Những năm đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, trên khắp các nẻo đường, khắp các sân trường đại học, các nhà máy, xưởng thợ, khu chợ, bến tàu… Sài Gòn thường xuyên nổ ra những cuộc bãi khóa, đình công, bãi thị, hội thảo, xuống đường tranh đấu đòi quyền dân sinh, dân chủ của HSSV, thợ thuyền, tiểu thương... Đặc biệt là lời ca tiếng hát của HSSV luôn vang lên trong những “đêm không ngủ”, “đêm đốt lửa căm thù” đòi trả tự do cho những người bạn bị bắt.
Tất cả những cuộc tranh đấu với khí thế sục sôi ấy, đã thúc giục trái tim chàng SV Đại học Văn khoa Sài Gòn – Đoàn Công Nhân vốn có năng khiếu âm nhạc cất lên tiếng hát, với những ca khúc tự anh sáng tác tràn đầy âm hưởng tranh đấu và tình yêu quê hương, đất nước: “Người mẹ Bàn Cờ” (thơ Nguyễn Kim Ngân”; “Hoa lục bình” (thơ Đam San); “Trên đường tranh đấu”; “Hành khúc thành phố”; “Người hát cho phận mình”…Cứ như thế ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác anh lao vào sáng tác và hát cho phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”, với tất cả niềm đam mê và sự dấn thân đầy hào hứng, bất chấp mọi gian nguy.
Anh hăng say tham gia không biết bao nhiêu buổi hát. Hát cho các phân khoa đại học, các trường trung học, hát cho công nhân các nhà máy, hát cho trí thức, hát cho dân biểu hạ viện, hát cho binh sĩ ngụy quyền, “hát cho người cảnh sát anh em”, hát cho sinh viên thế giới và hát cả cho sinh viên Mỹ sang Việt Nam biểu tình đốt thẻ trưng binh không đi lính cho Mỹ…Anh hát ở bất cứ đâu từ sân trường, giảng đường, sân chùa, góc chợ đến ở thềm hạ viện, trại trẻ mồ côi và ở ngay giữa làn khói đạn trong các cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu…
Ngày 17/4/1972, một ngày anh khắc ghi mãi trong tim không bao giờ quên, đó là ngày anh từ giã Sài Gòn, từ giã những đêm trắng “hát cho đồng bào tôi nghe” để đi vào vùng giải phóng, theo tiếng gọi riêng tư và thầm kín nhất của cuộc đời mình. Anh bộc bạch: “Muốn đi thì phải chọn, nhưng chọn rồi thì phải đi. Hồi ấy thanh niên Sài Gòn chỉ có 4 con đường để chọn lựa: Một là tự tử, hai là đi tu, ba là đi lính và bốn là theo cách mạng. Tôi đã chọn con đường thứ tư, đó vừa là lý tưởng cũng vừa là con đường duy nhất, không có con đường nào khác. Có người thì có con đường thứ 5, tức là trốn lính, nhưng đó là kiểu chơi may rủi, tôi không chơi…”. Lên chiến khu anh nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng đội, đồng nghiệp.
Nhưng anh thú thực đó là những năm tháng vô cùng quý giá đối với anh. Bởi chính tại chốn rừng xanh núi thẳm ấy, anh mới có cơ hội nghiên cứu, học hỏi thêm về kiến thức âm nhạc, phương pháp sáng tác, về dân ca, triết học, chính trị học…Ở đây anh đã được làm quen, được đắm mình trong những giai điệu, tiết tấu, ca từ vừa lãng mạn vừa hào hùng của những ca khúc viết về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ca khúc của các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Phó Đức Phương, Phạm Minh Tuấn…đã có những ảnh hưởng tác động rất sâu sắc đối với những sáng tác của anh sau này.
Ở đây anh được gặp gỡ và được các bạc đàn anh, những người thầy như: Lưu Hữu Phước, Ngô Y Linh, Ngô Đông Hải, Lư Nhất Vũ… nhiệt tình diù dắt, truyền nghề. Anh nói, những năm tháng trong chiến khu vùng giải phóng qủa là khoảng thời gian vàng ngọc, ở đó đã ghi dấu nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc đối với anh. Công lao hướng dẫn, giúp đỡ của các anh, các thầy đối với anh là vô cùng quan trọng và quý báu. Đó chính là tiền đề, động lực lớn lao cho những sáng tác của anh hôm nay và mai sau.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn tự nhận mình suốt đời là người "hát rong" và cho đó chính là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất
Tháng 4/1974 anh được chọn ra Bắc để theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Đây thực sự là một bước ngoặt lớn trên bước đường dấn thân vào sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Anh được học những kiến thức âm nhạc một cách cơ bản, có hệ thống từ sáng tác, hòa âm, piano đến phân tích tác phẩm và lịch sử âm nhạc…Nhưng chỉ mới học được 1 năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nên ngày 11/5/1975 anh trở về Sài Gòn với tư cách là một cán bộ văn nghệ của Thành đoàn; sau đó về đầu quân ở Bộ Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Bộ trưởng.
Công việc những ngày đầu giải phóng thật bề bộn ngổn ngang, nhiều lúc anh phải làm cả việc đi tiếp quản và giữ gìn nhà cửa, nhưng anh và các đồng nghiệp của mình vẫn chia nhau đi đến các giảng đường, nhà máy để nói chuyện về văn nghệ, âm nhạc cách mạng cho HS, SV, cho giáo chức, công nhân và cả văn nghệ sĩ Sài Gòn nghe. Với những kiến thức mới học được ở Nhạc viện Hà Nội, trước thực tiễn sinh động của Sài Gòn mới giải phóng cùng những tình cảm đã tích lũy được trong phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”, anh đã liên tục sáng tác những ca khúc mới, với một tâm trạng đầy phấn chấn, tự hào về thành phố anh yêu: “Sài Gòn ta từ một sớm ba mươi”; “Một sớm mai hồng”…
Cuối năm 1975, ngành Ân nhạc Giải phóng tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài thống nhất đất nước, anh tham gia ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông”, sau đó được giải A. “Tình đất đỏ miền Đông” ngay lập tức được đông đảo người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt trên cả nước, đánh dấu một sự thành công mới trong cuộc đời sáng tác của Trần Long Ẩn.
Sau “Tình đất đỏ miền Đông” anh có hàng loạt những ca khúc vừa da diết tình cảm, vừa phảng phất tính triết học và tính nhân văn sâu sắc, nhưng để lại dấu ấn bền lâu trong lòng người yêu nhạc phải kể đến: “Một đời người, một rừng cây”; “Đi qua vùng cỏ non”; “Mừng tuổi mẹ”, “Xin làm người hát rong”, “Cây hai ngàn lá” (phỏng thơ Pờ Sảo Mìn”…Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn mỗi ca khúc dường như đều gắn với một câu chuyện về những phận người và là những thông điệp đầy lạc quan tốt đẹp về con người. Anh xúc động kể:“Vừa hoàn thành xong ca khúc “Mừng tuổi mẹ” thì cũng là lúc anh nhận được tin mẹ mất. Lạy trời, bà đã nghe được tình yêu của tôi dành cho bà khi về bên kia thế giới”. “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”.
Những lời tri ân thiết tha là chất kết dính đã gắn bài hát “Mừng tuổi mẹ” với dịp lễ Vu lan hàng năm. Có yêu thương, có tiếc nuối, nhưng trong ca khúc của anh không chứa đựng một nỗi đau bi lụy, bởi anh vẫn dựa vào niềm tin như huyền thoại: “Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ”. Càng về những năm gần đây âm nhạc của Trần Long Ẩn càng khắc khoải về thân phận con người. Anh lý giải rằng, lòng nhân đạo trong triết học cao thâm ấy thực ra là gì, nếu không phải tình người, là nỗi nhớ người thân, nhớ vợ, con, nhớ mảnh đất nơi mình được sinh ra và lớn lên. Bởi thế, anh tự nhận cả đời không làm gì ngoài “hát rong”, tự nguyện “làm người hát rong để cho tình yêu lên tiếng”, để cuộc sống luôn đầy ắp tình người. Với anh, được sống, được sáng tác, được hát tặng cho bạn bè, người thân, quê hương, đất nước là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất. //.