Đại tá Ngô Thanh Bình - Phó Cục trưởng C47 cho biết, thời gian vừa qua, tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng. Tính đến tháng 6/2021 đã có trên 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.600 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020, đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn và đáng lo ngại.
Đáng chú ý, số đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa (trên 50% là thanh, thiếu niên); nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: "Tình trạng sử dụng ma tuý có xu hướng gia tăng và trẻ hoá, chủ yếu là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Không ít bạn trẻ hiện nay còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp, coi nó đơn thuần chỉ là chất kích thích và sử dụng chúng như một trò chơi nên đã mắc nghiện và chịu hậu quả rất nặng nề về thể chất lẫn tinh thần."
Cũng theo đại tá Phú, suốt quá trình điều tra, đấu tranh phòng, chống ma tuý đã phát hiện rất nhiều trường hợp các em học sinh, sinh viên bị các đối tượng mua bán ma tuý dụ dỗ, lôi kéo, thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Chúng gây thiện cảm sau đó nhờ các em đến nhận các lô hàng, các gói hàng từ các công ty chuyển phát nhanh rồi nhờ mang đến các tụ điểm, các nhà chung cư, quán bar, vũ trường; thực chất chính là lợi dụng các em học sinh, sinh viên vận chuyển ma tuý. Đã có rất nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai bị lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự, nhân phẩm, đến quá trình phát triển tương lai của em.
Đây là một trong những vấn nạn mà các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo, các nhà trường nên cảnh báo, nhắc nhở các em, đặc biệt là đối với các mối quan hệ mới tiếp xúc qua mạng mà đã nhờ mang, vác, giúp hoặc vận chuyển những thứ từ nơi này đến nơi khác thì cần phải có một sự cân nhắc, kiểm tra kỹ lưỡng, để phòng tránh bị lợi dụng vận chuyển ma tuý trái phép. Khi nói về công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma tuý và tệ nạn ma tuý, Đại tá Chu Văn Phú cho rằng, cần có sự đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt phòng, chống ma túy trong học đường, trong thanh thiếu niên phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong đó, nhà trường được xem là pháo đài kiên cố và vững chắc ngăn ngừa ma túy tấn công các em học sinh. Và giáo viên, những cán bộ quản lý giáo dục không chỉ là người truyền đạt mà còn là người tổ chức hướng dẫn học sinh tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của các em, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống ma túy.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố tác động khiến pháo đài kiên cố này cũng có thể bị lung lay nếu công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy không đạt hiệu quả tốt; bên cạnh đó nguy cơ ma túy tấn công các em học sinh xuất phát từ chính các thầy cô giáo và nhà trường.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến vụ việc phó hiệu trưởng tổ chức "tiệc ma túy" tại trường xảy ra vào hồi tháng 9/2020 tại Bắc Kạn. Tại thời điểm ấy, Công an huyện Pác Nặm bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng, huyện Pác Nặm) cùng 3 người khác (trong đó có 1 người là giáo viên) đang sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại phòng làm việc lúc nửa đêm.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 7 cục nhựa thuốc phiện, 2 lọ đựng sái thuốc phiện, 1 bộ dụng cụ sử dụng thuốc phiện, 1 gậy điện, 4 điện thoại di động và 418.000đ. Qua xét nghiệm, cả 4 người đều có kết quả dương tính với ma túy.
Sự việc xảy ra đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài, những người có mặt trong buổi "tiệc ma túy" đó chịu sự chỉ trích nặng nề từ phía công chúng. Chẳng ai có thể nghĩ rằng, ngay tại nơi "sạch sẽ" như trường học lại xảy ra chuyện động trời như thế, hơn thế nữa người chủ trì và cũng là người trực tiếp tham gia sử dụng ma túy lại chính là giáo viên.
Đáng lẽ ra, giáo viên phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong nhà trường để các em học sinh noi theo và học tập. Nhưng trong trường hợp này, mọi thứ dường như đã bị đảo ngược, giáo viên trở thành người sử dụng ma túy, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật nghiêm trọng.
Liên tiếp những câu hỏi, những nghi vấn được đặt ra: Trước khi bị phát hiện, họ đã sử dụng ma túy tại trường học bao nhiêu lần? Ngoài những người đã bị phát hiện và bắt giữ, liệu còn ai khác trong nhà trường cũng đang tàng trữ và sử dụng ma túy hay không? Tại một trường học có giáo viên sử dụng ma túy như thế, hơn hết lại còn là lãnh đạo thì làm sao có thể yên tâm để con/em mình học tập tại đây được? Để một người giáo viên như vậy giảng dạy thì tương lai con/em mình sẽ đi về đâu?...
Những câu hỏi không có lời hồi đáp, tất cả đều là nỗi lo sợ và hoang mang của dư luận. Dù với bất kể lý do gì đi chăng nữa, thì chắc chắn một điều rằng người chịu thiệt thòi nhất và ảnh hưởng nhất vẫn là các em học sinh.
Từ vụ việc trên có thể thấy, muốn bảo vệ các em học sinh trước hiểm họa ma túy thì trước hết bản thân những người giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục phải tự bảo vệ được chính mình. Nói cách khác, giáo viên phải có hiểu biết đầy đủ và chính xác về các loại ma túy, tác hại mà nó gây ra; đồng thời phải có những kỹ năng hướng dẫn và hỗ trợ các em học sinh xử lý tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy. Chỉ khi đó, giáo viên và các cán bộ quản lý mới thực sự là "chuyên gia" và nhận được sự tin tưởng từ phía phụ huynh, học sinh; đủ khả năng để cùng cộng đồng ngăn đẩy lùi tệ nạn ma túy và ngăn chặn "cái chết trắng".
Để nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy cho cộng đồng, trong đó có giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã biên soạn, xuất bản và phát hành Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" dành cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Về cơ bản, bộ tài liệu đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công trước hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và quản lý giáo dục. Với cấp độ tăng dần về kiến thức, thông tin, bộ tài liệu được đánh giá như một bộ công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng giúp bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma túy.