Thị xã Bắc Ninh năm 1958- 1959 thật yên tĩnh. Người vào hợp tác xã, ăn gạo sổ và thực phẩm thì đều tem phiếu. Tôi quen Anh Vũ từ cái thuở mặc quần đùi chạy ra phố. Mê anh đến mức, tôi góp tiền mua từng thếp giấy men để anh viết từng chương hồi theo kiểu kiếm hiệp Lý Ngọc Hưng - những tác phẩm thịnh hành hồi đó. Mẹ mất sớm, hai anh em ở với bố. Nhà khó, anh ngồi dệt vải nhưng mắt không lúc nào rời những trang sách. Anh Vũ thích nhất là thơ Nguyễn Bính và Yến Lan. Cái man mác, dịu ngọt của giọng điệu quê mùa thấm vào anh- một cậu bé theo bố từ vùng quê Từ Sơn lên thị xã nhỏ bé, có lẽ hợp với với cách cảm của anh hơn cả… Và tôi cũng lây máu của anh. Sợ gì, tôi cũng làm thơ...
Bẵng đi một thời gian dài, tôi không gặp anh. Anh đi học trung cấp sư phạm mỹ thuật Hà Nội. Ra trường, anh được phân công dạy họa ở Trường sư phạm Hà Bắc, tôi thì học trung cấp vật tư Hà Tây. Thỉnh thoảng, Anh Vũ có viết thư cho tôi.
Những bài thơ đầu tiên: “Gửi Yên Thế”, “Gần nhau trong mùa hạ quê hương, dáng núi”... với sự non nớt, phập phồng câu chữ ban đầu được in trên tập san của Ty văn hóa Hà Bắc, phần lớn là nhờ Anh Vũ động viên tôi sáng tác. Chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng lan rộng ra miền Bắc. Cái thị xã vốn đã vắng vẻ lại càng đìu hiu hơn. Không một ánh lửa, người thị xã sơ tán về các vùng lân cận. Số nhà 50 - Nhà Chung - thị xã Bắc Ninh- nơi Anh Vũ ở là địa chỉ tin cậy của chúng tôi những năm tháng ấy. Đỗ Chu từ Hà Nội về, Trần Ninh Hồ từ Ty văn hóa xuống, Trần Anh Trang từ trường địa chất sang… Vui và hồ hởi khi gặp nhau. Mừng lắm khi “Phù sa”, “Trong những món ăn truyền lại”, “Tình biển cả”... được in và trao giải văn nghệ.
Tôi và Anh Vũ gần nhau hơn cả khi tỉnh Hà Bắc thành lập Ban trù bị Hội Văn Nghệ do Ngô Thực khởi xướng. Chúng tôi vừa là anh em , vừa là đồng nghiệp của nhau. Anh Vũ là Trưởng Ban biên tập của Tạp chí văn nghệ Kinh Bắc. Do sáng kiến của Phó chủ tịch Hội Ngô Thực đổi vôi lấy giấy nên Hội làm được khá nhiều việc. Sách của nhà văn Đỗ Chu, Nguyễn Phan Hách… ra được. Rồi lần lượt Anh Vũ, Duy Phi, Đỗ Nhật Minh và tôi cũng được “trình làng” những ấn phẩm đầu tiên của mình. Riêng với Anh Vũ, trước khi về Hội là lận đận hơn cả. Vượt lên gian khó đời thường, anh vẫn lặng lẽ viết, những trang tiểu thuyết “Ấp Suối Lửa” của Anh Vũ cứ dày lên dần và hàng trăm bài thơ ngồn ngộn chất sống mang đậm giọng điệu anh chẳng lẫn vào đâu được. Quả nhiên, trời không phụ công người. Anh Vũ được giải thơ Lâm nghiệp (giải A) do Bộ Lâm nghiệp và Hội Nhà văn tổ chức. Rồi chùm thơ “Rừng” được in ở tạp chí “Tác phẩm mới” được bạn đọc yêu thích, rồi trường ca “Quan họ ra nguồn”, “Đôi mươi quan họ”, “Gốc còn”, “Lòng chảo khác”... liên tiếp ra đời khẳng định một giọng điệu Anh Vũ chầm bập, thiết tha đậm phong vị Kinh Bắc tài hoa.
Nhà thơ Anh Vũ
Vườn tượng của nhà thơ - nhà điêu khắc Anh Vũ được hình thành tọa lạc trên một sườn đồi trung du sum suê hoa trái, cách đường cao tốc không xa, mấp mé sát địa giới thành phố Bắc Giang đang mở rộng. Gần như sự ước hẹn, cứ ngày nghỉ cuối tuần có dịp, tôi lại về đây. Về để thả hồn trong bóng trưa tĩnh lặng, để nguôi bớt những bận rộn thị thành. Về để ngắm nhìn dáng nhà thơ thấm đẫm bụi đất cát, bụi xi măng, thạch cao. Về để cảm nhận sáng tạo điêu khắc biến hóa trong những khối âm khối dương...
Chơi với Anh Vũ bao năm, tôi biết, với anh những động cựa của vần của chữ trên những trang sách mở chưa đủ. Còn phải là những khối những hình hiển hiện trong gỗ đá, nhôm, đồng và nhất là đất nung. Khuất nẻo đâu đó là tượng Chí Phèo - Thị Nở, mẹ Đốp, Thị Mầu… với nét cười tươi tắn của cách điệu dân gian. Góc vườn kia nhởn nhơ chú Cóc gốm sành qua ngàn độ lửa lên màu men da lươn ngửa mặt nhìn giời. Vòng tròn cá chép hóa long bay lên như một đài phun nước với lũ ếch, nhái, cá sấu, châu tuần. Bên tượng còn hừng hực ánh lửa chín, có tượng mốc mác rêu phong mưa nắng, hàng trăm pho tượng từ những chất liệu vô tri vô giác trở thành những hình hài sống động, qua bàn tay, khối óc sống động của nhà nghệ sỹ.
Mỗi ngày một tý, anh kiếm tìm từng cây lạ, từng phiến đá, từng cổ vật trôi nổi để làm phong phú cho khuôn viên. Ngoài những tác phẩm mỹ thuật của vợ, các con trai gái và bạn bè, nhà thơ Anh Vũ cũng từng ngày sáng tác tự làm giàu cho khoảng vườn tượng đã trở nên mỗi ngày mỗi chật.
Vườn tượng Anh Vũ không chỉ thanh khiết và nuôi dưỡng tâm hồn anh mà còn lan tỏa cùng những ai từng đến đây, chiêm ngưỡng và bầu bạn. Công trình xếp đặt nghệ thuật, theo tôi là một sáng tạo gắn kết với thiên nhiên trong một tổng thể cảnh quan khép - mở và buông lơi.
“ Xuân lan thu cúc, cảnh vật minh hy
Văn phủ thư thành, thanh phong
nguyệt bạch”
( Xuân lan thu cúc, cảnh vật sáng sủa
hy vọng
Chốn văn nhà sách, gió mát trăng trong)
Ấy là đôi câu đối cổ, chả hiểu chủ nhân vườn tượng sưu tập được ở đâu. Và cái nền sơn then đen mờ mờ kia tự dưng thành một dấu nhấn đắc địa chỗ Hiên Không cuối vườn tiếp bạn gần xa này. Ý nghĩa của từng nét chữ thếp vàng bạc cổ nhân gửi lại, hình như riêng cho vườn tượng là lũ tượng vườn lố nhố đó đây kia...
Anh Vũ sinh năm 1943, quê ở Trang Liệt, Đồng Quang (Từ Sơn, Bắc Ninh), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh Vũ có thơ in báo từ năm 1966. Ngoài làm thơ còn nặn tượng, vẽ tranh, viết truyện thiếu nhi, biên khảo... Tác phẩm chính đã xuất bản: “Miền quê Quan họ” ( thơ in chung 1983), “Quan họ ra nguồn” ( trường ca 1984), “Lục bát bâng quơ” ( thơ 1990). “Đôi mươi quan họ” (thơ 1986), “Gốc còn” (thơ 1997), “Đồng hành” (thơ in chung (2002), “Vệt chân chim” (thơ 2003), “Lòng chảo khác” (trường ca 2008), “Ba sáu và một” (thơ-2012), “Tình chợ tình” (thơ-2012), “Mặt trời trắng” (trường ca-2012)... Giải thưởng cuộc thi viết về rừng của Tổng cục Lâm nghiệp- và Hội Nhà văn năm 1970. Giải ba của Bộ Quốc Phòng ( 2009 ) với trường ca “Lòng chảo khác”. |