10% trẻ em gái dưới 15 tuổi từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: Trong năm 2015, số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 59 triệu em. Đông Á và Nam Á, khu vực Tây Phi và Trung Phi với 8 triệu em/khu vực; các quốc gia Ả rập 3 triệu em và khu vực Đông Âu và Trung Á là 1 triệu em.
Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển ở độ tuổi từ 15 - 17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca; tỷ lệ trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 10%. Tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi. Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên.
Thực tế ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Các em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe do phải sinh nở trước khi cơ thể em sẵn sàng cho việc đó. Các em cũng có thể không được hưởng các quyền con người; không được đi học, sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình; tương lai của các em có thể bị hủy hoại, tiềm năng của các em có thể sẽ không bao giờ được phát huy.
Trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số - đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Riêng tại Việt Nam, theo thống kê đến nay dân số cả nước là gần 92 triệu người, là nước đông dân thứ 14 trong tổng số 238 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) trong đó nhóm dân số vị thành niên, thanh niên chiếm 29% tổng dân số cả nước. Nhóm dân số này là lực lượng xã hội to lớn, là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ vị thành niên đều được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, cũng như sự bảo vệ và sự tham gia, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên. Nhóm trẻ em gái này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng mà lẽ ra các em phải được hưởng với tư cách là các cá nhân, các em chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết giúp vượt qua các bất bình đẳng và phân biệt đối xử tước đi cơ hội công bằng trong cuộc đời. Các thách thức và trở ngại mà một em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bội phần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn và xuất thân trong một gia đình nghèo khó...
Đảm bảo một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn cho trẻ em gái
Năm 2016, UNFPA lấy chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên cho phép bảo đảm quyền của các em hiện nay và bảo đảm một tương lai công bằng hơn và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các trẻ em gái sẽ có phần bình đẳng, có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị của ngày mai.
Thông điệp chính mà UNFPA muốn gửi tới tất cả các nước thành viên là: “Sự thành công của Chương trình nghị sự phát triển bền vững phụ thuộc vào việc chúng ta hỗ trợ và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên hiệu quả đến mức nào”. Các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có trẻ em gái vị thành niên – đối tượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành. Các cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái cũng có vai trò thiết yếu trong việc định hình các chính sách có tác động tới cuộc sống của các em và đảm bảo rằng các chính sách này thực sự đem lại những chuyển biến tích cực. Khi các nước đầu tư cho y tế và giáo dục dành cho thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên, tạo cơ hội cho các em phát huy trọn vẹn năng lực bản thân, thì các em sẽ có điều kiện tốt hơn để tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.
“Chương trình nghị sự phát triển mới kêu gọi chúng ta không được phép để cho bất kỳ ai bị tụt lại phía sau. Để có thể tiếp cận được các nhóm dân số đang bị bỏ lại phía sau, các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung và bảo vệ quyền của trẻ em gái vị thành niên thiệt thòi nhất, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. Trẻ em gái chịu thiệt thòi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhìn từ góc độ sức khỏe sinh sản. Các em rất có thể buộc phải làm mẹ trong khi bản thân vẫn còn là trẻ em. Các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình”. TS Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA nhấn mạnh.