Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) - nơi giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 đã yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh 50 cái vì học sinh này nói chuyện. Ảnh: Internet
Ai nghĩ ra hình phạt cho cả lớp tát một học sinh?
Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra bởi vì tôi khẳng định: Việc giáo viên áp dụng hình phạt cho cả lớp tát một học sinh mắc lỗi đã từng diễn ra trước khi cô giáo Thủy ở Quảng Bình cho 23 học sinh tát 230 cái vào má một học sinh có lỗi khiến em phải đi viện. Một bạn học phổ thông với tôi, làm cô giáo dạy Văn hơn 40 năm ở tỉnh Nghệ An xác nhận: Cách đây mấy năm, ở một trường THCS tại huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra điều đó nhưng thông tin không lọt ra ngoài.
Và đến thời điểm này, báo chí và mạng xã hội lại rùm beng việc một phụ huynh ở Hà Nội đã tố cáo giáo viên cũng cho học sinh tát con mình. Chuyện này xảy ra ở Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, TP.Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 của trường đã yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh 50 cái vì học sinh này nói chuyện. Sau khi đã tát 20 cái thì giáo viên yêu cầu học sinh dừng lại. Học sinh này sau đó đã phải tạm nghỉ học vì một bên mặt bị sưng và tâm lý sợ hãi. Cũng theo thông tin từ phụ huynh, sau khi vị này báo sự việc lên giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường thì đã nhận được lời đề nghị không công khai sự việc tới báo chí mà chỉ xử lý nội bộ. Nhưng vụ việc đã vỡ lở, cô giáo cho học sinh tát bạn đã bị tạm thời đình chỉ công việc.
Nhân sự kiện này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, ở Hà Nội cũng từng xảy ra việc tương tự ở Thường Tín, cô giáo cũng phạt học sinh theo cách như vậy.
Thế là không có gì để nghi ngờ việc đã có một ai đó trong ngành giáo dục đã nghĩ ra hình phạt cho học sinh tát bạn khi bạn có lỗi. Và bằng cách nào đó, hình phạt này được lan truyền ra nhiều nơi nên mới xảy ra chuyện học sinh bị bạn tát ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội.
Ai cũng khẳng định loại hình phạt này không có trong bất kỳ giáo trình sư phạm nào. Vậy mà nó đã diễn ra ở nhiều nơi. Chắc chắn đã có người nghĩ ra nó và lưu truyền không chính thức trong các trường học.
Cần xem lại nguyên tắc sư phạm của một số giáo viên
Tôi có cảm giác một bộ phận giáo viên có một số nguyên tắc sư phạm sai lầm. Biểu hiện rõ nhất của việc này là nhiều giáo viên thường dọa nạt học sinh; cùng với sự dọa nạt là áp dụng một số biện pháp trừng phạt, trong đó có trừng phạt bằng bạo lực.
Đã từ lâu, nhiều người biết rằng, sợ hãi là cảm xúc mạnh mẽ nhất, nhạy cảm nhất, quan trọng nhất của con người. Chính vì vậy, để quản lý và điều khiển con người, nhiều cơ quan chức năng khai thác triệt để cảm xúc sợ hãi. Về nguyên tắc, bố mẹ và thầy cô giáo không được khai thác cảm xúc sợ hãi trong giáo dục. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã lạm dụng cảm xúc sợ hãi trong việc nuôi dạy con cái. Điều này thường diễn ra trong phạm vi gia đình nên ít được dư luận xã hội quan tâm.
Nhưng đáng buồn và đáng lo thay! Có một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã lạm dụng cảm xúc sợ hãi của học sinh trong công việc của mình. Tôi nói điều này trên cơ sở quan sát và trao đổi với một tiến sĩ tâm lý học.
Trước hết, chúng ta thấy rõ một số giáo viên rất hay sử dụng hình thức dọa nạt. Học sinh ở trường không ngoan, giáo viên dọa báo với bố mẹ; học sinh không chú ý nghe giảng, dọa cho điểm kém; học sinh bướng bỉnh có cá tính, dọa hạ điểm hạnh kiểm. Có giáo viên còn đi xa hơn: Dọa học sinh không ngoan, không học chăm, học giỏi bị bố mẹ không cho vào nhà.
Cô học trò lớp Một con của tiến sĩ tâm lý đi học về thường kể những gì xảy ra ở lớp. Cô bé này cho biết ở lớp cô giáo luôn luôn giữ bên mình một cái thước và dọa vụt vào tay, vào chân những học sinh mất trật tự, không nghe lời cô, nói chuyện riêng trong lớp. Cô bé này bị cô giáo liệt vào loại học trò hư và dọa là có thể bố mẹ không cho vào nhà. Chính vì thế cô bé thỏ thẻ hỏi mẹ: “Con hư, mẹ vẫn yêu đúng không?”. Mẹ bé trả lời: “Con hư mẹ vẫn yêu nhưng nếu con ngoan thì tốt hơn, mẹ yêu nhiều hơn”.
Nếu chúng ta chịu khó nghe con trẻ nói, chúng ta có thể nhận ra một bộ phận giáo viên đã sử dụng không đúng một số nguyên tắc sư phạm, cụ thể ở đây là lạm dụng cảm xúc sợ hãi của học sinh. Để sự lạm dụng này phát huy tác dụng, thỉnh thoảng người ta dùng đến bạo lực.
Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh Phạm Thị Lệ Anh và phiếu khảo sát học sinh. Ảnh: Internet
Cần trả lại không khí thân thiện, nồng ấm cho nhà trường
Trong bất cứ hình thức giáo dục nào cũng đều có những hình thức trừng phạt những người mắc lỗi. Tuy nhiên, trong hầu hết các nền giáo dục hiện nay trên thế giới đều cấm hình phạt bạo lực, nghĩa là cấm động chạm đến thân thể học trò.
Nhân đây, xin được nhắc lại phương pháp “Bùng nổ sư phạm” của Macarenco – Nhà sư phạm nổi tiếng của Liên Xô ngày xưa. Bùng nổ sư phạm là nghệ thuật giáo dục tác động vào đối tượng có vấn đề đặc biệt tốt hoặc chưa tốt; về bản chất đó là tác động tay đôi nhưng sử dụng với cường độ tác động mạnh, bất ngờ vào quá trình hưng phấn hoặc ức chế của hoạt động sinh lí thần kinh dẫn tới thay đổi của quá trình tâm lí, các trạng thái, thế giới quan, lý tưởng… và hành vi của cá nhân.
Như vậy, phương pháp “Bùng nổ sư phạm” phải do giáo viên trực tiếp thực hiện trên cơ sở hiểu rõ hoàn cảnh, cá tính của học sinh. Điều quan trong nhất để thực hiện thành công phương pháp “Bùng nổ sư phạm” là giáo viên phải thực sự yêu thương, thực sự mong muốn học sinh của mình trở nên tốt đẹp.
Về mặt lý luận, nền giáo dục Việt Nam không đến nỗi lạc hậu. Hiện chúng ta đang thực hiện phong trào “Xây dựng Trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Đã có hẳn Chỉ thị số 40/CT-BGD ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát động phong trào thi đua thực hiện mục tiêu này. Vấn đề của chúng ta là ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng “Nói một đường, làm một nẻo”. Làm sao chúng ta có thể xây dựng được trường học thân thiện khi một bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn dọa nạt học sinh và mượn tay chính học sinh để trừng phạt học sinh bằng bạo lực?
Để thực hiện được những mục tiêu sư phạm đề ra, trước hết phải trả lại không khí thân thiện, nồng ấm cho nhà trường. Điều này chỉ có thể có được khi giáo viên thực sự yêu nghề, yêu quý học trò.
Trường học phải là nơi học sinh cảm thấy vui vẻ, an toàn khi đi học. Ảnh minh họa (Internet)
Vẫn còn đó những cái “tát” khác
Theo dõi cách giải quyết vụ việc ở nơi xảy ra chuyện học sinh tát học sinh, vẫn thấy sự đối phó và lẩn tránh trách nhiệm nổi lên. Đây có thể được xem là những cái “tát” khác trong giáo dục.
Vụ ở Quảng Bình thì cô giáo Thủy đã nhận sai, đã xin lỗi gia đình và học sinh bị tát. Thế nhưng nhà trường mà đứng đầu là cô hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh lại không có tinh thần cầu thị như thế. Đầu tiên cô mong muốn là báo chí không nói về vấn đề này nữa vì ảnh hưởng đến nhà trường. Đến nước này rồi mà hiệu trưởng vẫn chỉ nghĩ đến thành tích của nhà trường chứ không lo lắng gì tới việc những nguyên tắc sư phạm bị hủy hoại.
Đi xa hơn, cô hiệu trưởng còn bắt tất cả 23 học sinh của lớp trả lời 19 câu hỏi về việc một học sinh bị tát diễn ra thế nào. Điều này khiến Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phải công nhận rằng, việc cô hiệu trưởng tại ngôi trường xảy ra vụ học sinh bị tát 231 cái lấy phiếu khảo sát học sinh là phản giáo dục, yếu năng lực.
Cứ tưởng lãnh đạo đã tỏ thái độ như vậy thì nhà trường và giáo viên sẽ trung thực và chân thành hơn trong việc đánh giá hành động của mình và nhận trách nhiệm. Nhưng không, người ta vẫn tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Trao đổi với báo chí chiều ngày 5/12/2018, ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng GDĐT quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay: Theo như tường trình của cô giáo thì cô không chủ đích yêu cầu học sinh tát bạn mà xuất phát từ câu nói bâng quơ.
Ơ hay, là cô giáo mà lại nói bâng quơ trong lớp học thì hiểu làm sao đây? Mà ông Trưởng phòng giáo dục quận cũng “bâng quơ” tin vào tường trình của cô giáo hay sao? Dư luận có vẻ “nản” vì nhà trường và cơ quan chức năng trong ngành giáo dục phản ứng kiểu này. Đây đúng là những cái “tát” khác – những cái tát không phải vào má học sinh, mà tát vào nhà trường và ngành giáo dục.
Đàm Trọng
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE