Dự án này do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Bộ NN-PTNT Việt Nam thông qua UNICEF tại Việt Nam có trị giá 5,7 triệu USD cho giai đoạn 2021 - 2026.
Mục tiêu của dự án nhằm trang bị cho trẻ em, gia đình và cộng đồng kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai tại khu vực miền Trung và ĐBSCL, nhất là tại 3 địa phương: Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu.
Mục tiêu cụ thể của dự án là tăng cường khả năng chống chịu cho 20.000 người, trong đó có 9.000 trẻ em được cải thiện các dịch vụ về nước sạch và vệ sinh môi trường; 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi được sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng để có can thiệp kịp thời vào năm 2025.
Theo bà Rana Flowers, báo cáo về Chỉ số rủi ro khí hậu đối với trẻ em do UNICEF công bố năm nay, tại Việt Nam, trẻ em và thiếu niên là đối tượng có nguy cơ chịu tác động cao nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và quá trình giáo dục.
Thông qua dự án, UNICEF và Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng nỗ lực đảm bảo cho trẻ em được phát triển trong môi trường xanh và sạch và an toàn.
Dự án này sẽ giới thiệu các công nghệ sáng tạo, bền vững, kinh nghiệm từ Nhật Bản và các nước về khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng.
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada: Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Do đó, hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Hiện tại, hai nước đang phối hợp xúc tiến dự án ứng phó với sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc và dự án vận hành hiệu quả đập tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tháng 8/2021, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự án hỗ trợ Lập quy hoạch chung ứng phó với lũ lụt tại khu vực miền Trung Việt Nam.
Dự án này sẽ góp phần giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn Chính phủ Nhật Bản và UNICEF tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các dự án hợp tác công - tư về tăng cường sức chống chịu của của hệ thống quản lý và các công trình phòng chống thiên tai; thực hiện chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi, như nâng cao nhận thức không chỉ cho người dân mà còn cho các nhà lãnh đạo, nhất là ở các địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng một xã hội bền vững trước thiên tai.
Theo báo cáo về Chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em do UNICEF công bố trong năm 2021, tại Việt Nam, trẻ em và thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ cao nhất chịu tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, giáo dục và sự bảo vệ trẻ em.
Thông qua dự án, UNICEF nỗ lực để đảm bảo trẻ em được phát triển trong một môi trường an toàn, xanh và sạch, trong đó có việc đưa trẻ em trở thành trung tâm trong các chính sách về khí hậu và môi trường, khuyến khích sự tham gia của trẻ em, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và thiếu thốn của trẻ em, phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Thỏa thuận Paris, Khung Sendai và các mục tiêu phát triển bền vững.