Trước đó, ngày 18/9, nhận thấy sức khoẻ của nhạc sĩ Phó Đức Phương chuyển biến yếu, gia đình đã nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện. Đến sáng ngày 19/9, ông trút hơi thở cuối cùng.
Ngày 10/7 vừa qua, các nghệ sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Phương Anh… còn vinh danh ông trong “Đêm nhạc Phó Đức Phương - Khúc hát phiêu ly” tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Tân Tiến, nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên. Ông từng nhận được 1 đề cử tại giải Cống hiến và giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội trước khi về hưu.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương từng đỗ khoa Toán trường đại học Sư phạm. Ba năm sau ông thôi học và trở thành nông trường viên ở tỉnh Hòa Bình. Giữa năm 1966, nhạc sỹ quay lại trường học và thi đỗ vào trường Âm nhạc Việt Nam. Trong thời gian này, ông sáng tác bài hát “Những cô gái quan họ.”
Thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ, nhạc sỹ Phó Đức Phương có đam mê với hội họa, thơ ca, lịch sử và thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng, những “con chim đầu đàn” thời ấy.
Ông luôn đưa vào các tác phẩm của mình sự tìm tòi, khai thác tinh hoa trong âm nhạc dân gian các vùng miền. Cũng nhờ thế mà các tác phẩm của ông đều mang màu trữ tình hòa với âm hưởng dân ca, được yêu thích bởi thính giả nhiều thế hệ, nhiều độ tuổi.
Các sáng tác nổi tiếng của ông gồm: "Những cô gái quan họ," "Hồ trên núi," "Huyền thoại Hồ núi Cốc," "Trên đỉnh Phù Vân," "Một thoáng Tây Hồ," "Mộng mị Sapa," "Biển mũi," "Chảy đi sông ơi"... Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim: "Những đứa con," "Trăng rằm," "Lưu lạc," "Giông tố"... và nhạc cho nhiều vở sân khấu như: "Hồn Trương Ba da hàng thịt," "Nguồn sáng trong đời," "Tôi và chúng ta," "Nghêu sò ốc hến," "Thầy khoá làng tôi," "Rừng trúc"...