Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù hiện nay, kết quả điều trị ung thư đã được cải thiện rõ rệt, trong đó nhiều loại ung thư có tỉ lệ khỏi cao, bệnh nhân sống khỏe mạnh, phát triển bình thường. Tuy nhiên, theo thống kê thì có hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện K, chị Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) đang chăm sóc con gái chia sẻ, con gái chị đang học lớp 5 và có thể trạng khỏe mạnh. Trước đó, thỉnh thoảng cháu cũng xuất hiện các cơn đau bụng rồi tự khỏi. Nghĩ con hay ăn vặt, bị rối loạn đường ruột nên chị cho cháu uống men tiêu hóa. Hơn một tháng trước, các cơn đau bụng của cháu xuất hiện nhiều hơn nên chị đã cho con đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám và chụp CT, bác sĩ chuẩn đoán con bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu nên phải chuyển sang Bệnh viện K để tiến hành các bước điều trị chuyên sâu.
Còn bé M.K (10 tuổi) ở Bắc Giang đang điều trị tại Bệnh viện K vì bị ung thư xương. Chị Ngô Thu Hương, mẹ cháu tâm sự: “Đầu tháng 7, sau khoá học trại hè ở rừng Cúc Phương về, bé nhà chị thỉnh thoảng kêu đau chân. Nghĩ con lấy cớ để trốn việc nhà nên cũng có lần bị bố mắng. Đến khi đầu gối của bé sưng to và tấy đỏ, chị mới cho con đến các bệnh viện tuyến trên để khám. Sau khi chọc dịch khớp và chụp Xquang, bác sĩ cho biết cháu bị ung thư xương và có dấu hiệu di căn.
Một trường hợp khác là bé T.V.T. (13 tuổi) ở Thái Nguyên, được chẩn đoán ung thư máu giai đoạn cuối. Anh Chung, bố cháu T. cho biết, từ nhỏ con đã có đam mê tập các môn võ cổ truyền. Thỉnh thoảng, thấy trên người con có những vết bầm tím, đôi khi chảy máu chân răng thì lại nghĩ là do va chạm trong tập luyện nên cũng chỉ nhắc con tập vừa sức và dùng thuốc ngâm để xoa bóp các vết bầm tím. Đến khi con có hiện tượng chảy máu cam liên tục và mệt nhiều, gia đình mới đưa đi khám và phát hiện con mắc ung thư máu.
Ngoài việc phát hiện chậm, nhiều trường hợp khi phát hiện con bị ung thư, cha mẹ đã cho con về nhà điều trị thuốc lá, thuốc dân gian… dẫn đến bệnh nặng hơn và gây nhiều khó khăn trong điều trị.
Là người có nhiều năm gắn bó, dành tâm huyết với bệnh nhi ung thư, TS, BS Bùi Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Thống kê trên thế giới cho hay, ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 280.000 người dưới 19 tuổi bị ung thư. Ở Việt Nam con số này là khoảng 2.500 bệnh nhi và có dấu hiệu gia tăng. “Trước đây, một năm trung tâm tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân mới, nhưng những năm gần đây có đến 500-600 bệnh nhân mới/năm, trong đó có nhiều bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi”, BS Lan cho hay.
Các dấu hiệu nhận biết
Các nghiên cứu cho thấy, ung thư trẻ em khác biệt hoàn toàn với ung thư người lớn. Cùng một bệnh nhưng trẻ lại có nhiều triệu chứng và biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu chung cho thấy trẻ có thể đang mắc ung thư mà cha mẹ cần lưu ý.
- Xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, nhức xương toàn thân.
- Khối u hoặc hạch to, không đau, không sốt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác.
- Sụt cân không rõ lý do, hay ho, sốt dai dẳng hoặc khó thở, ra mồ hôi trộm vào ban đêm.
- Có những thay đổi về mắt - đồng tử có màu trắng, lác mắt, mất thị giác, bầm tím da hoặc sưng quanh mắt.
- Chướng bụng.
- Đau đầu, đặc biệt nếu đau dai dẳng bất thường hoặc đau dữ dội, nôn (nhất là lúc sáng sớm hay ngày càng tiến triển nặng hơn).
- Đau nhức xương hoặc tứ chi, sưng không phải do chấn thương hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.
Các bác sĩ cho biết, nếu phát hiện con có một trong những dấu hiệu trên trong vài ngày hoặc vài tuần, cần phải cho đi khám để phát hiện các triệu chứng của bệnh.
Ung thư không đồng nghĩa với tử vong
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức chương trình "Con thuyền ước mơ" nhân dịp hưởng ứng tháng nhận thức về ung thư trẻ em. Chương trình truyền đi thông điệp “đừng bỏ cuộc, vì thực tế cho thấy 80% bệnh nhi ung thư tại các nước phát triển được chữa khỏi” góp phần mang đến tinh thần lạc quan và niềm hy vọng cho các bệnh nhi bị ung thư và những gia đình có người đang điều trị bệnh ung thư.
Nhiều em sau khi khỏi bệnh đã trở thành những tình nguyện viên, tham gia các hoạt động cùng các nhóm từ thiện hỗ trợ người bệnh ung thư. “Em rất mong người mắc bệnh cũng như tất cả mọi người hiểu, ung thư không phải là hết. Tuân thủ đầy đủ điều trị, giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ là rất quan trọng…” - một bạn gái chia sẻ tại Chương trình.
Có thể thấy, nhờ sự tiến bộ về khoa học, nhiều bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng.
“Để phát hiện bệnh ung thư ở trẻ sớm, người nhà phải cho các bé khám định kỳ thường xuyên. Nếu nghi ngờ con bị bệnh, phụ huynh cần đưa con đi làm các xét nghiệm máu, siêu âm để phát hiện các khối u kịp thời, khi bệnh chưa chuyển sang di căn thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều” - TS. BS Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.