Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà máy xi măng Sông Gianh bồi thường hậu quả ô nhiễm môi trường và khắc phục sự cố

(Dân sinh) - Chiều 4/6, thông tin từ UBND xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nhà máy xi măng Sông Gianh đã gặp Nhân dân xin lỗi và bồi thường thiệt hại 125 triệu đồng, đồng thời hứa xây dựng nhiều hệ thống phòng chống ô nhiễm môi trường.

Theo đó, sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường khiến bụi bay vào các nhà dân tại thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Chính quyền địa phương đã đến hiện trường kiểm tra lập biên bản và thống kê thiệt hại.. Trước đó báo Dân sinh thông tin, tối 26/5, khoảng 18h30 phút thì bất ngờ có một làn khói bụi bay từ Nhà máy xi măng Sông Gianh tràn ra ngoài rồi bao lấy thôn Cương Trung.

Sự việc xảy ra gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân khiến họ bức xúc và tràn ra đường phản đối. Sự việc được chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản và yêu cầu nhà máy đối thoại với dân.

Ngày 3/6, chính quyền xã Tiến Hóa và đại diện Nhà máy Sông Gianh đã có cuộc đối thoại với Nhân dân thôn Cương Trung. Tại hội trường thôn có hàng trăm người dân tham dự và hàng chục ý kiến phát biểu về việc Nhà máy xi măng Sông Gianh gây ô nhiễm. Bà con yêu cầu phía nhà máy phải khắc phục sự cố vừa qua, đồng thời phải lập được phác đồ phòng chống bụi từ nhà máy bay ra nhà dân và cánh đồng hoa màu.

Nhà máy xi măng Sông Gianh bồi thường hậu quả ô nhiễm môi trường và khắc phục sự cố - Ảnh 1.

Người dân yêu cầu nhà máy phải thực hiện theo cam kết

Tại cuộc đối thoại ông Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng hành chính Nhà máy xi măng Sông Gianh đại diện nhà máy xin lỗi Nhân dân, đồng thời hứa phía nhà máy sẽ kiểm kê thiệt và và đưa ra mức đền bù phù hợp để người dân khắc phục hậu quả do ô nhiễm vừa qua; sẽ xây dựng tường bao, hệ thống lưới chắn bụi tầm thấp phía tây nhà máy để tránh gió cuốn bụi vào khu đông dân cư. Ngoài ra các hệ thống phun sương tạo ẩm, tăng cường xe bồn tưới nước trên các tuyến đường ra vào nhà máy nằm gần nhà dân.

Để đạt được tiếng nói chung xã Tiến Hóa yêu cầu Nhân dân đưa ra ý kiến để 2 bên cùng đưa ra phương án giải quyết. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thủy nói: "Mức bồi thường, hỗ trợ người dân khắc phục sự cố vừa qua 125 triệu đồng còn quá thấp so với thiệt hại, đề nghị hỗ trợ hàng năm về cây giống vật nuôi, yêu cầu khắc phục triệt để ô nhiễm tại đây".

Chị Nguyễn Thị Hiệp đại diện gia đình sinh sống gần nhà máy có ý kiến: "Nhà tôi sinh sống gần nhà máy, không chỉ ô nhiễm về môi trường gia đình tôi hằng ngày bị tiếng ồn nhà máy hoạt động, tiếng còi xe ra vào làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt riêng tư. Vậy, tôi mong nhà máy và địa phương về kiểm tra và có phương án di dời".

"Đề nghị địa phương và nhà máy mời đơn vị về kiểm tra nguồn nước giếng, nếu không đảm bảo thì phải có cách khắc phục chứ để người dân dùng nước sinh hoạt không yên tâm, hiện trong thôn vẫn còn nhiều hộ dân chưa có nước máy", bà Hương cho biết.

Tại cuộc tiếp dân này vẫn còn nhiều ý kiến về nhà máy gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng vào ban đêm và việc nổ mìn mỏ đá gây tiếng động rung chuyển khiến người dân không yên tâm khi ra đồng cũng như có con nhỏ ở nhà một mình. Việc này các ngành chức năng nên kiểm tra thắt chặt việc nổ mìn khai thác đá.

Về những ý kiến của người dân ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng hành chính của nhà máy sẽ báo cáo lại Ban Giám đốc tập đoàn. Ông Thành Hứa sẽ thực hiện một số ý kiến của người dân trong tháng 6 này.

Kết luận cuộc họp ông Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch xã Tiến Hóa: "Ô nhiễm tối 26/5, là sự cố do Nhà máy xi măng Sông Gianh gây nên là ngoài ý muốn, phía nhà máy và người dân đi đến thống nhất đền bù, hỗ trợ người dân Cương Trung là 125 triệu đồng, vấn đề này phải thực hiện xong trong tháng 6 này. Ngoài ra nhà máy phải thường xuyên kiểm tra bảo trì bảo dưỡng máy móc tránh xảy ra sự cố như vừa qua, phần đường bê tông phía cổng trên, tường chắn bụi tầm thấp phải thực hiện trong năm 2021 như nhà máy đã hứa.

Đồng thời tăng cường tưới nước, khắc phục nước thải, nhà máy có trách nhiệm khảo sát các hộ dân ảnh hưởng nhà máy phải có trách nhiệm thường xuyên".