Mặc dù các nhân viên quản lý của một số công ty đều có mức lương hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng/tháng nhưng khi được khảo sát nhiều người vẫn chưa hài lòng về các chính sách nhân sự như tiền lương, chính sách thăng tiến, đào tạo… của công ty.
Đây là kết quả được đưa ra tại báo cáo có tên “Nhân sự cấp trung người Việt nghĩ gì về công việc hiện tại” do Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search vừa công bố ngày 20/12.
Khảo sát được thực hiện tháng 11/2016, với hơn 1.100 nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt có (70% là trưởng nhóm đến giám đốc và 2% là nhân sự cấp cao ở vị trí từ Phó Tổng Giám đốc đến Tổng Giám đốc). Báo cáo phản ánh một phần thực tế trong bức tranh toàn cảnh của lao động cấp trung người Việt đang làm việc trong các tập đoàn, công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Báo cáo dành rất nhiều các thông tin liên quan đến chính sách nhân sự của công ty, bao gồm lương, chính sách thăng tiến, chính sách đào tạo cũng như các chương trình gắn kết nhân viên. Tuy nhiên, các ý kiến ghi nhận được từ những người tham gia khảo sát cho thấy không có nhiều những phản hồi tích cực liên quan đến những lĩnh vực này.
Những người được khảo sát đều có lương cao, 76% người đang được nhận mức lương từ 10 triệu-50 triệu đồng/tháng, khoảng 10% có mức lương từ 50-100 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy nhiên, có tới 25% cho biết họ không hài lòng với mức lương hiện tại, chỉ có 15% người được hỏi cảm thấy hài lòng với mức lương của mình.
Chia sẻ về báo cáo, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc khu vực phía Nam của Navigos Search cho biết, không chỉ về tiền lương, nhân sự quản lý còn cảm thấy không hài lòng về chính sách thăng tiến. Có tới 59% người tham gia khảo sát cho biết công ty họ không có chính sách thăng tiến mang tính khả thi và 23% khác chia sẻ rằng công ty họ thậm chí không có cả chính sách thăng tiến trong nội bộ.
Chính sách đào tạo cũng nhận được nhiều chia sẻ từ những người tham gia khảo sát. Trong khi có 33% người trả lời cho biết họ không được tham gia đào tạo nội bộ và có đến 53% cho biết họ không được tham gia bất kỳ một chương trình đào tạo từ bên ngoài.
Trong khi có gần một nửa người trả lời cho biết họ được khuyến khích những cách làm mới, thì cũng có đến một nửa khẳng định họ không rõ lắm về việc có được khuyến khích hay không và thậm chí không được khuyến khích điều đó. Tuy nhiên, đáng chú ý là chỉ có 17% thường xuyên được thưởng khi đạt được thành tích trong công việc nhưng có 25% chưa bao giờ có được sự động viên này.
Có đến 58% số người cho biết thỉnh thoảng mới nhận được sự ghi nhận của công ty dành cho thành tích của mình.
Nhân sự cấp trung đang thiếu vắng niềm hứng thú trong công việc của mình
Một trong những điểm phát hiện quan trọng nhất của báo cáo này là sự thiếu vắng niềm hứng thú trong công việc của nhân sự cấp trung. Có đến 58% được hỏi cho biết họ không có hoặc có rất ít sự hứng thú trong công việc.
Những người tham gia khảo sát cũng cho biết cảm nghĩ của họ về sự tự hào về công ty họ đang làm việc. Chỉ có 22% người trả lời cho biết họ tự hào về thương hiệu công ty của họ, trong khi đó 35% cho biết họ không tự hào hoặc họ không có cảm giác gì về thương hiệu công ty.
Bà Nguyễn Phương Mai cho rằng liệu việc thiếu hứng thú, thiếu đi tình yêu và niềm tự hào với thương hiệu mình đang làm việc có thể sẽ dẫn tới chất lượng lao động thấp của nhân sự cấp trung người Việt?
Báo cáo này cũng thăm dò về sự ảnh hưởng của stress đến sức khỏe của lao động nhân sự cấp trung. Có đến gần 90% người tham gia khảo sát này cho biết họ bị ảnh hưởng của stress trong công việc tùy theo mức độ, từ mức thỉnh thoảng, thường xuyên đến mức rất thường xuyên.
Khi được hỏi đối với họ thế nào là “thương hiệu của nhà tuyển dụng” khiến họ cảm thấy hấp dẫn nhất, 14% người trả lời cho biết đó là công ty trả lương cao và họ chấp nhận chịu cạnh tranh khắc nghiệt. Có 23% lựa chọn đó là nơi có lộ trình thăng tiến rõ ràng mặc dù lộ trình đó có thể vô cùng thử thách. Đáng lưu ý là có 11% cho biết thương hiệu của nhà tuyển dụng hấp dẫn họ nhất là làm việc ở các công ty khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Mai cảnh báo: “Những yếu tố tiêu cực mà một nhân viên cảm nhận về doanh nghiệp, có thể sẽ dẫn đến việc chảy máu chất xám khi những người tài không được trọng dụng và rời bỏ công ty. Khi đó doanh nghiệp thực sự phải đối mặt với những thách thức không chỉ liên quan đến năng suất, chất lượng lao động mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường trong công cuộc kinh doanh đầy thách thức và biến động như ngày nay.”/.