Đồng thời, ông giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành của huyện tập trung vận động nhân dân, ổn định an ninh trật tự. Về phía nhà máy Ciment, ông Trịnh Văn Diễn, cho biết, sau khi có biên bản làm việc ngày 20/4, nhà máy đã áp dụng nhiều biện pháp cải tiến công nghệ, che chắn, sửa chữa đường giao thông để giảm tối đa sự ảnh hưởng của nhà máy đối với cuộc sống của nhân dân.

Ông Diễn cũng cho biết, mỗi ngày nhà máy dừng hoạt động sẽ thiệt hại về kinh tế khoảng 300 triệu đồng, chưa tính đến việc bị mất thị phần và ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh.

Người dân thôn Sơn Trà tiếp tục tụ tập cản trở hoạt động của nhà máy.

Có mặt tại buổi đối thoại trên và qua xâm nhập thực tế, phóng viên Báo LĐ&XH nhận thấy: Việc nhà máy Ciment Miền Trung được xây dựng ngay sát với khu dân cư là không thể chấp nhận được. Việc khói, bụi, tiếng ồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của hơn 1000 người dân đang thật sự là báo động đỏ.

Theo quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT, qui định đối với nhà máy ciment phải có khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư là 1000m. Vậy nhưng qua kiểm tra mức độ ô nhiễm tại đây, tỉnh Quảng Ngãi lại cho rằng ngoài 150m không bị ảnh hưởng. Đây rõ ràng chỉ là cách làm mang tính đối phó với những phản ứng của nhân dân.

Thiết nghĩ Đoàn thanh tra sắp tới không phải xác định mức độ độc hại, ô nhiễm mà chính là cần phải thanh tra lại một cách nghiêm túc qui trình, thủ tục của Dự án Nhà máy Ciment Miền Trung.

Tại buổi đối thoại, trong khi nhân dân bức xúc, đấu tranh gay gắt với tình trạng ô nhiễm, thì các vị lãnh đạo các cấp, các cơ quan chuyên môn không hề đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào mà chỉ phát biểu mang tính giải thích, hứa hẹn và vận động suông.

Chính vì vậy mà ngay sau cuộc họp, người dân thôn Sơn Trà vẫn đang ngày đêm thay nhau canh, giữ trước nhà máy Ciment Miền Trung.

Để giải quyết vụ việc trên, đề nghị UBND Tỉnh Quảng Ngãi phải có ngay những giải pháp tích cực, giải quyết xử lý kịp thời. Cụ thể, phải có chính sách hỗ trợ về y tế cho những người bị ô nhiễm như khám chữa bệnh, hỗ trợ về thuốc điều trị. Đặc biệt, phải có ngay kế hoạch giải tỏa, di dời toàn bộ các hộ dân trong phạm vi bán kính 1000 m theo đúng qui định của nhà nước.