Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhận biết dấu hiệu đột qụy ở trẻ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não ở trẻ, tuy số lượng không nhiều vì đây được coi là bệnh lý ít gặp, nhưng thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị đột quỵ.

Cha mẹ không được chủ quan với dấu hiệu đau đầu ở trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ không được chủ quan với dấu hiệu đau đầu ở trẻ. Ảnh minh họa.

Nhiều người thường nghĩ, đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn, nhưng trên thực tế, trẻ em vẫn có thể mắc căn bệnh này. Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ, tuy số lượng không nhiều vì đây được coi là bệnh lý ít gặp, nhưng thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị đột quỵ. Cha mẹ nên cảnh giác để đưa con đến viện sớm, kịp "giờ vàng" cứu chữa.

Nhận biết dấu hiệu đột qụy ở trẻ

Theo bác sĩ, đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh vì trẻ em không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc. Đây cũng không phải là bệnh phổ biến hay gặp ở trẻ em. Các bé được đưa đến cấp cứu và chẩn đoán đột quỵ thông thường từ 9-12 tuổi và có bé chưa đầy 1 tuổi, phần lớn bị hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu dị dạng, dị dạng bẩm sinh mạch máu não, một số trường hợp do các bệnh tim bẩm sinh hay các rối loạn đông cầm máu. Điều này kéo theo việc chẩn đoán bệnh chậm trễ, quá “giờ vàng” để can thiệp cứu sống các bé.

Khi thấy con đau đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ, không linh hoạt như thường ngày, co giật, yếu tay chân một bên… có thể báo hiệu cơn đột quỵ sắp xảy ra, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa nhi để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.

Vì vậy, đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngày càng trẻ hoá và để lại nhiều di chứng nặng nề. Trong đó, phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động, ăn uống…

Cũng theo các bác sĩ, rất khó phòng ngừa. Nếu đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống thì đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não.

Thời gian “vàng” cấp cứu bệnh nhi đột quỵ là trong khoảng 4 - 5 giờ, có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết, nếu trong khoảng từ 6 - 24 giờ vẫn có thể xem xét để thực hiện can thiệp lấy huyết khối đối với những bệnh nhân nhồi máu. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị chính xác đột quỵ não, đồng thời phục hồi chức năng sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kiểm soát và hạn chế tối đa các biến chứng.