Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhận “quả đắng” khi xem nhẹ chính sách BHXH

Doanh nghiệp (DN) né tránh hoặc không quan tâm đến chính sách BHXH cho người lao động (NLĐ) với cái lợi trước mắt là “né” được khoản tiền đóng BHXH hàng tháng, NLĐ cũng không đòi hỏi. Đến khi gặp chuyện bất trắc như tai nạn lao động thì cả NLĐ và DN đều gánh thiệt hại nặng nề.

 

Bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - thăm CN Lê Thị Cúc bị tai nạn lao động.

Gánh nặng đè lên gia đình người lao động

Hơn nửa tháng sau vụ tai nạn lao động tại cơ sở Lưu Gia Nghi (đóng tại đường Chiến Lược, khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) diễn ra, những công nhân (CN) làm việc ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Hậu quả của vụ tai nạn này là 2 nữ CN ra đi vĩnh viễn, 1 nữ CN bị đa chấn thương, 1 người khác bị chấn thương sọ não. Đến viếng đám tang 2 nữ CN là nạn nhân của vụ tai nạn lao động trên, ai ấy đều xót xa khi chứng kiến gia cảnh khó khăn của hai chị. Hai chị đều là những lao động chính trong gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương anh chị em. Các chị làm việc ở cơ sở này được trả tiền công theo ngày, lãnh lương theo tuần. 4 nữ CN này làm việc trên dưới 10 năm ở cơ sở Lưu Gia Nghi nhưng cả 4 người đều không được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Chị Lê Thị Cúc - người bị đa chấn thương trong vụ tai nạn - cho biết, hiện tại mọi chi phí điều trị đều được người chủ của cơ sở Lưu Gia Nghi chi trả. Tuy nhiên, điều chị lo lắng chính là sau khi xuất viện, sức khỏe không còn được như trước, chị không biết làm gì để có tiền sinh sống, trong khi hơn 10 năm làm việc chị không được tham gia BHXH nên chị xem như không có “của để dành”.

Trước đây, BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một trường hợp nam CN bị phỏng do nước nung thép đổ lên người, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng nam CN cũng không qua khỏi. Phía Cty cho biết: “Vì nghĩ rằng chỉ cần trả lương cao cho NLĐ là được, cũng không thấy NLĐ yêu cầu nên Cty cũng không quan tâm, chỉ đến khi NLĐ bị tai nạn lao động, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, NLĐ chết thì Cty mới hiểu hết được thế nào là “an sinh” của chính sách BHXH”.

Clip: Một trường hợp người lao động bị tai nạn lao động liệt nửa người.


Không nên chờ nước đến chân mới nhảy!

Nhiều trường hợp khác mặc dù tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ nhưng vì không hiểu luật nên khi xảy ra tai nạn lao động, thay vì giải quyết, DN lại tìm cách né tránh khiến cho NLĐ bị thiệt thòi.

“Cty đóng BHXH cho NLĐ đầy đủ nhưng khi thấy vụ tai nạn lao động quá nghiêm trọng, CN bị liệt nửa người thì chúng tôi không dám báo cáo sự việc vì sợ trách nhiệm, kiểu giống như đánh người gây thương tích”, đại diện Cty D (Bình Dương), chia sẻ về trường hợp của anh N bị tai nạn lao động nhưng Cty không khai báo để NLĐ được hưởng trợ cấp BHXH.

Anh N được phân công làm vệ sinh mái của nhà xưởng, trong lúc làm việc, do không được trang bị bảo hộ lao động, anh bị ngã từ mái xưởng xuống đất, dẫn đến liệt nửa người. Khi đưa anh N đến bệnh viện, công ty cho người khai báo anh N bị tai nạn sinh hoạt, sau đó công ty trả mọi chi phí viện phí cho anh N mà không làm thủ tục để anh được hưởng BHXH dù gần 3 năm qua, từ khi ký HĐLĐ với anh N, công ty đã tham gia đóng BHXH đầy đủ.

“Khi NLĐ khiếu nại đến báo chí, gặp và làm việc với báo chí, nghe giải thích từ phía phóng viên, luật sư hỗ trợ pháp lý cho NLĐ thì chúng tôi mới hiểu. Nếu chúng tôi hiểu luật, làm đúng thủ tục thì bây giờ cả NLĐ và Cty sẽ không phải khổ như thế này. Nhưng dù muộn thì chúng tôi vẫn sẽ làm để NLĐ nhận được quyền lợi của mình. Đây cũng là một bài học cho cách quản lý của chúng tôi”, đại diện Cty chia sẻ.