Nhận định về đề thi môn Ngữ văn chuyên đại học Sư phạm năm 2021, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi Ngữ văn của trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm năm 2021 có cấu trúc và hình thức quen thuộc, hoàn chỉnh với hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Câu 1: Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận về lời cảnh báo: Một trong nhưng nét nổi bật của xã hội hiện đại, đó là sự cập nhật, phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ nói chung và của mạng xã hội, internet nói riêng. Con người bị cuốn vào vòng xoáy đó, họ chạy theo tốc độ, quá chú trọng đến hình thức bề ngoài mà bớt đầu tư vào các khía cạnh nhận thức.
Bởi vậy, mặt trái của xã hội hiện đại là chúng ta đang hững hờ với đời sống tinh thần, tình cảm của những người xung quanh ta. Không những vậy, không đầu tư vào việc khám phá tâm trí con người thì nhận thức, suy nghĩ, khả năng phán quyết, ngôn ngữ, trí nhớ… của con người có thể bị ảnh hưởng. Từ lời cảnh báo, chúng ta cần phải đề phòng, lường trước mặt trái của việc đắm chìm trong việc sản xuất, sử dụng máy tính, công nghệ mà trở thành vô cảm, lạnh lùng, hãm hại mình, mọi người trong xã hội. Khái niện "hạ cấp" được đưa ra như một lời khẳng định, xã hội hiện đại, nhưng nếu không cẩn thận con người sẽ kéo lùi bản thân về quá khứ, sẽ tàn phá thế giới.
Đây là vấn đề khó, sẽ thực sự khơi gợi được cảm hứng của học sinh khi viết, giúp các em tự tin bày tỏ cái tôi cá nhân. Tuy nhiên để có thể làm tốt bài này, học sinh sẽ phải nêu ra được ý kiến trái chiều, phải biết lập luận để thể hiện rõ quan điểm mọi sự tồn tại trong xã hội đều có mặt lợi và mặt hại, vấn đề nằm ở khả năng tự điều chỉnh của mỗi cá nhân mà thôi.
Câu 2. Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học với một vấn đề gây hứng thú trong văn chương: sự mở đầu và kết thúc của tác phẩm.
Nếu văn học dân gian, trung đại thường có sự mở đầu và kết thúc khá đơn giản bởi vấn đề được nêu lên thường theo tiến trình thời gian, thì trong văn học hiện đại, sự mở đầu và kết thúc lại mang dụng ý nghệ thuật sâu sắc.
Với "Ông đồ" Mở đầu hình ảnh ông đồ xuất hiện trong cảnh vui tươi, kết thúc trở thành nỗi ai hoài, nuối tiếc vì không giữ được gìn giữ phần "hồn vía" của nghệ thuật thư pháp. Xét về yếu tố khách quan mở đầu và kết thúc này phản ánh một quy luật lịch sử, cái cũ mất đi, cái mới hình thành. Song qua đó ta thấy rõ tâm sự về việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và lòng yêu nước thầm kín của nhà thơ.
Với "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": Mở đầu là hình ảnh chiếc xe không kính, kết thúc vẫn là hình ảnh ấy nhưng bị tàn phá nặng nề. Chiếc xe còn đó, trái tim cầm lái vẫn còn đó như là minh chứng hùng hồn cho vẻ đẹp, sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong chiến tranh.
Qua hai tác phẩm, ta thấy có những vẻ đẹp bị dần dần quên lãng ("Ông đồ"). Có những vẻ đẹp trường tồn, được nhân lên, mở rộng ra theo thời gian ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính"). Chính mở đầu và kết thúc của hai tác phẩm cho ta thấy sự tinh tế và tài năng sáng tác văn chương của các tác giả.
Với đề thi này, học sinh đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng. Về hiểu biết xã hội, học sinh phải luôn cập nhật các vấn đề của thời đại, nhưng không phải quá xa lạ, mà tồn tại ngay trong cuộc sống của các em. Về kiến thức văn học, học sinh cần phải có hiểu biết về lý luận, đặc biệt là cấu trúc của tác phẩm văn chương. Các em phải thuần thục các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận, biết cách so sánh, phản đề mới có thể làm tốt đề này.
Tuy nhiên, phần câu 1 nên có chú thích với các thuật ngữ mới, ở câu 2 đề có thể mở hơn không chỉ ở 2 tác phẩm để giúp học sinh phát huy hết khả năng của mình. Nhìn chung, đây là một đề thi khó, sức phân loại cao và thực sự sẽ chọn lựa được những học sinh xuất sắc học chuyên Văn.