Từ làm báo đến viết thơ
Bây giờ, tôi mới tự hiểu, vì sao cũng trải qua chiến tranh, cũng ở chiến trường 5 năm như nhiều người khác, mà tôi tuyệt đối không nhận bất cứ một sự khen thưởng nào, dù đó là huân chương, huy chương, thậm chí bằng khen.
Bây giờ, tôi mới hiểu, thì ra, mình chỉ là kẻ lang thang qua chiến tranh.
Không ai thưởng huân chương cho kẻ lang thang cả.
Nhưng vì sao tôi quyết định mình là kẻ lang thang qua những nơi không hề dành cho kẻ lang thang ?
Điều này do Thơ quyết định.
Nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo
Tôi không nghĩ 5 năm lang thang ở chiến trường, lang thang qua chiến tranh của mình là hoàn toàn suôn sẻ. Nhưng thực lòng tôi khải ngộ ơn trên, và cảm ơn số phận đã giúp cho cuộc lang thang nhiều năm của mình thành tựu. Tôi đã có cơ hội nhìn rõ khuôn mặt chiến tranh, đã đi được khá nhiều đường rừng đường đất và đường nước, đã từng nhịn đói 3 ngày do tắc đường ở Đồng Tháp Mười, đã núp trong bụi cây ở một trảng cỏ thuộc đất Campuchia và nhìn rất rõ một gã lính Mỹ cởi trần, ngực đỏ như ức gà chọi, đứng bên cửa trực thăng và rà khẩu đại liên Mã Lai, cứ như gã đã phát hiện thấy cái gì. Chẳng có gì, trừ một kẻ lang thang là tôi đang “ẩn mình” vì không muốn trở thành con mồi “chuyển động hay bất động” để ăn đạn. Những tình huống trong chiến tranh với tôi cứ như tình cờ, và tôi cũng không có kỹ năng gì xử lý nó. Tôi nhớ có lần nhóm công tác chúng tôi len lách giữa vùng ven sát lộ 4 do đối phương kiểm soát, trưởng nhóm Tám Hùng đã nhắc tôi: “Công (tên tôi), lên đạn đi!” Tôi vội vàng lên đạn khẩu K54, mở chốt an toàn, nhưng cũng không có cảm giác gì rõ rệt là mình sẽ gặp nguy hiểm. Quả thật, đã không có nguy hiểm ở lần đó. Nhiều lần khác cũng vậy. Và tôi chợt nhớ đến nhân vật Pierre Bezukhov trong “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoi. Anh chàng này, cận thị nặng, đi lơ ngơ giữa chiến trường Borodino đầy chết chóc mà... không sao cả. Đi như người mộng du giữa hai bờ chiến tuyến mà không hề hấn gì thì thật lạ! Tôi, dĩ nhiên, không phải là nhân vật của Lev vĩ đại, cũng không đến nỗi đi lơ ngơ giữa hai bờ chiến tuyến, nhưng đúng là không bị chút thương tích gì thì thật ơn trời phật! Có lần, tôi một mình ăn mặc giống như một thanh niên địa phương, “đi phượt” từ lộ Bốn Cai Lậy ra cù lao Ngũ Hiệp. Phải đi xuồng máy trên sông Tiền mênh mang có nhiều tàu tuần tiễu của đối phương thường xuyên khống chế, tôi lận lưng khẩu K54 mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc sử dụng, đội nón lá và mặc áo sơ-mi may bằng vải “pô-ly”, giống như một trai làng bình thường của vùng Cai Lậy. Chuyến ấy tôi đi rất trót lọt, nhưng ra tới cù lao Ngũ Hiệp, vào buổi tối ở đây đã xảy ra trận tao ngộ chiến giữa một nhóm du kích và quân biệt kích Sài Gòn. Ba chiến sĩ du kích đã hy sinh trên một cồn (đảo) có 6000 dân và tương đối yên bình cho đến lúc ấy, là một sự kiện lớn. Tôi đã vô tình chứng kiến sự kiện đau buồn này, và sau đó viết được bài thơ “Đêm trên cồn”. Đây có lẽ là một trong những bài thơ đậm không khí chiến tranh trực tiếp nhất của tôi. Dĩ nhiên, tôi lang thang qua chiến tranh, nhưng không hề là người vô cảm. Thậm chí, với vị trí đặc biệt này, tôi còn nhiều cảm xúc hơn là nếu tự mình tham gia vào cuộc chiến như một người lính thực thụ.
Đến những bài báo không nhuận bút
Bây giờ, mỗi khi nhận nhuận bút từ những bài báo của mình, tôi lại nhớ, có thời gian tới 5 - 6 năm trong chiến tranh, nghĩa là trước khi tôi đi chiến trường 1 năm (tôi ở chiến trường Nam Bộ 5 năm), tất cả những bài báo của tôi viết cho đài phát thanh, dù là đài Tiếng nói Việt Nam hay đài Giải Phóng đều không nhận được một đồng nhuận bút nào. Tất cả những phóng viên biên tập viên làm việc cùng tôi đều như thế, chứ không phải riêng tôi. Bấy giờ hình chưa có chế độ nhuận bút hay sao ấy, và tôi hoàn toàn không một chút thắc mắc gì khi mỗi tháng viết đều đặn từ 5 tới 7 bài báo được phát trên cả hai đài, nhưng cũng đều là “đóng góp, phục vụ” cả thôi. Bây giờ thì không thể có chuyện đó, nhưng hồi xưa thì có. Thực ra, nếu không quá cứng nhắc, thì vẫn có thể trả một mức nhuận bút “tượng trưng” nào đó cho nhà báo ở chiến trường, để khuyên khích họ hăng hái làm việc. Vì tôi biết, ngay tại cơ quan tôi, không phải biên tập viên nào cũng hăng hái làm việc để có mỗi tháng dăm bảy bài như tôi. Còn nhớ, người viết nhiều nhất và thi đua số lượng bài vở với tôi nhất là nhà báo Hoàng Liên, người khá thân thiết với tôi. Anh Hoàng Liên vốn là đại úy hải quân trong quân đội Sài Gòn, nhưng là nhà báo nhà văn tự do tiến bộ, sau đó anh chính thức thành cơ sở của cách mạng trong lòng quân đội Sài Gòn. Anh Hoàng Liên đã lên chiến khu từ năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân. Khi mới lên chiến khu, anh được bố trí ở bên Mặt trận 2, sau lại ở Liên minh gì đó, rồi theo nguyện vọng cá nhân, anh được đưa về Ban Binh vận Trung ương Cục, làm biên tập ở Tiểu ban tuyên truyền (còn gọi là B6). Đầu năm 1971 tôi vào chiến trường, về B6 được ít lâu thì anh Hoàng Liên cũng về B6. Chúng tôi chơi với nhau từ đó. Vốn là người thường xuyên viết báo ở Sài Gòn, anh Hoàng Liên lại có nhiều tư liệu, nhiều trải nghiệm khi còn ở trong quân đội Sài Gòn, nên anh viết về đề tài Binh vận này rất thoải mái, viết rất nhanh mỗi bài báo. Tôi, dĩ nhiên không một ngày ở trong quân đội Sài Gòn, nhưng đã có một năm viết báo cho Cục Địch vận ở Hà Nội, nên tôi cũng đã quen với đề tài vốn vừa cách mặt vừa xa lòng này. Nhưng tôi viết lại hơi bị... hay, viết nhiều nhưng không nhạt, sau này mới biết, hóa ra, mình cũng có khiếu viết báo, nói như nhà văn Nam bộ Trang Thế Hy thân thiết với tôi, thì tôi là “thằng cha giỏi viết nhật trình”. “Nhật trình” là “báo ngày” nói theo ngôn ngữ bây giờ, nó cũng ẩn một cách nhìn nhận, đã là “nhật trình” là báo trong ngày, chỉ có giá trị thời sự, coi xong rồi... bỏ. Tôi rất hiểu điều này, nên sau chiến tranh, thủ trưởng ban Tuyên truyền Địch vận của tôi ở Hà Nội là anh Nguyễn Đình Tiên, tác giả của bộ sách “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn” đã mấy lần nói với tôi, là tôi nên tập hợp những bài báo của mình viết trong chiến tranh để in thành sách.
Lúc ấy anh Nguyễn Đình Tiên đang là Giám đốc NXB Quân đội nhân dân. Tôi nghe anh nói, chỉ cảm ơn và cười cười chứ không có ý kiến gì. Vì tôi nghĩ, đúng như nhà văn Trang Thế Hy đã nghĩ, ai lại in những “tác phẩm nhật trình” bao giờ ? Vì đời sống một bài báo là ngắn hạn, và nhà báo chấp nhận điều đó khi hành nghề. Tôi cũng vậy. Nhưng nếu không có những “bài báo ngắn hạn” mà được trả nhuận bút như thế nuôi mình và gia đình, thì làm sao có điều kiện để viết những “tác phẩm dài hơi” đây ? Giá trị của bài báo không phải ở nó sống bao lâu, mà nó sống như thế nào, nó giúp ích gì cho cuộc sống, cho xã hội. Còn trong chiến tranh, thì nó giúp ích gì cho đất nước?. Nghĩ như thế, thì dù nó “sống nay chết mai” tác giả của nó cũng an lòng. Bây giờ chỉ tiếc, phải chi trong chiến tranh người ta vẫn trả cho cánh nhà báo chiến trường chúng tôi một ít nhuận bút tượng trưng thôi để mua trà uống đặng thức đêm viết bài, thì có phải số lượng và cả chất lượng các bài báo được tăng lên không ?. Chắc chắn là như vậy. Người tình nguyện phục vụ thì không bao giờ tính tiền, nhưng vẫn nên được trả công, dù chút ít và bằng những cách nào đó. Nhất là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về vật chất như trong chiến tranh.
Thế hệ như nhà thơ Thanh Thảo đã sống, chiến đấu và cống hiến như vậy. Có lẽ “gia tài còn lại” duy nhất của ông sau 5 năm ở chiến trường Nam bộ chính là những trải nghiệm đặc biệt, những bài thơ “đặc biệt” và một tính cách rất đặc biệt hiếm gặp trong thi ca.
Đêm trên Cồn
Tiếng súng nổ chát tai ngoài ấp Tân Sơn Chúng tôi nghe đứng ngồi như lửa đốt Đó là giờ tụi ác ôn bung ra lùng sục Và các đồng chí mình về bám đất bám dân Cồn đất hình hột xoài lênh đênh trên sông Chở khẳm hơn sáu ngàn số phận Sóng lưỡi búa quằn trong đêm nước lớn Tàu giặc thả trôi lờ lững, chập chờn… Con tôm co mình dưới hũng rêu trơn Con đom đóm vặn nhỏ đèn, đi ngủ Đám lá về khuya hun hút gió… Còn những bóng xuồng len lỏi men sông Những mái chèo khuấy trầm, ngược nước Ngày mai cồn đất phải về đâu Trán người lái xuồng mồ hôi đổ hột Bót chợ giữa cồn chốc chốc bắn vu vơ Lũ ác đêm nay đứa nào ngủ được Cuộc vật lộn đang ở hồi gay gắt Nghe sông Tiền dồn dập thở trong đêm Hiện ngang trời những ngôi sao sáng quắc Soi lượn sóng như cánh tay trần cuồn cuộn xoắn lên Những đóm nhang trên bàn thờ không chớp Cháy đỏ mắt một niềm dò hỏi đêm sâu Ngày mai cồn đất phải về đâu ? Khuya ấy chúng tôi chở vô địa hình xác ba đồng chí Trong cuộc chạm súng đầu hôm ngã xuống ở mũi cồn Tưởng chưa đêm nào gió lồng ghê gớm thế Đám lá đã dạn dày cứ giật thắt từng cơn Thôi các anh nằm cho chúng tôi vuốt mắt Mình sẽ thức bên nhau tới lúc bật ánh ngày Sống cồn đất, chết chôn trên cồn đất Ôi làm sao bỏ được nơi này ! Làm sao bỏ hơn sáu ngàn số phận Với những rào gai nghẹn quấn thân người Làm sao bỏ những bãi bần sóng lấn Còn chập chờn bóng tàu giặc thả trôi Làm sao bỏ mẹ già kiếm mồ con thất thểu Ngồi tựa dưới gốc dừa gió xõa trắng màu tang Hốc mắt khô hai mươi năm cồn đất Lục bình trôi những kiếp sống lỡ làng Làm sao bỏ cháu ta vừa biết lật Tai đã phải nghe tanh tưởi những giọng cười Lũ “bình định” nhậu bên xác người chúng giết Bầy quạ đen kêu rợn tối ba mươi …Gà gáy canh tư Sắp tới giờ tụi chi khu nã pháo Cả chúng tôi không ai nói một lời Phút im lặng tụ giữa quầng mắt bão Thấy cồn đất rùng lên băng về hướng mặt trời 1973 |