Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhân giống đàn bò tót lai độc nhất Việt Nam

Trang trại chăn nuôi bò tót lai độc nhất vô nhị ở Việt Nam, rộng 2 ha, nằm giữa đại ngàn Vườn quốc gia Phước Bình, (huyện Bác Ái, Ninh Thuận), đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.

 

Trang trại chăn nuôi bò tót lai - Ảnh: Thiện Nhân

Từ cuộc “giao duyên” bất ngờ
Năm 2008, người dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát hiện con bò tót đực cường tráng từ đại ngàn về làng. Nó hay bám theo để "bầu bạn" với những con bò cái của người dân thả rông ở khu vực nương rẫy dưới chân núi Tà Nin, thuộc Vườn quốc gia Phước Bình. Kết quả của những cuộc tình “vụng trộm” giữa bò tót rừng với bò nhà đã cho ra đời hơn 20 con bò tót lai vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về màu lông, sừng... rất giống bố.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, cho biết từ mối “giao duyên” giữa bò tót và bò nhà đã tạo nên một hiện tượng khoa học lý thú, cho ra đời đàn bò tót lai khỏe mạnh mà con người không thể tác động vào được. Để duy trì và phát triển nguồn gien quý hiếm này, đầu năm 2013, Sở KH&CN hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thống nhất mua lại 10 con bò tót lai (5 con đực, 5 con cái) của người dân và tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại Vườn quốc gia Phước Bình.
Ông Não Ngọc Én, người phụ trách trang trại chăn nuôi đàn bò tót lai, cho biết sau hơn 2 năm đưa vào trang trại chăn nuôi, đàn bò tót lai phát triển rất tốt, con nặng nhất khoảng 800 kg, to gấp 3 lần so với bò nhà cùng lứa tuổi. “Ưu điểm của bò tót lai rất khỏe mạnh, chưa hề có biểu hiện đau ốm. Hiện các con bò cái lai đã đến thời động dục và đã có một con mang thai hơn 3 tháng”, ông Én cho biết.
Giống bò vượt trội
Theo ông Vân, Viện Vật lý hạt nhân Đà Lạt đã giám định nhiễm sắc thể và cho kết quả, tất cả 10 con bò lai đang nuôi tại trang trại đều có nhiễm sắc thể là 2N = 58; trong khi đó cặp nhiễm sắc thể của bò nhà là 2N = 60 và bò tót rừng là 2N = 56. “Dù có sự khác biệt giữa bò nhà và bò tót rừng nhưng cặp nhiễm sắc thể chẵn của bò tót lai đã có cơ sở lai giống với các giống bò nhà để cho ra đời thế hệ F2”, ông Vân phân tích và cho biết hiện Vườn quốc gia Phước Bình đang cho giao phối thử nghiệm giữa bò tót lai F1 với nhau; sau đó cho con đực lai F1 với bò cái lai Sind giao phối và ngược lại cho bò cái lai F1 giao phối với bò đực lai Sind, để chọn thế hệ F2 hoàn hảo. Nếu thành công thì thế hệ F2 sẽ là nguồn gien quý hiếm có nhiều đặc tính nổi trội của bò tót rừng để đưa vào nhân rộng trong chăn nuôi.
Theo ông Vân, hiện nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhân giống bò tót lai nhưng cách làm thì hoàn toàn khác với mô hình như vườn đang thử nghiệm. Điển hình như Thái Lan, Malaysia... họ nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. “Ngoài sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước, đã có hai trường đại học của Mỹ và Hàn Quốc ngỏ ý sẽ giúp đỡ việc xét nghiệm gien và công tác bảo tồn bầy bò tót lai này”, ông Vân chia sẻ và cho biết khi thế hệ F2 trưởng thành, trong điều kiện nuôi tập trung phù hợp, các ưu thế lai phát huy tốt, bò lai sẽ có trọng lượng lớn và cho khối lượng thịt hơn hẳn bò nhà. Đây là cơ hội hiếm có để hội tụ các nguồn gien quý, hướng tới giá trị thương hiệu bò tót lai Ninh Thuận - Lâm Đồng.